"Trước lúc sạt lở có thấy xáng cạp cát hoạt động sát bờ..."
Ngày 7-12, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Vĩnh Long thông tin, khu vực sạt lở không cấp phép mỏ cát cho bất kỳ đơn vị nào. Mỏ cát được cấp phép cho DNTN Huỳnh Phát thì khai thác thời hạn đến 31-12-2022. Doanh nghiệp này khai thác cát cách khu vực sạt lở là 273m (tính từ điểm cuối của điểm lở đến điểm đầu của mỏ cát). Do có vấn đề sạt lở nên Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Long đã tham mưu UBND tỉnh ra quyết định tạm dừng khai thác cát đối đơn vị được cấp phép kể từ ngày 7-12.
Theo Giám đốc Sở TN&MT Vĩnh Long, chưa thể đánh giá vụ sạt lở nói trên, bởi trường hợp sạt lở này rất đặc biệt, khác hơn những trường hợp khác. Thường sạt lở bắt đầu từ ngoài vào trong, tuy nhiên qua khảo sát thực tế cùng đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thì trường hợp này là sụp từ trong, nguyên hàng cây bần và bãi bồi bên ngoài vẫn còn.
Cũng theo ông Hiếu, theo nghiên cứu chung của các nhà khoa học về các tuyến sông ở Vĩnh Long, việc sạt lở bờ sông xuất phát từ nhiều nguyên nhân, tuy nhiên trong đó cũng có nguyên nhân khai thác cát. Riêng trường hợp sạt lở này chưa thể đánh giá nguyên nhân, phải chờ đánh giá từ đơn vị khoa học để có giải pháp tiếp theo khắc phục.
Vụ sạt lở kinh hoàng khiến khoảng 10 héc-ta đất và 13 căn nhà chìm xuống
sông Cổ Chiên, thiệt hại khoảng 35 tỷ đồng.
Còn theo ông Văn Hữu Huệ (Phó giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long), đây là vụ sạt lở rất kỳ lạ, ăn sâu vào đất liền hàng trăm mét. Hiện tại khu đất đang còn dấu hiệu sạt lở tiếp nên để vài ngày ổn định, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh thuê đơn vị độc lập khảo sát địa chất tìm nguyên nhân.
Hôm 6-12, ông Nguyễn Văn Liệt (Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long) cùng đoàn công tác có buổi khảo sát thực tế điểm sạt lở. Sau buổi khảo sát, đoàn đã nghe các ngành chuyên môn báo cáo tình hình nguyên nhân ban đầu. Tại đây, ông Nguyễn Văn Liệt yêu cầu chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chặn người đi vào khu vực nguy hiểm sạt lở, rà soát thiệt hại để lên phương án hỗ trợ.
“Hộ nào trong diện đủ điều kiện tái định cư thì cấp đất ngay, đủ điều kiện xây nhà thì xây ngay, không để người dân chờ đợi, giúp người dân ổn định cuộc sống trong thời gian sớm nhất”, ông Liệt nói và yêu cầu Công an tỉnh kết hợp kiểm tra, tăng cường xử lý cát lậu…
Người dân địa phương nghi ngờ vụ sạt lở kinh hoàng có một phần của việc khai thác cát quá mức. Ông Lê Quốc Hoàng Nam (53 tuổi, ngụ ấp Bình Thuận 1, xã Hòa Ninh) cho biết: Căn nhà mẹ ruột ông đã bị sập xuống sông cùng khoảng 50% diện tích đất vườn trồng nhãn. Ông nghi ngờ vụ sạt lở bất thường này bị tác động bên ngoài vì hàng ngày ở giữa sông Cổ Chiên có 2 xáng cạp khai thác cát do Nhà nước cấp phép.
Còn ông Trần Văn Dũng (54 tuổi) cho hay: “Ban đầu việc khai thác cát có nghỉ một thời gian, khoảng 4 -5 tháng nay bắt cạp trở lại. Từ đó sà lan đậu đầy sông khúc”.
Ông Nguyễn Thế Hùng (69 tuổi) - người bị mất trắng 12 công vườn và căn nhà nói: “Trước lúc sạt lở có thấy xáng cạp hoạt động sát bờ quá nên người dân có phản ứng, sau đó họ mới dời ra giữa sông”.
Vết nứt tiếp tục lan rộng.
Ngày 7-12, UBND huyện Long Hồ cho biết số hộ dân bị ảnh hưởng bởi vụ sạt lở đã lên đến 22 hộ, trong đó có 12 hộ mất trắng nhà (13 căn), 10 hộ mất trắng đất vườn. Trước đó, vụ sạt lở bờ sông Cổ Chiên (thuộc Cù Lao Minh, đoạn qua ấp Bình Thuận 1) diễn ra từ chiều ngày 5 đến sáng ngày 6-12, gây ảnh hưởng đến 16 hộ dân với 58 nhân khẩu. Mảng sạt lở dài 500m, sâu vào đất liền gần 300m, làm 13 căn nhà bị cuốn xuống sông, 1 nhà kho, 1 xe cuốc đang thi công đê bao, 2 ao nuôi cá chốt và khoảng 15ha đất, với ước tổng thiệt hại khoảng 35 tỷ đồng.
