TPHCM: Buộc tái xuất hơn 1.000 container phế liệu nhập khẩu

Thứ Năm, 24/09/2020 13:11

|

(CATP) Để xử lý dứt điểm số phế liệu đang tồn đọng tại các cảng, Cục Hải quan TPHCM đã chỉ đạo các chi cục Hải quan cửa khẩu trực thuộc thực hiện công tác phân loại, xử lý. Sau khi được ủy quyền của Cục Hải quan TP và chủ tịch Hội đồng xử lý hàng tồn đọng, sẽ thông báo yêu cầu các hãng tàu tái xuất số phế liệu không đạt chuẩn, chất lượng theo quy định.

Hơn 1.100 container phế liệu tồn tại ở các cảng

Theo Cục Hải quan TPHCM, hiện tổng số lượng container phế liệu tồn đọng tại các cảng biển TPHCM gồm 2.119 container, trong đó có 432 container đủ điều kiện nhập khẩu theo quy định, 1.167 container là phế liệu không đạt chất lượng nhập khẩu, chủ yếu tại cảng Cát Lái.

Được biết, số container phế liệu buộc tái xuất nêu trên được nhập khẩu về các cảng và cảng Cát Lái từ năm 2018, nhưng không có người nhận và đã được Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu tại cảng biển thuộc các Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn kiểm đếm, phân loại, xác định không đạt tiêu chuẩn nhập khẩu theo quy định.

Ông Nguyễn Thanh Long - Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực 1 đã ký thông báo gửi 30 hãng tàu buộc tái xuất 1.099 container phế liệu nhập khẩu. Theo đó, nhiều hãng tàu phải tái xuất hàng trăm container phế liệu.

Để tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng cho container quay đầu nhập khẩu trở lại vào Việt Nam, Cục Hải quan TPHCM yêu cầu các chi cục hải quan có container phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu, buộc phải tái xuất lập danh sách container gửi Phòng Quản lý rủi ro và Đội kiểm soát để phối hợp theo dõi.

Thông báo của cơ quan Hải quan gửi đi cũng yêu cầu hãng tàu trực tiếp vận chuyển các container phế liệu không đạt tiêu chuẩn nhập khẩu ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và chịu mọi chi phí phát sinh liên quan đến việc tái xuất. Thời gian thực hiện tái xuất là 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan Hải quan.

Các container phế liệu tồn tại ở cảng Cát Lái

Trường hợp hãng tàu hoặc đại lý hãng tàu sử dụng hình thức chuyển cảng, tái xuất qua cửa khẩu đường bộ, sang hàng, đổi vỏ container, sang container cho hãng vận chuyển khác để thực hiện tái xuất; hoặc không tái xuất theo yêu cầu nêu trên của Hội đồng xử lý hàng tồn đọng, cơ quan Hải quan yêu cầu hãng thông báo bằng văn bản đến Hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu tại cảng biển. Trong đó nêu rõ nguyên nhân, lý do; các khó khăn, vướng mắc và đề xuất phương án cụ thể để xử lý lô hàng phế liệu không đạt yêu cầu nhập khẩu.

15 hãng tàu đề xuất hướng xử lý

Theo ông Đặng Thái Thiện - Phó trưởng phòng Giám sát quản lý (Cục Hải quan TPHCM), tính đến ngày 22-9, sau khi nhận thông báo yêu cầu tái xuất phế liệu, hiện đã có 15 hãng tàu có phản hồi về phương án tái xuất 484 container phế liệu không đạt chất lượng. Trong khi trên 1/2 của hơn 1.000 container phế liệu lại chưa thấy bất kỳ phản ứng gì. Các phương án này sẽ được cơ quan Hải quan xem xét, xử lý.

Theo đó, 5 hãng tàu đề xuất tiêu hủy hoặc đề nghị cơ quan Hải quan hướng dẫn phương án xử lý (67 container) và 10 hãng tàu có phương án tái xuất (417 container). Trong đó, số container hãng tàu chủ động tự tái xuất là 279, số container hãng tàu sang container đổi vỏ cho hãng tàu khác để tái xuất là 116 container, số còn lại 22 container, các hãng tàu xin tiêu hủy.

Riêng các hãng tàu chưa có phương án tái xuất (615 container), còn lại thì lý giải nguyên nhân là do họ không liên lạc được với người nhận hàng tại Việt Nam cũng như người gửi hàng ở nước ngoài; hàng không đủ điều kiện nên không thể xuất cho các nước khác...

Về các trường hợp này, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực 1 cho biết, trong trường hợp quá 30 ngày kể từ ngày nhận thông báo mà hãng tàu không tái xuất, cơ quan Hải quan sẽ lập danh sách các hãng tàu báo cáo Tổ liên ngành để lập phương án buộc tiêu hủy hoặc kiến nghị Bộ Giao thông vận tải dừng cấp phép ra, vào cảng đối với các tàu biển của các hãng tàu theo quy định.

Phòng Giám sát quản lý - Cục Hải quan TPHCM cho biết, sau khi nhận thông báo yêu cầu tái xuất các container phế liệu, hiện đã có hơn 10 hãng tàu đã phản hồi về phương án tái xuất, xử lý phế liệu không đạt chuẩn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang