Các TNTT thường gặp ở trẻ là va chạm giao thông; bị bỏng do lửa, nước nóng, uống nhầm hóa chất; chó cắn, đuối nước, điện giật hoặc tổn thương phổi do khói... Vì vậy, làm gì để hạn chế TNTT cho các em là điều vô cùng quan trọng, trong đó vấn đề xây dựng môi trường an toàn cho trẻ trong chính mỗi gia đình, nhà trường và xã hội để bảo vệ, phòng tránh, tiến tới giảm thiểu TNTT có thể xảy ra đối với trẻ cần được quan tâm kịp thời.
Nhiều tai nạn thương tâm
Tai nạn thương tích thường xảy ra bất ngờ, khó lường trước, gây những thương tổn trên cơ thể và có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi; nhất là ở lứa tuổi học sinh tiểu học, mầm non, các em thường hiếu động, tò mò trong khi chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh. Những vụ TNTT thương tâm dưới đây một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho mọi người trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ.
Ngày 23-9, Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương vừa cấp cứu kịp thời, cứu sống bé trai 7 tuổi bị kéo đâm xuyên cổ. Trước đó 5 ngày, bé H. (7 tuổi, ở Ninh Bình) nhặt được cây kéo, cầm về để cắt giấy làm diều. Trong lúc chạy chơi, H. ngã và bị chiếc kéo đâm xuyên cổ, vết thương phức tạp vùng cổ phải, 2 mũi kéo đi theo 2 hướng khác nhau vào vùng góc hàm sàn miệng, xuyên qua hệ thống mạch máu, thần kinh và dừng lại khi cắm vào thân đốt sống cổ, lưỡi kéo chạy sau nằm sát động mạch cảnh trong bên phải. Bệnh nhi được chỉ định mổ cấp cứu tối cấp và may mắn được cứu sống.
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương phẫu thuật cứu sống cháu bé bị kéo đâm vào cổ
Cùng ngày, BV Nhi Thanh Hóa cũng cho biết vừa cứu chữa kịp thời bệnh nhi 2 tuổi bị chó cắn với nhiều vết thương nặng ở vùng cổ, hàm, mặt, bong lóc hộp sọ, chảy nhiều máu. Bệnh nhi là N.K.T (trú xã Đông Quang, huyện Đông Sơn), bị chó cắn khi sang chơi nhà hàng xóm. Sau khi được hội chẩn mổ cấp cứu, hiện tình trạng T. đã ổn định.
Trước đó, ngày 20-9, BV đa khoa tỉnh Sơn La tiếp nhận em C.V.T (12 tuổi, ở xã Púng Tra, huyện Thuận Châu) trong tình trạng mất máu nặng do bị que gỗ chọc vào vùng cổ. Theo người nhà, trong lúc trèo cây, T. ngã và bị thân cây cà phê gãy chọc xuyên cổ. Các bác sĩ phải mở rộng vết mổ về hai phía, rạch da mặt trước ngoài vùng cổ trái theo hướng của dị vật, lấy cây gỗ khỏi vùng cổ bệnh nhi. Hiện tình trạng T. đã ổn định.
Không may mắn như các trường hợp trên, ngày 17-9, bé trai B.K (20 tháng tuổi, ngụ xã Ia Ake, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đã tử vong trên đường đi cấp cứu do bị hóc thạch rau câu dẫn đến ngạt thở. Sáng cùng ngày, K. được gửi tại nhà một người dân ở thị trấn Phú Thiện và khi được người giữ trẻ cho ăn thạch rau câu thì bé sặc, tím tái người, ngạt đường thở, ngưng tim, thiếu oxy lên não.
Cùng ngày, BV Nhi Thanh Hóa thông tin, bé Đ.T.L (SN 2019, ngụ thôn Thọ Tân, xã Trường Xuân, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) đã tử vong do uống nhầm xăng. Trước đó, sáng 15-9, L. được chuyển từ BV đa khoa Thọ Xuân xuống cấp cứu trong tình trạng toàn thân tím tái, phải đặt nội khí quản nhưng do tình trạng quá nặng, đến 12 giờ cùng ngày bé không qua khỏi.
