Điểm nhấn sắc màu
Như sắc trắng tinh khôi ở Bảo tàng TPHCM, đó là không gian lý tưởng cho những "tín đồ” săn ảnh kiểu cổ điển pha sự lịch thiệp và huyền bí. Tòa nhà được xây dựng theo phong cách cổ điển Châu Âu, nhưng phần mái ngói lại mang đậm nét Á Đông tương hòa. Từng chi tiết của bảo tàng đều rất tinh xảo và mang tính thẩm mỹ cao, tựa như một tác phẩm mỹ thuật hoàn chỉnh, cân đối, hài hòa.
Bên ngoài tòa nhà, dãy cột kiểu cổ điển Hy Lạp, La Mã thẳng tắp được thiết kế đăng đối, là một trong những điểm nhấn tạo nên cảm giác trang nghiêm, tĩnh lặng. Bên trong tòa nhà phủ gam màu trắng pha chút xám, có dãy hành lang dài với khoảng không hun hút đậm chất điện ảnh, những con tiện trên lan can đều tăm tắp, khung cửa sổ cao vút mơ màng cho đến tay vịn cầu thang kiểu cổ điển sang trọng kết hợp mái vòm lớn kiểu Gothic mang đậm dáng dấp Tây phương. Ánh sáng dịu nhẹ nơi đây được điều tiết nhờ vào hệ thống cửa sổ gắn kính mờ và dãy cửa ra vào hình vòm cung đều nhau. Khi ánh chiều tà rọi vào, bóng chiếc cầu thang soi xuống nền gạch loang loáng tạo thành hình ảnh vô cùng lãng mạn, đậm chất thơ. Tất cả yếu tố ánh sáng mờ ảo, gam màu trắng tinh khôi, nhịp điệu chậm rãi đã kiến tạo cho Bảo tàng TPHCM một không gian thơ mộng, bình lặng nhưng pha chút u hoài, bí ẩn.
Bức tranh sắc màu ấy còn thể hiện bởi sắc vàng trầm mặc ở Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Bảo tàng này cũng là địa điểm nổi tiếng dành cho những người yêu thích phong cách chụp ảnh kiểu cổ điển. Tòa nhà ánh lên sắc vàng nằm giữa trung tâm TPHCM, được xây dựng theo phong cách kiến trúc tân cổ điển và Art-Déco. Những chi tiết mang đậm phong cách phương Tây phải kể đến như khung cửa vòm dáng dấp của kiến trúc Baroque, cách thức cột Doric và Ionic được trang trí tinh tế.
Chùa Giác Lâm - ngôi chùa cổ đặc trưng vùng Nam Bộ
Nội thất Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM sắp đặt đồ vật cổ bằng nhiều chất liệu khác nhau, đạt đến độ thẩm mỹ hoàn hảo. Đặc sắc nhất là chiếc thang máy gỗ lâu đời màu nâu sẫm ở sảnh chính được chạm khắc tinh xảo, có cẩn xà cừ óng ánh. Giống như thánh đường, những ô cửa sổ kính thủy tinh to lớn tại tòa nhà có vẽ họa tiết hoa lá màu sắc tươi sáng, diễm lệ, pha chút huyền bí. Tay gỗ vịn cầu thang bộ xoắn ốc giữa các tầng kết hợp lan can sắt uốn mỹ thuật tăng thêm sự quý phái cho không gian bên trong tòa nhà. Mỗi khu sảnh, phòng ốc được lát một loại gạch bông có trang trí hoa văn cầu kỳ khác nhau, chỉ riêng tất cả cầu thang đều lát đá, loại đá cẩm thạch cao cấp, rất ấn tượng và độc đáo.
Theo Sở Du lịch TPHCM, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 của ngành Du lịch là tiếp tục triển khai Đề án phát triển du lịch thông minh trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2021 - 2025. Đặc biệt, tập trung vào hoàn thiện kế hoạch phát triển du lịch đường thủy; phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch nông nghiệp, sinh thái gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; phát triển du lịch ban đêm; thúc đẩy sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với khai thác giá trị tự nhiên và văn hóa đặc trưng của huyện Cần Giờ...
Sắc xanh tươi mát ở Thảo Cầm Viên
Đến với Thảo Cầm Viên là không gian sống động về hệ sinh thái xanh và đa dạng, tồn tại hơn 150 năm giữa lòng TPHCM. Bên trong vườn thú có vô vàn địa điểm và muôn hình vạn vật, cảnh sắc thiên nhiên hấp dẫn để bạn tha hồ chụp ảnh, "check-in". Những chuồng thú kiểu cũ, đài phun nước, cây cầu nhỏ hay những ngả đường hai bên phủ bóng cây xanh mát là "chất liệu tuyệt vời" cho thước phim, bức ảnh của bạn sắc nét trong một ngày nắng đẹp trời cuối tuần. Nơi lý tưởng nhất là vườn hoa lan cổ điển và xương rồng nằm về phía xa bên trái của khu vực sân khấu chính. Khu vườn tĩnh lặng tách biệt, với hàng trăm loài lan quý hiếm sắp đặt hai bên con đường mòn nhỏ phủ đầy rêu xanh. Bên ngoài, hàng nghìn tán cây xanh tươi, giàn hoa giấy trổ hồng thắm, bức tường vàng phủ dây leo xanh ngắt sẽ làm nền chính cho những bộ ảnh về chủ đề thiên nhiên thú vị của bạn, tô điểm thêm là nét cổ kính ẩn hiện trên từng công trình kiến trúc nơi đây. Du khách cũng có thể tự "thách thức" chính mình, vào vườn "ma trận" là những lối đi mà hai bên có vườn cây cắt tỉa thẳng tắp... để tìm lối ra.
