(CATP) Thời gian qua, ngành điện cả nước nói chung và ngành điện TPHCM nói riêng luôn than khó, để rồi sau đó đề xuất tăng giá điện. Thế nhưng đằng sau đó có những câu chuyện bất cập trong đầu tư dự án, xuất phát từ công tác quản lý của những người điều hành.
KỲ 1: LẮP ĐẶT THIẾT BỊ NHƯNG KHÔNG SỬ DỤNG
Theo báo cáo của Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) ngày 15/3/2023 về tình hình sản xuất, kinh doanh tháng 02/2023, EVNHCMC đã bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân TPHCM. Sản lượng điện nhận tháng 02/2023 đạt 2.140,1 triệu kWh (tăng 12,75% so với cùng kỳ). Sản lượng điện thương phẩm đạt 2.120,39 triệu kWh (tăng 10,27% so với cùng kỳ).
Không đóng vào lưới điện
Theo báo cáo, EVNHCMC đang duy trì 1.032/1.032 phương án đóng kết mạch vòng trung thế (tương ứng 940/940 tuyến dây, chiếm tỉ lệ 100%); duy trì vận hành hiệu quả 100% TBA 110kV theo mô hình không người trực/điều khiển từ xa, 100% lưới điện trung thế có chức năng Mini SCADA và triển khai chức năng vận hành tự động cho 100% lưới điện trung thế công cộng. Tỉ lệ thao tác từ xa lưới điện thành công trên 99%. Kết quả thực hiện các chỉ số về độ tin cậy cung cấp điện của lưới điện phân phối trong tháng 02/2023: số lần mất điện bình quân của khách hàng là 0,08 lần, thời gian mất điện bình quân của khách hàng là 5,62 phút.
Đến tháng 02/2023, tổng số khách hàng sử dụng điện trên địa bàn TPHCM đạt hơn 2.719.000 (tăng 0,15% khách hàng so với cuối năm 2022). EVNHCMC đã cung cấp 100% các loại hình dịch vụ trực tuyến cấp độ 4; cấp điện mới cho 26 trạm chuyên dùng với thời gian giải quyết bình quân là 2,39 ngày, trong đó có 13 trạm do ngành điện đầu tư, 13 trạm do khách hàng đầu tư. Đến nay, EVNHCMC đã lắp đặt được 99,46% công-tơ có chức năng thu thập dữ liệu và đo đếm từ xa, phấn đấu đến hết năm 2023, toàn TPHCM sẽ đạt tỉ lệ 100%....
Công nhân điện lực thi công lưới điện
Nhìn vào những con số trên (trong đó có công tác đầu tư) của EVNHCMC thì thấy đều được công khai, minh bạch. Thế nhưng qua tìm hiểu của chúng tôi, có một số lĩnh vực đầu tư của tổng công ty này "có vấn đề”. Trước tiên, về công tác đầu tư cơ bản, EVNHCMC đã lập dự án lắp đặt rất nhiều thiết bị trên hệ thống lưới điện, nhưng không sử dụng. Nhiều thiết bị không được đưa vào vận hành hoặc chỉ vận hành thử nghiệm một thời gian, sau đó thì cô lập với nguồn điện, không sử dụng nữa.
Hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi ghi nhận trong việc EVNHCMC đầu tư lãng phí rất lớn là tụ bù trung thế. Đây là thiết bị giúp nâng cao hệ số công suất đường dây điện, giảm tổn thất, cải thiện chất lượng điện áp trên đường dây. Nguyên tắc hoạt động của thiết bị này là nếu muốn đóng vào lưới điện trung thế thì phải thông qua cần FCO (còn gọi là "giò gà”). Muốn đóng hoặc cô lập "giò gà” thì nhân viên phải cắt điện đường dây trung thế, chứ không thể đóng hoặc cắt "giò gà” khi lưới điện vẫn hoạt động. Thế nhưng khi EVNHCMC đưa các tụ bù trung thế lên lưới điện, chúng tôi ghi nhận và không hiểu vì lý do gì mà các thiết bị tụ bù trung thế nêu trên không được đóng vào lưới điện suốt thời gian dài.
