(CATP) Ngoài những kiểu đầu tư lắp đặt thiết bị, cơ sở hạ tầng như đã phản ánh trên Chuyên đề Công an TPHCM kỳ trước, nhóm PVĐT nhận được nhiều thông tin quý giá từ bạn đọc cung cấp cho thấy có dấu hiệu của sự lãng phí lớn khác đang diễn ra.
KỲ 2: BẤT CẤP TỪ VIỆC ĐẦU TƯ TRẠM BIẾN ÁP
Những công trình trăm tỷ
Từ năm 2017 - 2023, Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) đã đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động hàng loạt trạm biến áp 110kV, 220kV trị giá hàng trăm tỷ đồng mỗi trạm. Kinh phí khổng lồ được đầu tư cho cơ sở hạ tầng ngành điện TPHCM bởi vì lợi ích mà các trạm biến áp này phục vụ cho cuộc sống là rất lớn.
Theo đó, Trạm biến áp 110kV Xuân Thới Sơn (còn gọi là trạm Hóc Môn 2) nằm trên đường Nguyễn Văn Bứa (xã Xuân Thới Sơn, H.Hóc Môn) do Ban Quản lý dự án lưới điện TPHCM làm chủ đầu tư, đã đóng điện thành công và đưa vào vận hành vào cuối năm 2018, đầu năm 2019. Trạm này có nhiệm vụ nhận nguồn điện từ đường dây cao thế 220kV - 110kV Cầu Bông - Bình Tân, nhằm giải tỏa tình trạng quá tải cục bộ hiện nay cho khu vực dân cư và các cụm công nghiệp ở phía tây H.Hóc Môn.
Toàn cảnh Trạm biến áp 110kV Xuân Thới Sơn
Tương tự, ngày 28/12/2022, EVNHCMC tiếp tục đóng điện nghiệm thu thành công Trạm biến áp 220/110kV Tân Cảng và các đường dây 110kV đấu nối vào trạm này. Ông Bùi Hải Thành (Phó Tổng giám đốc EVNHCMC) thông tin, đây là trạm được xây dựng với công nghệ hiện đại, là một trong những công trình đặc biệt quan trọng, nhằm bảo đảm cung cấp điện cho các khu vực trọng điểm của TPHCM như: TP.Thủ Đức, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đặc biệt là cung cấp điện cho tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Đồng thời, tăng cường công suất cho khu vực các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận. Tổng mức đầu tư của dự án này là gần 600 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư xây dựng của EVNHCMC.
Cũng trong tháng 12/2022, EVNHCMC đã đóng điện, nghiệm thu kỹ thuật thành công dự án Trạm biến áp 110kV Tân Phú Trung (H.Củ Chi). Tổng vốn đầu tư của dự án là hơn 220 tỷ đồng. Đây là một trong những dự án đầu tiên mà ngành điện TPHCM sử dụng công nghệ biến áp kỹ thuật số. Theo EVNHCMC, trạm biến áp này đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật về vận hành lưới điện, thực hiện thao tác điều khiển, giám sát các thiết bị trên môi trường số; giúp giảm thời gian cắt điện, giảm tối đa nguy cơ sự cố chạm chập, gia tăng độ tin cậy cung cấp điện, dễ dàng trong sửa chữa, bảo dưỡng, giảm chi phí bảo trì, bảo dưỡng.
Trạm biến áp 110kV Tân Phú Trung sẽ thay thế toàn bộ mạch điện nối cáp đồng của trạm tự động hóa thông thường bằng hệ thống cáp quang, việc truyền nhận dữ liệu từ các thiết bị ngoài trời vào trong nhà điều hành được số hóa toàn bộ nên có tốc độ truyền - nhận nhanh, tính chính xác rất cao. Ngoài ra, việc sử dụng hệ thống cáp quang thay cho cáp đồng giúp cải thiện độ an toàn (giảm nguy cơ chạm chập trong quá trình vận hành), tăng độ tin cậy cung cấp điện.