Bảo tàng TPHCM - một di sản tuyệt mỹ
Rồi đến ngắm nhìn sắc đỏ may mắn ở Hội quán Hà Chương. Hội quán Hà Chương thờ tự nữ thần biển cả, mang phong cách kiến trúc Phúc Kiến độc đáo, sở hữu những kiệt tác điêu khắc đá cổ có một không hai. Đẹp nhất là phần dốc mái hình võng cùng bờ đao cong vút tựa như con thuyền lênh đênh sóng biển tìm nơi đất mới an cư lạc nghiệp. Thấp thoáng trên mái ngói có nhiều cụm tượng hình rồng, phượng, con người, thần tiên và hoa lá chế tác bằng sành sứ, rất sinh động, tinh xảo.
Cùng với Hội quán Ôn Lăng, phần trang trí mỹ thuật cả trong và ngoài Hội quán Hà Chương tràn ngập sắc đỏ rực làm điểm nhấn chủ đạo. Màu đỏ tượng trưng cho họ và niên hiệu của một vị vua nhà Minh (Trung Hoa), được cộng đồng người Hoa Phúc Kiến ở vùng Chợ Lớn kính ngưỡng. Bên trong hội quán, đẹp nhất là hai cặp cột đá nguyên khối chạm trổ hình rồng uốn quanh cột, trên lưng chở thần tiên và hoa mẫu đơn. Đứng từ quán cà phê Cam Cam ở lầu 2 của một căn chung cư cũ trên đường Nguyễn Trãi (Q5), bạn có thể vừa thưởng thức món cà phê thuốc bắc đặc biệt, vừa ngắm nhìn và chụp ảnh rõ nét mái ngói đỏ rực của Hội quán Hà Chương kề bên.
Những công trình tôn giáo đặc sắc
Cũng như sắc hồng rực rỡ ở nhà thờ Tân Định (còn có tên là nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu) là địa điểm hàng đầu được du khách và những người yêu thích chụp ảnh, "check-in" tìm đến khi đặt chân tới TPHCM. Ngôi nhà thờ pha trộn giữa hai phong cách kiến trúc Gothic và Roman, thêm chút Baroque ở những đường nét trang trí. Nhìn từ xa, ngôi nhà thờ hiện lên như một tòa lâu đài cổ tích phủ màu hồng rực rỡ, nổi bật trên nền trời xanh biếc giữa lòng phố xá nhộn nhịp. Ngoài kiểu đứng bên trong sân nhà thờ "săn ảnh", bạn có thể ngồi ở quán Cộng Cà Phê trên đường Hai Bà Trưng (Q1) đối diện nhà thờ, vừa nhâm nhi ly cà phê dừa thơm béo, vừa ngắm nhà thờ, chụp được được nhiều kiểu ảnh có góc máy mới lạ, độc đáo.
Một góc Nhà thờ Tân Định
Bức tranh màu sắc ấy của TPHCM còn có sắc nâu sồng ở ngôi của cổ: chùa Giác Lâm (còn có tên gọi khác là Sơn Can và Cẩm Đệm) là ngôi chùa cổ nhất ở TPHCM. Ngôi chùa được ông Lý Thụy Long (người Hoa gốc Minh Hương) đứng ra quyên góp tài lực xây dựng từ năm 1744 và đã trải qua nhiều lần trùng tu đến nay. Bước vào vãn cảnh khuôn viên chùa Giác Lâm, bạn sẽ có cơ hội được tận mắt chiêm ngưỡng hình ảnh một ngôi chùa cổ đặc trưng của vùng đất Nam Bộ. Kiến trúc kèo, cột, vách, trang trí nghệ thuật cùng hệ thống cổ vật bên ngoài và trong ngôi chùa chủ yếu được chế tác bằng nhiều loại gỗ quý mang sắc màu nâu sồng giản dị, mộc mạc. Tất cả được bảo tồn gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Mang giá trị thẩm mỹ hoàn hảo nhất là các pho tượng cổ ngự tại chánh điện chùa Giác Lâm có niên đại từ thế kỷ XVII - XVIII, cùng hệ thống bao lam, hoành phi và câu đối được chạm lộng tinh xảo, sinh động. Chủ đề các tác phẩm này chuyển tải ước vọng an bình và phương châm sống một đời tao nhã thông qua hình ảnh hoa mai, lan, cây trúc, trái bầu, con lân, chim hạc... thường thấy trong tạo hình đồ mỹ nghệ dân gian Nam Bộ. Ngoài ra, một điểm đặc biệt khác ở chùa Giác Lâm là không gian vườn "Bửu tháp Xá lợi". Nơi đây an tọa các ngôi tháp cổ kính để tôn thờ những vị tổ khai sơn chùa và tăng sĩ có công với đạo pháp. Các ngôi tháp nằm ẩn mình, trầm mặc dưới các tán cây cổ thụ xanh mát, bình yên.
(Còn tiếp...)
(CATP) TPHCM lọt vào "100 điểm đến tuyệt vời nhất thế giới" được Tạp chí Time bình chọn, cùng với hai thành phố khác của Việt Nam là Hà Nội và Phú Quốc (Kiên Giang). TPHCM là đô thị trẻ với sự hình thành và phát triển mới hơn 300 năm, được biết đến nhiều với tên gọi Sài Gòn - TPHCM.