(CATP) Nằm ở vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm, nhưng dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) bị đình trệ suốt thời gian dài, tiềm ẩn nhiều hiểm họa khôn lường.
Năm 2006, UBND TPHCM chấp thuận chủ trương đầu tư, xây dựng kè chống sạt lở bán đảo Thanh Đa. Dự án chia thành 4 đoạn chính. Trong đó, đoạn 1 hoàn tất vào năm 2019. Ba đoạn còn lại dài khoảng 9km, vốn đầu tư hơn 1.340 tỷ đồng, gồm: đoạn 2 thuộc khu vực khách sạn Sài Gòn Domaine, đoạn 4 thuộc khu vực biệt thự Lý Hoàng đến nhà thờ La San Mai Thôn và đoạn 3.
Đoạn 2 của dự án gồm 2 gói thầu. Gói thầu thảm đá dưới nước trị giá xây dựng 76 tỷ đồng do liên danh Công ty CP Tập đoàn Anh Vinh cùng Công ty CP xây dựng đê kè và Phát triển nông thôn Hải Dương thi công. Gói thầu xây dựng thân kè và đỉnh kè ở trên cạn trị giá gần 205 tỷ đồng, do Công ty CP Anh Vinh thi công. Đoạn 4 cũng được chia ra thành 2 gói thầu. Gói thầu dưới nước trị giá hơn 104 tỷ đồng do Công ty CP Xây dựng đê kè và Phát triển Nông thôn Hải Dương thi công. Gói thầu trên cạn trị giá gần 177 tỷ đồng do liên danh giữa 3 công ty: Công ty CP Tập đoàn Anh Vinh, Công ty TNHH Thành Hưng cùng Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Vũ Bách thi công.
Dự án chống sạt lở bờ kênh Thanh Đa thi công dang dở
Đến nay, công tác thi công các gói thầu này dang dở do vướng mặt bằng. Năm 2020, có một số mặt bằng đã được bàn giao nhưng đến nay nhà thầu vẫn chưa tiến hành xây dựng. Ngày 14/8, khảo sát tại các gói thầu, chúng tôi ghi nhận, bên ngoài hàng rào công trường ghi dòng chữ “công trường đang thi công, cấm vào”, nhưng bên trong không có công nhân, máy móc hoạt động, việc thi công đã ngưng từ bao giờ. Trên bờ sông, vật liệu xây dựng xếp thành từng đống, nhiều kết cấu sắt thép bị rỉ sét, cỏ mọc um tùm, hàng chục cọc bê-tông cốt thép phơi mình giữa nắng mưa.
Tại khu vực giáp với hẻm 352 Bình Qưới, dự án được thi công theo kiểu “da beo”, chỗ hoàn thiện, chỗ chưa. Theo đó, đoạn bờ kè dài tầm 200m từ mép hẻm 352 Bình Qưới đến vila Phương Thảo được xây dựng hoàn thiện. Đoạn từ mép hẻm 352 Bình Qưới đến dọc bờ tường nhà thờ La San dài hơn 200m đã hoàn thiện bờ kè, lan can nhưng chưa hoàn thiện vỉa hè, hệ thống thoát nước. Từ bờ tường nhà thờ La San đến câu lạc bộ cá koi Minh Phương thi công lổm chổm. Hàng chục cọc bê-tông cốt thép đóng xuống đất rồi bỏ dở giữa chừng, mặc cho rỉ sét. Nhiều đoạn bờ đê chưa được đổ đất hoặc mới đổ một phần, người dân phải nhồi đất vào bao tải đắp thành bờ. Phía sau các bờ bao này có nhiều căn nhà sát bờ sông, nguy cơ sạt lở rình rập hàng ngày.
Cọc bê-tông cốt thép, cống thoát nước nằm phơi sương.
Trước đó, Sở Giao thông-Vận tải (GTVT) TPHCM cùng với Ban Giao thông và các cơ quan, đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra đột xuất tiến độ thi công, công tác quản lý chất lượng đối với đoạn 2 và đoạn 4 công trình chống sạt lở bán đảo Thanh Đa. Vào thời điểm kiểm tra, Sở GTVT ghi nhận trên công trường chỉ có một số ít công nhân và máy đóng cọc nhưng không triển khai thi công. Từ đầu năm 2023 đến nay, nhà thầu không triển khai thi công tất cả các hạng mục theo hợp đồng đã ký kết. Sau khi kiểm tra, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM cho biết trong tháng 7 và 8/2023 sẽ xem xét, chấm dứt hợp đồng với các nhà thầu yếu kém, làm chậm tiến độ công trình xây kè chống sạt lở cho kênh Thanh Đa.
Vào sáng 26/6, khoảng 120m bờ kênh Thanh Đa bị sạt lở đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của hơn chục hộ dân ở hẻm 886 Xô Viết Nghệ Tĩnh (P25, Q.Bình Thạnh). Vụ sạt lở đã gióng lên hồi chuông báo động công tác phòng chống sạt lở cũng như việc bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân.