Tòa cấp cao ra quyết định phúc thẩm vụ kiện về sửa điều lệ công ty

Thứ Tư, 21/04/2021 09:03

|

(CAO) Công ty TNHH Bay Water (trụ sở tại quận 1, TPHCM) có vốn điều lệ là 1.019 tỷ đồng, gồm hai thành viên: Công ty TNHH Đầu tư Sato (SATO), chiếm 10% và Công ty Sun Wah Vietnam Real Estate (D1) Limited (Sun Wah) chiếm 90%.

Công ty Bay Water là chủ đầu tư phát triển dự án (DA) “Khu chung cư tại số 90 Nguyễn Hữu Cảnh, P.22, Q.Bình Thạnh, TPHCM” thuộc dự án chỉnh trang đô thị đầu cầu Thủ Thiêm (gọi tắt là Sun Wah Pearl).

Dự án được triển khai từ năm 2015, tổng vốn đầu tư (dự tính) là 4.202 tỷ đồng (làm tròn), trong đó phần vốn góp điều lệ là 1.019 tỷ đồng, chiếm 24,25% tổng vốn đầu tư; phần vốn còn lại 3.183 tỷ đồng, chiếm 75,75% được huy động từ các nguồn vay ngân hàng, khách hàng mua nhà...

Với nguồn vốn vay để hoàn thành dự án nhằm bàn giao nhà ở cho khách hàng nên việc vay vốn là rất cần thiết và quan trọng trong hoạt động kinh doanh. Nếu không có tiền, ngoài tiền phạt vi phạm, lãi phát sinh, các nhà thầu có thể sẽ ngừng thi công khiến Công ty Bay Water không bàn giao đúng hạn căn hộ cho khách hàng, vi phạm về tiến độ bàn giao căn hộ với khách hàng. Thậm chí, nếu không có nguồn vốn đáp ứng kịp tiến độ của dự án thì nguy cơ có thể dẫn đến phá sản.

Dự án Sun Wah Pearl

Với yêu cầu về việc huy động vốn như trên, Công ty Bay Water đã tổ chức hai cuộc họp Hội đồng thành viên (HĐTV) để lấy ý kiến thông qua việc vay vốn từ các tổ chức tín dụng, nhưng thành viên (Công ty SATO) đã biểu quyết không đồng ý.

Ngày 18-3-2019, Công ty SATO không đồng ý khoản vay 1.000 tỷ đồng từ các ngân hàng tại Việt Nam dùng cho việc thực hiện dự án. Ngày 25-4-2019, Công ty SATO không đồng ý thông qua việc thế chấp quyền sử dụng thửa đất đang thực hiện dự án để vay vốn tại một ngân hàng tại TPHCM.

Công ty SATO đưa ra quy định của điều lệ công ty (ban hành ngày 10-5-2016), tại điều 23.3 thể hiện: "Các vấn đề sau đòi hỏi phải có sự chấp thuận của tất cả thành viên hội đồng: vay vốn, tăng vốn điều lệ, thế chấp…” để dùng quyền biểu quyết không đồng ý.

Công ty Bay Water tổ chức họp hội đồng thành viên vào ngày 3-9-2019, ban hành nghị quyết số 05/2019 với nội dung “thông qua bản điều lệ mới của công ty, ban hành ngày 3-9-2019”. Nội dung thay đổi chủ yếu tại điều 23.3 của điều lệ cũ (như đã nêu ở trên).

Nghị quyết 05 của Công ty Bay Water với nội dung sửa đổi: “Chỉ cần đạt được 80% để sửa đổi bổ sung điều lệ công ty mà không cần phải 100% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp tán thành”. Việc sửa đổi điều lệ công ty về việc bãi bỏ điều 23.3 là phù hợp quy định Luật Doanh nghiệp tại điều 60.

Sau đó, Công ty SATO đã gửi đơn tới TAND TPHCM, yêu cầu hủy Nghị quyết 05/2019 của HĐTV Công ty Bay Water. Ngày 17-8-2020, TAND TPHCM có quyết định sơ thẩm số 1257 “hủy nghị quyết 05/2019 của HĐTV Công ty Bay Water”. Công ty Bay Water và Công ty Sun Wah kháng cáo.

Ngày 8-1-2021, TAND Cấp cao mở phiên phúc thẩm. Tại tòa, đại diện Công ty SATO cho rằng, công ty này không vi phạm nghĩa vụ của thành viên góp vốn. Công ty đã thực hiện đúng và không vi phạm điều lệ của Công ty Bay Water. Không có quy định nào quy định cho phép thông qua nghị quyết của công ty mà không có sự đồng ý của công ty SATO...

Trong khi đó nhận định của Hội đồng xét xử lại cho rằng, Công ty Sun Wah góp vốn 90% trên tổng vốn điều lệ nên có quyền biểu quyết thông qua việc sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty (theo khoản 3, điều 60, Luật Doanh nghiệp 2014)...

Do đó, Tòa Cấp cao đã ra quyết định phúc thẩm số 03 với nội dung “sửa quyết định sơ thẩm số 2157 của TAND TPHCM; bác yêu cầu của Công ty SATO”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang