Những hộ dân nay đang bày tỏ mong mỏi có số nhà cho... văn minh và tiện lợi trong sinh hoạt.
"Nhất bên trọng, nhất bên khinh..."
Từ điểm đầu tuyến đường Phan Chu Trinh đi vào đường Hồ Xuân Hương (TP.Đà Lạt), cách một khoảng rộng hàng km là khu du lịch hồ Than Thở, còn lại khoảng gần 2km đường Hồ Xuân Hương, ven đường dân cư ở gần như ken kín. Trên cùng một con đường, một bên thuộc phường 9, bên còn lại thuộc phường 12, TP.Đà Lạt, bên thì có đầy đủ số nhà, bên thì không. Nhiều căn nhà chịu cảnh không số cả từ trên 30 năm nay.
Dãy nhà đường Hồ Xuân Hương thuộc phường 12, nhiều căn nhà xây hoành tráng kiểu biệt thự hoặc những quán tạp hóa, sửa xe, nhà cấp 4... nằm san sát, kề nhau cùng chung cảnh... không có số nhà.
Khi chúng tôi hỏi vì sao, như vậy có bất tiện không? Những hộ dân ở đây “khóc dở” cho biết: “Tôi cũng thấy lạ quá, đi đến đâu quanh thành phố này đều có số nhà mà dân chúng tôi ở đây bao năm chịu cảnh không có. Cứ thấy thiếu thiếu, kỳ kỳ sao đó. Con cái đi học, giao dịch hàng hóa... cũng khá bất tiện. Nhờ nhà báo lên tiếng để chúng tôi có số nhà chứ biết kêu ai, chờ đợi đến bao giờ?”.
Cùng một con đường Hồ Xuân Hương, nhưng bên có số số nhà, bên không
Cô Nguyễn Thị Năm (tạp hóa cô Năm) chia sẻ: “Tôi thì đỡ hơn mọi người vì tạp hóa của tôi dễ thấy nên cũng không gặp phiền phức lắm về chuyện có giao dịch, đóng tiền điện, nước gì... Nhiều người thường mượn địa chỉ quán tôi để giao nhận bưu phẩm, đồ đạc. Nhưng phải có số nhà để làm giấy tờ nhà đất chứ... Chúng tôi mong lắm...”.
Chị Lê Thị Hương, ở cạnh đó, chia sẻ: “Chúng tôi thấy mình như đứa con bị bỏ rơi, bị lãng quên, trở nên xa lạ, kỳ dị với thành phố này. Ai đời ở ngay thành phố nổi tiếng cả nước, thậm chí nổi tiếng thế giới mà nói nhà không có số, không ai tin... Nhà nước phải làm sao chứ để mãi thế này đâu được?
Ngày trước mỗi lần có thư, bưu phẩm gì muốn nhận cũng khổ lắm, nhiều khi bị thất lạc vì người giao hàng không tìm được chúng tôi. Có những món đồ ở quê xa hay ở nước ngoài gửi về bị hư hỏng, hết đát chúng tôi mới biết tin. Sau này có số điện thoại nên mọi giao dịch cũng dễ dàng hơn. Tuy vậy, chúng tôi thực sự mong mỏi được gắn số nhà”.
Ông Nguyễn Thạch (66 tuổi), nói: “Tôi ở đây trên 30 năm rồi đâu biết mặt mũi cái số nhà là gì. Nhiều lần cán bộ phường đến khảo sát, hẹn rồi vẫn không có số nhà. Nhiều người mong mỏi... Cũng có người lo lắng có số nhà lại phải đăng ký lại hộ khẩu, giấy tờ nhà đất... phức tạp, nhưng theo tôi, nhà trong thành phố phải có số nên hầu hết chúng tôi đều mong mỏi”.
Một vài căn nhà gắn biển số nhà trùng với số nhà đối diện để tiện liên lạc. Nhiều gia đình phải mượn địa chỉ UBND phường 12 hoặc quán tạp hóa cô Năm để giao dịch nhận hàng hóa, bưu phẩm...
Có những căn nhà xây hoành tráng, nhưng không có số nhà
Tình trạng lộn xộn về số nhà tại TP.Đà Lạt còn xảy ra như tại hẻm 6B Trần Hưng Đạo, phường 3, có đến hơn 100 hộ dân cùng chung một số nhà 6B Trần Hưng Đạo nên việc tìm nhà một ai đó thật sự là khó khăn.
