Sai đến đâu xử lý nghiêm đến đó
Về kết quả thanh tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm (ngày 30/6/2023), Bộ Tài chính cho biết: Thời gian qua, thị trường bảo hiểm nói chung và kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng nói riêng có sự tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, đã xuất hiện tình trạng nhân viên của một số ngân hàng giới thiệu, chào mời, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ (BHNT), bảo hiểm liên kết đầu tư khi khách hàng tới gửi tiền hoặc vay vốn tín dụng. Do đó, ngay trong năm 2022, lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức thanh tra, kiểm tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm trực thuộc Bộ này đã tiến hành thanh tra lĩnh vực hoạt động trên tại 4 doanh nghiệp bảo hiểm là Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife.
Trên tinh thần chỉ đạo quyết liệt, minh bạch, "sai đến đâu xử lý nghiêm đến đó” của Bộ trưởng Bộ Tài chính, các đoàn thanh tra đã triển khai công tác thanh tra nghiêm túc, khách quan, trung thực. Kết quả công tác thanh tra cho thấy, việc bán bảo hiểm qua kênh đại lý là các ngân hàng có nhiều vi phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới. Một số hành vi vi phạm điển hình như: không tư vấn trực tiếp cho khách hàng hoặc không hướng dẫn đầy đủ thủ tục trong quá trình thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ yêu cầu theo quy định của doanh nghiệp; không bảo đảm chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng không hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm; cho người khác (đại lý cá nhân khác, nhân viên ngân hàng) sử dụng iPad, mã số đại lý để hướng dẫn khách hàng nhập thông tin và không thực hiện đúng biểu phí bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn...
Đó là những hành vi vi phạm sẽ được Bộ Tài chính xem xét, xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật, bảo đảm tính nghiêm minh và tạo sự răn đe đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường. Các quyết định xử phạt sau khi ban hành sẽ được công khai với các cơ quan báo chí và dư luận, nhằm bảo đảm khách quan, minh bạch.
Đồng thời, căn cứ kết quả thanh tra, Bộ Tài chính yêu cầu 4 doanh nghiệp bảo hiểm (Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife) thực hiện các biện pháp sau: tăng cường công tác quản lý, giám sát, chấn chỉnh toàn diện đối với hoạt động bán sản phẩm bảo hiểm thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; khẩn trương xây dựng quy trình kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm; chủ động phát hiện, xử lý các thiếu sót, vi phạm trong quá trình triển khai nghiệp vụ bảo hiểm tại doanh nghiệp, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng.
Bộ Tài chính còn yêu cầu 4 doanh nghiệp bảo hiểm trên bảo đảm cao nhất việc quản lý đại lý được thực hiện chặt chẽ; ngăn ngừa, phát hiện sớm các hành vi vi phạm của đại lý bảo hiểm, cá nhân thuộc đại lý bảo hiểm. Có biện pháp chấn chỉnh công tác đào tạo, quản lý, giám sát chất lượng đại lý bảo hiểm. Các đại lý phải đáp ứng đầy đủ điều kiện hoạt động, thực hiện đúng nội dung, nguyên tắc hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật. Rà soát các khoản chi phí hoạt động đại lý bảo hiểm, bảo đảm các khoản chi phí phải phục vụ cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm, có đầy đủ chứng từ, bằng chứng chứng minh, phù hợp với quy định của pháp luật. Tăng cường giám sát việc quản trị rủi ro, bảo đảm các tiêu chí an toàn tài chính, an toàn vốn của doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.
Hoạt động bán sản phẩm bảo hiểm thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng có nhiều vi phạm
Nên ghi âm, tố giác sai phạm
Đã có bạn đọc xem loạt bài Bảo hiểm nhân thọ - nhiều vấn đề bất cập đăng trên Chuyên đề Công an TPHCM hai số báo trước, phản ánh đến tòa soạn về việc khi vay tiền ngân hàng thì bị nhân viên ngân hàng yêu cầu mua gói BHNT, mà nếu không mua thì không vay tiền được, mặc dù có hồ sơ thế chấp tài sản cùng đầy đủ các loại giấy tờ khác. "Coi như là phí vay tiền vậy, nhưng tôi lại không ghi âm..." - Anh T. cho biết. Để đối phó với việc bị o ép buộc mua gói BHNT lúc khách hàng đi vay tiền ngân hàng, người dân cần ghi âm nội dung đó để làm bằng chứng tố giác sai phạm đến các cơ quan chức năng.