Theo kết quả xác minh ban đầu của cơ quan công an, khoảng 8 giờ ngày 15-9 một người hàng xóm sang nhà anh Đ.V.L (bố bé L.) hút xăng từ xe máy vào chai nhựa, sau đó mang sang nhà hoang cạnh đó đốt ong. Còn thừa một ít xăng trong chai, người hàng xóm đóng nắp, ném sang sân nhà anh L., có thể bé Đ.T.L đã uống phải chỗ xăng còn lại này, dẫn tới ngộ độc, tử vong.
Xây dựng môi trường an toàn và dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ
Tại Việt Nam, theo thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị TNTT, trong đó nhóm 15-19 chiếm tỷ lệ cao nhất: 43%, tiếp đến là nhóm tuổi 5-14 với 36,9%, thấp nhất là nhóm tuổi 0-4 chiếm 19,5%. Trung bình cứ 100.000 trẻ có 24 em tử vong do TNTT (18 trẻ tử vong do TNTT mỗi ngày).
Các tình huống thường gặp TNTT ở trẻ gồm: ngã từ trên cao, đuối nước, tai nạn giao thông, ngộ độc thức ăn, bị bỏng... Nguyên nhân là ở lứa tuổi này, các em thường hiếu động, tò mò, nghịch ngợm trong khi chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh nên rất dễ dẫn đến TNTT. Vì vậy, để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ TNTT phải bắt đầu từ ý thức, trách nhiệm của mỗi người lớn, bởi trẻ chưa thể lường hết được những nguy hiểm từ việc mình làm, vì thế người lớn phải chủ động ngăn chặn những nguy cơ trên cho các em.
Phổ cập bơi cho học sinh để phòng tránh đuối nước
Đối với môi trường sống, cần xây dựng ngôi nhà an toàn cho trẻ: sử dụng các dụng cụ, đồ đạc ít gây tổn thương cho trẻ, dùng ổ điện có gạt chắn lỗ cắm; sắp xếp đồ đạc khoa học, an toàn; đặt tất cả những thứ có thể gây nguy hiểm cho trẻ như: bình thủy, ổ điện, dao kéo, các loại hóa chất... ngoài tầm với của trẻ; lau khô, đặt thảm vải tại các khu vực ẩm ướt để tránh trẻ bị trượt ngã; làm song sắt cửa sổ hay hồ cá phải có rào chắn... để tránh trẻ có thể rơi xuống.
Không được để hóa chất, thuốc trong tầm với của trẻ, không đựng hóa chất vào những chai, hộp bởi trẻ dễ nhầm thành đồ uống hoặc ăn được. Các bậc phụ huynh cần tuân thủ không cho trẻ lại gần chó, không để trẻ trêu chọc khi chó đang ăn, ngủ hoặc khi trẻ đang ăn, bởi chúng thường cắn vào mặt trẻ do vùng cơ thể đó ngang tầm con vật. Với tai nạn đuối nước, cần dạy trẻ biết bơi, trang bị kiến thức cơ bản về sơ cứu đuối nước... Bên cạnh đó, đối với các gia đình có con nhỏ và những lớp mầm non, không để thùng chậu có nước, lắp rào chắn xung quanh khu vực tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đuối nước.
Có rất nhiều nguy cơ dẫn đến TNTT ở trẻ, nhưng cách phòng ngừa hiệu quả nhất là sự quan tâm của người lớn trong quá trình nuôi dạy, chăm sóc, giáo dục trẻ. Cha mẹ cần trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng cơ bản để tự bảo vệ từ khi trẻ bắt đầu hình thành ý thức; hướng dẫn, giáo dục kỹ năng tự bảo vệ, phòng ngừa cho trẻ. Ngoài ra, các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ cũng nên học kỹ thuật sơ cứu với một số TNTT thường gặp để có thể sơ cứu ban đầu đúng cách trong những trường hợp không may mắc phải, nhằm hạn chế tổn thương cho trẻ.