“Thưa bố kính yêu, con xin có mấy dòng tâm sự tuy rằng rất muộn khi bố đã ra đi mãi mãi, khi những lời tâm sự với bố đã trở nên muộn màng” - trưởng nam của cố Tổng Bí thư nghẹn ngào trải lòng.
Tâm sự với cha, ông Lê Minh Diễn cho biết từ khi sinh ra đã quen với sự vắng mặt của cha mình. “Ký ức tuổi thơ của con chỉ là những đợt sơ tán, những buổi học hòa trộn với những đợt bom; những buổi tối mắt nhắm, mắt mở lên nhà rồi lại xuống hầm.
Ông Lê Minh Diễn trải lòng về những kỷ niệm bên cha - cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu
Chúng con đã quen với những trận mưa bão tốc mái, tung cửa nhà, gió lùa vào mọi ngóc ngách trong căn nhà vách đất, vật lộn và chống chọi với bom đạn, mưa bão, chỉ có mẹ và 4 bà cháu.
Những hiểu biết của con về bố chỉ là chú bộ đội đang đi chiến trường chẳng biết bao giờ mới về” – ông Diễn chia sẻ.
Khi chiến tranh kết thúc, theo lời kể của người con trai cả, cha ông chỉ nghỉ phép như bao người lính rồi tiếp tục lên đường với cuộc chiến ở biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế.
Tiếp bước cha, hai người con của cố Tổng Bí thư cũng gia nhập quân ngũ. Họ lại ra biên giới, ở nhà chỉ có ba người phụ nữ, là bà, mẹ và chị.
Phải đến những năm 90, gia đình cố Tổng Bí thư mới thực sự được sum vầy, đoàn tụ.
“Nhưng vì là người lính, do điều kiện công tác, nên cũng chưa có lần nào con được tâm sự dài với bố. Vì là người lính, nên con hiểu sự khó khăn, gian khổ của bố và đồng đội.
Cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn là niềm tự hào của các con mình
Khi đến thăm Thành cổ Quảng Trị, nghe kể về cuộc chiến ở đây, con cảm nhận được phần nào sự khốc liệt của chiến tranh. Mọi sự sống và cái chết giành giật từng ngày, từng giờ. Đường 9 Nam Lào, Khe Sanh, chiến trường Trị Thiên nơi nào cũng in đậm dấu chân của bố.
Bố luôn nói với chúng con rằng, được như ngày hôm nay phải biết ơn hàng triệu người đã ngã xuống, hàng ngàn gia đình mất người thân, nhiều ngàn người đã không còn nguyên vẹn thân thể ngày trở về, di chứng chiến tranh còn theo họ, gia đình họ đến tận bây giờ.
Bố dặn chúng con phải luôn gần gũi với dân, phải sống xứng đáng với những đóng góp và hy sinh của nhân dân dù ở bất kỳ cương vị nào” - ông Lê Minh Diễn nhắc lại những lời răn dạy từ người cha đáng kính của mình.
Ông cho biết, tổng thời gian được gần gũi, tâm sự cùng cha mình chưa đến một năm, nhưng ông đã học tập ở cha rất nhiều trong công việc và cuộc sống, rằng phải luôn lấy chữ tâm làm trọng.
“Thời gian tuy ngắn, nhưng qua những việc bố đã làm và qua những câu chuyện kể, nhận xét của những người đã chiến đấu, công tác cùng với bố, con càng tự hào về bố hơn.
Nay bố đã đi xa, tóc con cũng đã bạc màu, con xin hứa với bố sẽ luôn sống đúng như những lời răn dạy của bố và sẽ nuôi dạy thế hệ sau này như bố đã dạy con”- ông Lê Minh Diễn hứa trước anh linh cha và nói lời xin lỗi vì đã không thực hiện được ý nguyện của bố mình là muốn được rải tro cốt ở 3 dòng sông nơi gắn liền với nhiều kỷ niệm của cuộc đời cố Tổng Bí thư.
Sông Mã - một trong 3 dòng sông mà cố Tổng Bí thư mong muốn được rải tro cốt của mình
“Do dịch bệnh, con không thể kéo dài thời gian tang lễ ảnh hưởng đến mọi người, chắc là bố sẽ hiểu và thông cảm cho con” - ông Diễn nghẹn lòng và mong “bố thanh thản về với cõi vĩnh hằng, nơi đó không còn chiến tranh, nơi đó luôn ấm tình đồng đội”.
Theo một người thân trong gia đình, ba dòng sông mà cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu muốn rải tro cốt của mình là sông Mã, sông Hồng và sông Cửu Long. Đây đều là những con sông gắn bó với tuổi thơ và cuộc đời binh nghiệp của cố Tổng Bí thư lúc sinh thời.
Sông Mã là dòng sông quê hương ông, nơi gắn với một thời niên thiếu của ông.
Sông Hồng là dòng sông của đồng bằng Bắc Bộ, nơi ông trưởng thành và tham gia hoạt động cách mạng, chiến đấu tại Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 trong những ngày kháng chiến chống Pháp.
Sông Cửu Long, dòng sông bồi đắp lên Đồng bằng sông Cửu Long, là nơi gắn với ông trong những ngày công tác tại Quân khu 9 và những năm tháng công tác trong Bộ Tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia.
Ba dòng sông đó đều là những dòng sông lớn gắn liền với những thăng trầm của lịch sử Việt Nam. Ba dòng sông đó cũng là nơi mà cậu bé, người lính, vị Tổng Bí thư ngay cả khi đã đi thật xa rồi vẫn muốn trở về nằm cùng ký ức dưới bóng nước trong veo.