Rảo quanh một số tuyến đường trên địa bàn các quận: 4, 7, 12, Tân Phú, Gò Vấp, Bình Thạnh, huyện Nhà Bè..., rất dễ nhận ra tình trạng tụ bù trung thế được lắp đặt nằm chơ vơ trên lưới điện. Tại Q.Tân Phú, hàng loạt cần FCO không hiểu vì sao bị cô lập với lưới điện. Tương tự, đoạn đường Trường Chinh từ cầu Tham Lương đến siêu thị Big C Cộng Hòa, người đi đường cũng có thể dễ dàng nhìn thấy cảnh nhiều cần gạt FCO nằm chỏng chơ, cheo leo trên trụ điện. Dọc tuyến QL1A từ Q12 về TP.Thủ Đức, hai bên đường có nhiều tụ bù trung thế cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự.
Các đầu cáp ngầm không được đấu nối, bị bẻ cong trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh
Anh Nguyễn Thanh Tiến (nhà gần cầu vượt Bình Triệu) cho biết: "Trước đây, thấy có nhân viên điện lực đưa xe và thiết bị đến lắp đặt thiết bị gì đấy, cũng khá lâu rồi. Chúng tôi cũng không biết các cần gạt (FCO - PV) đó để làm gì, nhưng từ khi tôi để ý thì nó nằm lòng thòng ở đấy đến nay cũng khoảng hơn một năm rồi". Tại nhiều địa điểm khác, một số người dân cũng xác nhận với chúng tôi rằng các thiết bị trên (tụ bù trung thế - PV) được gắn lên trụ điện khá lâu, nhưng họ chưa một lần thấy nhân viên điện lực đóng cần FCO lại. Từ những hình ảnh và thông tin người dân phản ánh cho thấy hàng loạt tụ bù trung thế không hoạt động đúng chức năng.
Đầu tư cáp ngầm rồi để đó
Tương tự, tình trạng đầu tư cáp ngầm trung thế nhưng không đưa vào sử dụng cũng được chúng tôi phát hiện, ghi nhận tại nhiều địa điểm. Điển hình trên đoạn đường Nguyễn Hữu Cảnh dài gần 3km mà số vị trí cáp ngầm chưa đấu nối vào lưới điện rất nhiều. Cụ thể, tại các cầu Thị Nghè 2, Thủ Thiêm 2, cầu vượt Văn Thánh 2..., có hàng loạt tuyến cáp ngầm trung thế tách vận hành, thả đầu cáp lòng thòng. Trên tuyến QL13 từ cầu Bình Triệu về ngã tư Bình Phước, chúng tôi cũng ghi nhận nhiều đầu cáp ngầm được đầu tư, lắp đặt rồi để đó. Dọc QL1A ngược trở lên Bến xe An Sương (thuộc địa bàn TP.Thủ Đức và Q12), người đi đường có thể thấy nhiều đoạn cáp ngầm trung thế trong tình trạng tách vận hành. Càng xót xa hơn, nhiều đầu cáp không vận hành đã bị các đơn vị thi công bẻ ngoặc đầu rồi buộc vào bịch nylon một cách cẩu thả. Điều này đi ngược với khuyến cáo về mặt chuyên môn của nhà sản xuất, bởi các tuyến cáp bị xử lý như thế sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ, chất lượng lẫn độ an toàn trong việc truyền dẫn điện.
Tham khảo bảng báo giá của một số công ty trên thị trường hiện nay, giá cáp ngầm trung thế thương hiệu Cadivi (CXV/SE/DSTA - cáp ngầm trung thế 3 x 240 - 12/20(24)kV) có giá trung bình là 2.676.500 đồng/m. Lưu ý, đây chỉ là đơn giá vật tư, chưa tính các chi phí liên quan để thi công lắp đặt, vận hành. Chỉ với 2 loại thiết bị điện trên, có thể thấy công tác đầu tư cơ bản của ngành điện TPHCM đang bị lãng phí.
(Còn tiếp...)