Theo phân tích của một chuyên gia, việc đào tạo, sát hạch để cấp chứng chỉ tư vấn cho nhân viên BHNT trong những năm gần đây khá lỏng lẻo, thời gian đào tạo rút ngắn, vấn đề giám sát hậu bán hàng chưa đạt, trong khi đây là trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm. Các công ty bảo hiểm chỉ thực hiện cuộc gọi chào mừng với khách hàng sau khi ký hợp đồng BHNT là một hình thức xác nhận thông tin, chứ không phải là xác nhận quá trình tư vấn của đại lý trước đó là đúng, đủ. Điều này mang tính lập lờ, gian dối với khách hàng. Vì vậy, cần phải siết lại từ công tác đào tạo, sát hạch đối với tư vấn viên bảo hiểm và giám sát hậu bán hàng của doanh nghiệp.
Liên quan đến các ngân hàng là đại lý của các doanh nghiệp bảo hiểm thì cần thực hiện cuộc thanh tra liên ngành toàn diện. Nếu thực hiện được điều này là rất tốt, bởi so với các đại lý bảo hiểm thông thường, nhân viên ngân hàng có kiến thức về tài chính cơ bản cao hơn, khả năng hiểu về hợp đồng BHNT nhiều hơn, được khách hàng tin tưởng hơn, nhưng lại không tư vấn đúng, lừa dối khách hàng thì trách nhiệm của người làm sai và kể cả ngân hàng càng lớn hơn đại lý thông thường.
Mặt khác, cần xem xét, yêu cầu ngân hàng tách riêng bộ phận bán BHNT độc lập với các dịch vụ khác. Hoạt động tư vấn BHNT cho khách hàng phải được giám sát chặt (qua ghi âm, ghi hình). Đặc biệt, không nên bán sản phẩm liên kết đầu tư cho khách hàng đang vay tiền. Người đang vay tiền nên chăng chỉ có thể tham gia sản phẩm bảo hiểm khoản vay hay bảo hiểm tử kỳ là phù hợp hơn, để bảo đảm việc thanh toán nợ cũng như giảm rủi ro cho cả ngân hàng. Hơn nữa, việc lừa dối khiến khách hàng mất tiền khi bỏ ngang hợp đồng BHNT cũng gần ngang với hành vi lừa đảo, nên cần xử phạt nghiêm, thậm chí xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.
Những sai phạm xảy ra trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, đại lý bảo hiểm cần phải được thanh tra, chấn chỉnh sớm, để tránh hậu quả, thiệt hại cho khách hàng và thị trường bảo hiểm lẫn nền kinh tế nói chung. Chính vì siêu lợi nhuận mà không ít người dễ bất chấp tất cả, thậm chí vi phạm pháp luật, nếu từ nhân viên tư vấn đến ngân hàng đều "nhắm mắt" chạy theo con số tăng trưởng về khách hàng, hợp đồng...
BHNT vốn là loại bảo hiểm rất nhân văn. Thế nhưng có một điều rất vô lý nhưng lại thực tế, đó là chính sách trả phí hoa hồng cao ngất ngưởng, vậy tiền ở đâu ra? Thường những hợp đồng BHNT bán qua kênh ngân hàng có thời gian rất dài (từ 5 năm trở lên), tâm lý người đi vay vốn coi như một loại "phí” để vay được tiền nên họ chấp nhận, rồi bỏ luôn hợp đồng BHNT đã mua. Ở đây, những trường hợp khách hàng chỉ đóng năm đầu tiên rồi bỏ là có thể thấy họ không hề mặn mà với việc mua bảo hiểm và có thể việc mua bảo hiểm là không phải do tự nguyện. Vì vậy, cần thanh tra toàn diện về hoạt động bán BHNT của các ngân hàng. Nhưng hãy để ngành bảo hiểm hoạt động độc lập, dù có ý kiến cho rằng nên cấm hình thức liên kết với ngân hàng vì còn có mối liên hệ này thì sẽ còn nhiều biến tướng, mặc dù được thanh tra, kiểm tra. Chưa kể sẽ còn những chuyện bức xúc, nhức nhối trong xã hội, đặc biệt là không ít người khó khăn đi vay vốn ngân hàng mà lại bị o ép buộc mua BHNT là hoàn toàn mất tính nhân văn.
Trong năm 2023, bên cạnh việc khẩn trương hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực bảo hiểm, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên đề bán bảo hiểm thông qua các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 10 doanh nghiệp bảo hiểm. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua ngân hàng. Trường hợp phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
(CATP) Sau khi thanh tra, Bộ Tài chính đề nghị Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ (BHNT) Prudential Việt Nam (gọi tắt là Công ty Prudential VN) thực hiện hạch toán giảm chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) năm 2021 với số tiền hơn 740,2 tỷ đồng. Bởi vì theo kết luận thanh tra, chi phí hoạt động đại lý liên quan đến việc bán sản phẩm bảo hiểm thông qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Công ty Prudential VN đã hạch toán các khoản chi phí liên quan đến hoạt động bancass là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN năm 2021, chưa đúng quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và quy định về thuế.