Anh Phan Hữu Học – nhân viên bưu điện TP.Đà Lạt và anh Trần Phúc Hải – nhân viên dịch vụ giao hàng của một công ty, cho biết: Giờ có số điện thoại liên lạc nên việc tìm kiếm chủ nhà trên các tuyến đường này cũng đỡ hơn, nhưng nhiều khi, “lính mới” cũng phải chạy tới chạy lui cả chục lần mới tìm ra địa chỉ cần giao. Gặp hôm mưa gió, trời tối thì cực lắm.
Một người dân ở đây cho biết: Các nhà xe từ TP.Đà Lạt đi - đến các tỉnh thành khác đều có dịch vụ đưa, đón tại nhà. Những người dân trên các tuyến đường khác được đưa đón tận nơi, chúng tôi hầu hết phải rời nhà ra các địa điểm giao hẹn với nhà xe để chờ đợi. Nhiều hôm mưa gió hay nhà nào có con gái nhỏ đi học xa, phải ra ngã ba hoặc ngoài đường lớn chờ xe như vậy, bất tiện lắm...
Có những căn nhà tồn tại hàng chục năm không có biển số nhà
Chính quyền địa phương nói gì?
Ông Nguyễn Văn Ron - Chủ tịch UBND phường 12 xác nhận với phóng viên về việc hàng chục hộ dân tại một bên tuyến đường Hồ Xuân Hương (thuộc phường 12) chưa có số nhà nhiều năm nay, bản thân gia đình ông cũng ở đây và cùng cảnh ngộ.
“Một số căn nhà mới xây là thuộc diện dãn dân, không có nhà xây trái phép. Nhiều gia đình sinh sống ở đây từ sau ngày giải phóng đến nay đều chưa có số nhà, họ mong mỏi lắm. Tôi cho rằng việc này là cần thiết. Phường đã phối hợp Tổ công tác của UBND TP.Đà Lạt tiến hành khảo sát, lập danh sách các hộ dân và đang chờ cấp biển số nhà đợt 2. Khi đó, cán bộ phường sẽ hỗ trợ việc lắp đặt (biển số nhà) cho các hộ dân...”.
Ông Võ Hùng – Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP.Đà Lạt cho biết, nhiều năm trước, ông đã trực tiếp cho lập danh sách, cấp biển số toàn tuyến đường này và giao cấp dưới triển khai, thực hiện. Nay chưa có, ông hứa sẽ cho kiểm tra lại sớm nhất có thể để đảm bảo nhu cầu, quyền lợi chính đáng của người dân. Theo ông, việc này là vấn đề bức thiết.
Ông Vũ Xuân Hùng – Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường TP.Đà Lạt cho biết, sẽ triển khai rà soát ngay để đảm bảo quyền lợi của người dân
Ông Vũ Xuân Hùng – Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường TP.Đà Lạt, cho biết: Đây là chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP.Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng từ nhiều năm qua, các phòng, ban chức năng thành phố đã phối hợp thực hiện, song nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, như: nhiều căn nhà thuộc diện xây dựng sai phép, nhà tạm, cơi nới; từ một sổ đất, một số nhà tách ra làm 2,3 căn...
Ngoài ra, tâm lý nhiều người dân thích số nhà đẹp, cán bộ địa chính dễ dãi nên xảy ra tình trạng trùng số nhà, tên đường chồng chéo... nên cần rà soát lại để điều chỉnh hoặc cấp mới một lượt... . Sau một đợt triển khai việc cấp đổi mới số nhà trên địa bàn TP. Đà Lạt, đến nay đã thực hiện được trên 30.000 địa chỉ, số nhà cho các hộ gia đình, ưu tiên các tuyến đường chính. Những căn còn lại sẽ được triển khai cấp biển số chậm nhất đến năm 2019. Cần có sự rà soát kỹ trước khi thực hiện.
“Chúng tôi sẽ cho kiểm tra ngay tình trạng nhà không số trên đường Hồ Xuân Hương. Thiếu sót, sai phạm ở đâu sẽ được làm rõ... Còn về tình trạng hơn 100 căn nhà cùng biển số 6B Trần Hưng Đạo, chúng tôi đã xác định nhiều căn nhà bất hợp pháp nên sẽ có báo cáo cụ thể với cấp trên... ”, ông Hùng thông tin.