Chuyên gia nói gì?
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL cho rằng: Vụ sạt lở kinh hoàng ở Cù Lao Minh là nằm trong tình hình chung của việc sạt lở bờ sông, bờ biển ĐBSCL. Khuynh hướng này đã và đang diễn tiến và sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Nguyên nhân chính đằng sau tình hình này là sự thiếu phù sa, bùn cát mà nguyên nhân đằng sau đó là do các đập thủy điện Mêkông chặn nguồn phù sa, bùn cát và việc khai thác cát quá mức.
Trong tình hình đó, dòng sông sẽ gây sạt lở ở những nơi nào “dễ bị tổng thương” trước. Những nơi dễ bị tổn thương đối với sạt lở thường là: những nơi đáy sông bị sâu thêm so với trước đây; những đoạn sông cong, tim dòng chảy lấn sang phía bụng sông, tức là phía lõm; những nơi gần đó có các hố sâu tự nhiên hoặc hố sâu do khai thác cát tạo nên làm cho vật liệu bờ sông bị trôi xuống hố sâu; những nơi thành phần đất ở chân bờ sông có pha cát nhiều làm cho đất bị bời rời, độ kết dính kém; nơi nào có công trình nặng nề gần bờ sông.
Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện.
Đối với vụ sạt lở ở Cù Lao Minh dù rất kinh hoàng vì chỉ xảy ra trong vài giờ, không có dấu hiệu cảnh báo trước đó như sự xuất hiện vết nứt chẳng hạn và diện tích đất bị sạt lở là lớn chưa từng có ở ĐBSCL nhưng cũng nằm trong quy luật chung chứ không có gì kỳ lạ. Rất có thể đáy sông nơi này đã bị sâu thêm dần dần trong một thời gian dài do vật liệu bị trôi xuống hố sâu khai thác cát. Ở nơi này có thể đường tim sông bị đẩy sang phía bờ bắc sông Cổ Chiên. Theo đó một hàm ếch rất to lớn (dài đến 500m, rộng 200m) đã âm thầm ăn sâu vào bờ mà người sống phía trên hoàn toàn không hay biết. Đến khi điểm cân bằng lực đã bị phá vỡ, bờ sông không thể chống đỡ được sức nặng khối đất bên trên thì toàn bộ khối đất tuột xuống đáy sông.
Khu vực sạt lở có chiều dài 500m, rộng gần 300m.
Theo chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện, tình hình sạt lở bờ sông ở ĐBSCL sẽ còn tiếp diễn và sẽ không có biện pháp nào ngăn chặn được tình hình này vì nguyên nhân chính là thủy điện chặn cát, phù sa và việc khai thác cát vẫn còn tiếp diễn. Trong tình hình đó, để tránh thiệt hại thì các cơ quan chức năng cần kịp thời cảnh báo người dân những nơi có nguy cơ sạt lở cao để giảm thiệt hại.
Thạc sĩ Thiện kiến nghị các Sở TN&MT các tỉnh đừng cứ sau mỗi vụ sạt lở lại tiến hành thăm dò địa chất tìm nguyên nhân sạt lở. “Đây là việc làm vô ích và lãng phí thời gian, tiền bạc. Yếu tố địa chất hoàn toàn không phải là nguyên nhân gây sạt lở. Đất nơi nào đó yếu thì làm nơi đó dễ bị sạt lở hơn, chứ không phải là nguyên nhân gây sạt lở. Yếu tố địa chất của một nơi nào đó thì đã luôn luôn như vậy. Trước nay không sạt lở, nay sạt lở thì do cái khác, không thể đổ thừa cho địa chất, đất yếu được. Yếu tố địa chất cũng chỉ là một trong các yếu tố làm cho nơi nào đó dễ bị sạt lở. Hơn nữa sạt lở đã xảy ra rồi mới đi tìm nguyên nhân thì có ích gì”, ông Thiện nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thiện, thay vào đó, các Sở có thể đi tìm những nơi có nguy cơ sạt lở cao trong tỉnh của mình để cảnh báo cho người dân trước khi sạt lở để hạn chế thiệt hại tài sản và tính mạng người dân. Cách đơn giản nhất là các Sở TN&MT nên thường xuyên dùng máy siêu âm để thăm dò lòng sông, cập nhật hình dạng lòng sông hàng tháng, tìm ra những nơi có biến động hình thái dòng sông, đáy sông bị sâu hơn, hay có sự xuất hiện hàm ếch ăn sâu vào đáy bờ sông. Với những nơi xuất hiện hàm ếch thì kịp thời báo cho người dân di dời nhà cửa tài sản để giảm thiệt hại.