Sau hơn 4 năm xây dựng vẫn chưa khai thác, vận hành
Trên đây chỉ là 3 trong số các dự án trạm biến áp do EVNHCMC đầu tư mà chúng tôi ghi nhận. Trên thực tế, thông tin về các dự án lại chưa thực sự đạt được như kỳ vọng. Trước tiên, theo chúng tôi biết, hiện nay Trạm biến áp 110kV Tân Phú Trung (H.Củ Chi) vẫn chưa hoàn thiện đường dây 110kV để đưa vào khai thác, vận hành. Hai trạm biến áp còn lại là 110kV Xuân Thới Sơn và 220/110kV Tân Cảng thì đang có vấn đề về hiệu quả đầu tư.
Tại Trạm biến áp 110kV Xuân Thới Sơn (trạm Hóc Môn 2), sau khi công bố đã đóng điện thành công và đưa vào vận hành cuối năm 2018, đầu năm 2019, thế nhưng khi chúng tôi tìm hiểu, ghi nhận thực tế thì những hình ảnh cho thấy trạm biến áp trị giá hàng trăm tỷ đồng này sau hơn 4 năm xây dựng, hoàn tất, vẫn chưa đưa vào khai thác, vận hành. Tình trạng xuống cấp của trạm biến áp này có thể thấy rõ. Nếu đúng theo quy hoạch, trạm này phải có đường dây 110kV đấu nối vào, nhưng cho đến nay trạm vẫn phải “sống nhờ” đường dây điện khác.
Trụ sở Tổng công ty Điện lực TPHCM
Tương tự là trường hợp Trạm biến áp 220/110kV Tân Cảng, thông tin từ ông Bùi Hải Thành (Phó Tổng giám đốc EVNHCMC) thì Dự án đường dây 110kV đấu nối vào Trạm biến áp 220/110kV Tân Cảng được khởi công xây dựng sớm hơn, vào tháng 3/2019, gồm 4 tuyến cáp ngầm 110kV: Tân Cảng - Xa lộ, Tân Cảng - Thảo Điền, Tân Cảng - Metro Tân Cảng, Tân Cảng - Bình Thái. Hiện nay, dự án này đã thi công hoàn tất và được đóng điện nghiệm thu, đưa vào vận hành đồng bộ với Trạm biến áp 220/110kV Tân Cảng. Tuy nhiên, từ ý kiến của các nhà chuyên môn cho thấy có sự bất cập. Theo đó, để vận hành hiệu quả trạm biến áp này, cần phải đấu nối đồng bộ với đường dây 220kV kết nối từ Cát Lái về, thế nhưng đường dây 220kV này vẫn không biết khi nào mới thực hiện xong.
Chỉ với 2 dự án trăm tỷ mà chúng tôi nêu trên đã cho thấy sự lãng phí trong vấn đề đầu tư công đang xảy ra tại EVNHCMC. Chính sự đầu tư không đồng bộ, thi công chậm tiến độ dẫn đến không đạt được hiệu quả như thiết kế ban đầu của các thiết bị, công trình.
Trước báo cáo lỗ nghìn tỷ của ngành điện cả nước và đề xuất tăng giá điện, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương lập đoàn thanh tra hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong đó có EVNHCMC. Ngày 12/7/2023, Bộ Công Thương công bố kết luận thanh tra về quản lý, điều hành cung cấp điện của EVN và các đơn vị liên quan từ năm 2021 - 2023.
Cạnh đó, theo thống kê sơ bộ từ báo cáo tài chính của 5 doanh nghiệp trực thuộc EVN gồm: Tổng công ty Điện lực Miền Bắc (EVNNPC), Tổng công ty Điện lực Miền Trung (EVNCPC), Tổng công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC), Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI) và EVNHCMC cho thấy, kết thúc năm 2022, các đơn vị này đều hoạt động tốt, với doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng và lãi từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, số tiền gửi ngân hàng tại các công ty con của EVN trong năm 2022 rất lớn, riêng EVNHCMC có gần 4.000 tỷ đồng gửi ngân hàng. Lãi tiền gửi năm 2022 của EVNHCMC là khoảng 155 tỷ đồng. Tình trạng này phản ánh sự bất cập trong khâu quản lý vì công ty mẹ thì lỗ mà các công ty con lại báo lãi.
(Còn tiếp...)
(CATP) Thời gian qua, ngành điện cả nước nói chung và ngành điện TPHCM nói riêng luôn than khó, để rồi sau đó đề xuất tăng giá điện. Thế nhưng đằng sau đó có những câu chuyện bất cập trong đầu tư dự án, xuất phát từ công tác quản lý của những người điều hành.