Thầy giáo 17 năm gieo chữ, hiến đất xây trường

Thứ Sáu, 26/01/2018 09:34  | Hoàng Quân

|

(CAO) Sinh ra ở vùng biển, sau khi tốt nghiệp sư phạm, anh Nguyễn Khắc Điệp (SN 1980) lên các xã miền núi ở Quảng Nam để dạy học. Suốt 17 năm gieo chữ, thầy Điệp là tấm gương điển hình trong ngành giáo dục, có nhiều đóng góp cho địa phương.

Hiệu trưởng hiến đất xây trường học

Đến huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam), chúng tôi được nghe kể nhiều về tấm gương vượt khó, tận tụy với ngành giáo dục và đời sống của người dân. Đó là thầy giáo Nguyễn Khắc Điệp (SN 1980) – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú THCS Trà Mai. Trong đó, thầy Điệp đã hiến gần 600m2 đất để huyện mở rộng khuôn viên Trường PTDT bán trú THCS Trà Cang – ngôi trường mà thầy từng công tác.

Trong thư gửi Phòng GD&ĐT, thầy Điệp viết: “Vợ chồng tôi đồng ý hiến 594m2 đất để mở rộng khuôn viên trường THCS Trà Cang, gầy dựng cơ sở vật chất, giúp học sinh có chỗ học và đồng nghiệp có nơi làm việc”.

Diện tích đất này nằm trong khu đất rộng 2.000m2 mà thầy Điệp mua vào năm 2007 với giá 80 triệu đồng. Đó là lúc thầy Điệp về xã Trà Cang công tác, tạm trú trong căn phòng tạm dành cho giáo viên. Hàng ngày lên lớp, lúc nào rảnh rỗi thì 2 vợ chồng đi kiếm bìa gỗ, cây, cột về dựng nhà. Thấy thầy Điệp hiền lành, chăm chỉ nhưng còn khó khăn, một phụ huynh cho mượn ít đất để canh tác, khi nào có tiền thì trả. Ngoài giờ dạy, thầy Điệp vừa cuốc đất trồng hoa màu, nuôi lợn, gà vịt…. để ổn định cuộc sống. 

Thầy Điệp

Thời gian sau, thầy Điệp đề nghị mua đất thì được đồng ý. “Bao nhiêu vốn liếng dành dụm được và vay mượn thêm bạn bè, người thân được 80 triệu đồng để mua đất. Ngoài lương dạy học thì thu nhập chính của gia đình từ mảnh đất này. Khi Phòng GD&ĐT có chủ trương mở rộng khuôn viên trường, xây dựng thêm phòng học, nhà hiệu bộ để thực hiện tiêu chuẩn cho trường chuẩn quốc gia thì kêu gọi các giáo viên hỗ trợ. Phần lớn giáo viên đều khó khăn nên đóng góp bằng mỗi cách khác nhau. Mình dành gần 600m2 tặng để mở rộng trường”, thầy Điệp chia sẻ.

Ông Trần Văn Mẫn – phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: “Việc hiến đất để mở rộng khuôn viên trường của thầy Điệp là một trong những cử chỉ cao đẹp, chia sẻ cùng huyện để khắc phục khó khăn, vất vả, tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ em, đem đến kết quả tốt đẹp cho ngành giáo dục. Qua đó cũng củng cố thêm phong trào hiến đất ở địa phương được nhân rộng để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội”.

Sau 8 năm dạy học ở THCS Trà Cang với nhiều thành tích, thầy Điệp được trường, lãnh đạo Phòng GD&ĐT ghi nhận, tin tưởng giao nhiệm vụ làm Hiệu phó sau đó là Hiệu trưởng. Đến tháng 9-2015, thầy Điệp được điều chuyển về xã Trà Mai ở gần trung tâm huyện, làm Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Trà Mai. 

Thầy Nguyễn Khắc Điệp chăm lo bữa ăn trưa của học sinh bán trú

Tấm gương vượt khó, tận tụy với giáo dục miền núi

Từ khi về trường, thầy Điệp có nhiều thay đổi, phổ biến cách làm hay để đưa ngôi trường vững mạnh. Cơ sở vật chất trường càng được khang trang, chất lượng giáo dục nâng cao. Học sinh hầu hết là con em đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện. Do địa hình cách trở, đời sống khó khăn nên việc duy trì sĩ số đến lớp là vấn đề lớn của trường cũng như đa số các trường học ở Nam Trà My. Học sinh không phải đóng học phí nhưng các em là lao động chính trong nhà nên đi học là đồng nghĩa với việc ở bán trú tại trường nên không thể chăm lo được việc nhà.

Nhiều phụ huynh ra “thương lượng” nếu muốn học sinh đến trường thì giao phó hẳn con em mình cho thầy cô. Trước năm học mới, ngoài công tác thi tuyển học sinh, thầy Điêp cùng các giáo viên về các địa phương, làm việc, trao đổi với lãnh đạo UBND các xã kêu gọi, vận động học sinh. Để gúp các em bám trường, các thầy cô tìm nhiều cách để tiết kiệm tốt nhất cho học sinh về ăn uống, sinh hoạt, mua sắm sách vở, đồ dùng học tập.

Ngày nghỉ lễ, lúc rảnh rỗi thì thầy Điệp đi nhiều địa phương để kết nối với các nhà hảo tâm, vận động mọi người giúp đỡ học sinh. Hàng tuần, các giáo viên xuống TP.Tam Kỳ, ra TP.Đà Nẵng thu gom quần áo, sách vở, đồ dùng học tập rồi chở tận lên trường cho học sinh; vận động thiện nguyện trên facebook. Chia sẻ với những khó khăn của trường, cảm kích thầy Điệp, các đoàn từ thiện lặn lội đường xa về giúp đỡ học sinh, trong đó có không ít những người là học trò của thầy Điệp nay đã trưởng thành, có công việc, cuộc sống ổn định. 

Trường PTDT bán trú THCS Trà Mai (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) nơi thầy Điệp là Hiệu trưởng

Ít ai biết, để có được cuộc sống gia đình ổn định, vị trí quản lý (Hiệu trưởng) và có nhiều thành tích như hôm nay, thầy Điệp đã trải qua nhiều gập ghềnh. Gia đình nghèo ở vùng biển huyện Núi Thành (Quảng Nam) nên cuộc sống thầy rất khó khăn, thiếu thốn.

Hơn 10 tuổi thì bố qua đời nên gia đình càng túng quẫn. Vừa phụ nghề đi biển, anh Điệp vừa chăm chỉ học hành. Tốt nghiệp cấp 3, nghĩ phải chọn ngành học được miễn giảm học phí nên anh thi và đậu vào Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, khoa Sử - Địa.

Tốt nghiệp năm 2000 đúng dịp huyện Nam Trà My tổ chức thi tuyển công chức, viên chức, anh Điệp từ vùng biển lặn lội lên miền núi thi và trúng tuyển, được bố trí dạy học.

17 năm công tác ở miền núi, anh Điệp không chỉ làm tròn sứ mệnh người gieo chữ, người quản lý tốt mà còn đóng gó không nhỏ đối với ngành giáo dục, với sự thoát nghèo, đổi thay cả nhiều gia đình.

Theo sự phân công của Phòng GD&ĐT, ngoài việc dạy học, cứ 2 giáo viên trong vùng cắm bản phụ trách cùng với chính quyền địa phương giúp đỡ 1 hộ nghèo thoát nghèo. Thầy cùng đồng nghiệp đã giúp hàng chục hộ thoát nghèo, trở thành người “thầy Xê Đăng”, “thầy Ca Dong” của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Bình luận (0)

Lên đầu trang