Vụ hơn 400 cột điện gãy đổ ở Thừa Thiên - Huế dù bão không lớn:

"EVN và các đơn vị trực thuộc phải chịu trách nhiệm việc cột điện gãy đổ hàng loạt..."

Thứ Năm, 24/09/2020 19:57  | Hoàng Quân

|

(CAO) Chính quyền Thừa Thiên - Huế yêu cầu ngành điện rà soát các tiêu chuẩn, kỹ thuật để đánh giá chất lượng cột điện bị gãy, đổ và đề nghị có giải pháp đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão.

Ngày 24-9, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, UBND tỉnh đã yêu cầu Công ty Điện lực (PC) Thừa Thiên - Huế, Sở Công thương rà soát các tiêu chuẩn, kỹ thuật để đánh giá chất lượng cột điện bị gãy đổ tại địa phương; công khai kết quả đánh giá để người dân được biết.

Cột điện gãy đổ hàng loạt tại Thừa Thiên - Huế, đè lên nhà dân.

Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có giải pháp đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão.

“Do hệ thống lưới điện là công trình đầu tư bằng ngân sách Nhà nước nên ngành điện lực phải tuân thủ đầy đủ quy trình, thủ tục đầu tư và giám sát chất lượng. Dù phần lớn cột điện gãy đổ do hệ thống cây xanh gãy đổ, kéo theo hệ thống dây, cột điện. Tuy nhiên, cũng cần đánh giá khách quan độ an toàn, chất lượng công trình điện. Vấn đề đúng, sai thế nào thì cần phải chờ các cơ quan chức năng làm rõ, tuy nhiên EVN và các đơn vị trực thuộc phải chịu trách nhiệm trong việc cột điện bị gãy, đổ hàng loạt”, ông Thọ bày tỏ.

Như Báo Công an TPHCM đã thông tin, mặc dù bão số 5 (đổ bộ vào Thừa Thiên Huế sáng 18-9) không mạnh, với sức gió chỉ cấp 8, nhưng tại Thừa Thiên – Huế có 408 cột điện bị gãy và đổ, trong đó 272 cột (109 cột trung áp, 163 cột hạ áp) bị gãy, 136 cột bị đổ; 68 trụ bị nghiêng, sắp đổ. Trong 272 cột điện gãy, số cột ly tâm dự ứng lực có 30 cột (chiếm tỷ lệ 11%).

Các sự cố điện đã ảnh hưởng hơn 280.000 khách hàng và 2.050 trạm biến áp... Ước tính tổn thất về hệ thống điện 11,4 tỷ đồng. Toàn tỉnh mất điện từ sáng 18-9. Tình trạng mất điện kéo dài (có khu vực dân cư, gia đình đến ngày thứ 5 mới có điện trở lại) khiến đời sống, sản xuất, sinh hoạt, sản xuất, học tập... của hàng trăm nghìn người dân đảo lộn, ảnh hưởng nghiêm trọng; nhiều cơ sở kinh doanh, sản xuất phải đóng cửa vì không có điện…

Theo thiết kế kỹ thuật, cột điện ly tâm dự ứng lực (cùng với cột điện bê tông truyền thống) được sử dụng phổ biến tại Thừa Thiên - Huế và các tỉnh miền Trung chịu được gió trên cấp 12, thiết kế theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN): 5847:2016, 5847:1994 và được kiểm tra chất lượng trước khi lắp đặt, được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thẩm định và Bộ KH&CN công bố.

UBND tỉnh đã yêu cầu Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế, Sở Công thương rà soát các tiêu chuẩn, kỹ thuật để đánh giá chất lượng cột điện bị gãy đổ tại địa phương.

Trong khi đó, ngành Viễn thông tại Thừa Thiên - Huế cũng thiệt hại do bão số 5 thì phần lớn là hệ thống cáp quang bị cây cối gãy, ngã vào làm đứt hỏng; không có cột tín hiệu, hạ tầng trạm BTS hay trụ antenna nào gãy, đổ.

Vì vậy, người dân, dư luận có quyền so sánh, tham chiếu cột điện và cột tín hiệu, cột BTS, trụ antenna vì đều được thiết kế chịu được gió bão cấp 12, thi công ngoài trời đều tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật. Và mọi người cũng có thể băn khoăn, hoài nghi về chất lượng, kỹ thuật của cột điện.

Trả lời báo chí, ông Hà Thanh Long - Giám đốc và ông Nguyễn Đại Phúc - Phó Giám đốc PC tỉnh Thừa Thiên - Huế đều cho rằng, bão số 5 chưa mạnh nhưng do sức gió gây hiện tượng quăng, quật, giật, xoáy dẫn đến gãy, đổ rất nhiều cột điện (?!).

Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) thông tin, bão số 5 gây thiệt hại về lưới điện tại Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi với 616 cột điện gãy, đổ và nghiêng. Trong đó, có 304 cột bị gãy (chiếm tỉ lệ 0,06% trong tổng số 531.135 cột điện), 169 cột bị đổ, 143 cột bị nghiêng. Trong 304 cột bị gãy có 34 cột dự ứng lực (11,2%) và 270 cột bê tông thường (88,8%). Riêng Thừa Thiên - Huế bị thiệt hại nặng nhất với có 272 cột điện bị gãy, trong đó có 30 cột dự ứng lực (11,02%).

EVNCPC cho rằng nguyên nhân chính khiến hệ thống điện hư hỏng nặng là do cây xanh ngã đổ vào đường dây, gây lực tác động kép bất thường (vừa gió bão, vừa cây đổ vào đường dây), quá khả năng chịu đựng của kết cấu cột, xà sứ, dây dẫn... dẫn đến hư hỏng kết cấu hạ tầng lưới điện và gãy cột. Ở một số vị trí cột điện nằm ngoài khu dân cư, ở các vị trí góc, khi có gió giật mạnh và hướng gió thay đổi làm xoáy và đứt các dây néo cũng là nguyên nhân làm gãy, đổ cột...

Cột điện nằm ở đồng không mông quạnh, không bị cây xanh đè cũng đổ ngã hàng loạt
Hàng trăm cột điện gãy đổ dù bão không lớn
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang