Bảo hiểm nhân thọ đang khủng hoảng niềm tin

Thứ Năm, 11/05/2023 16:50

|

(CATP) Thời gian qua, những drama (bê bối) dính líu đến bảo hiểm nhân thọ (BHNT) đã phần nào làm giảm uy tín của lĩnh vực kinh doanh đầy tiềm năng này. Tuy nhiên, các đơn vị BHNT đã không giải quyết đến nơi đến chốn, càng làm cho khách hàng bức xúc, đẩy thị trường bảo hiểm tới bờ vực khủng hoảng chưa từng có ở nước ta...

Càng giải quyết càng bất lợi!

Theo YouNet Media - thành viên của YouNet Group, công ty về nền tảng và dịch vụ phân tích dữ liệu mạng xã hội, cho thấy sau livestream về drama liên quan đến hợp đồng BHNT của diễn viên Ngọc Lan và cách giải quyết của công ty BH liên quan không chỉ mang sắc thái tiêu cực, mà phản ứng của cộng đồng mạng với sự việc lần này còn đặc biệt kéo dài.

YouNet Media đã thực hiện việc thống kê và phân tích dữ liệu tổng cộng hơn 846.000 thảo luận (bình luận, nhận định, status, video) trên các nền tảng mạng xã hội về video phát trực tuyến của diễn viên Ngọc Lan dính tới BHNT của Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MVI (MVI Life) và các sự kiện liên quan đến BHNT trong thời gian gần đây. Qua đó, YouNet Media đưa ra nhận định: 16 cuộc khủng hoảng của ngành BH từ 2020 - 2022 cũng chỉ thu hút chưa đến một nửa số người tham gia thảo luận so với vài tháng của cuộc khủng hoảng lần này, với hơn 410.000 thảo luận.

Ngay cả khi cái ôm "giảng hòa" giữa Ngọc Lan và Tổng giám đốc MVI Life tại buổi gặp gỡ báo chí tổ chức ngày 20/4 ở TPHCM, cũng chưa thể khép lại drama này. Kết quả, ông Đào Văn Đồng - Tổng giám đốc MVI Life - đã gửi lời xin lỗi diễn viên Ngọc Lan vì không cung cấp được dịch vụ BH hoàn hảo. MVI Life đồng ý điều chỉnh, soạn lại hợp đồng mới, loại bỏ những sản phẩm không nằm trong nhu cầu ban đầu của Ngọc Lan. Về phía nữ diễn viên Ngọc Lan, cô vẫn tiếp tục duy trì 2 hợp đồng BH đã ký.

Nhiều người xếp hàng tại Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TPHCM vào ngày 20/4, để gửi đơn tố cáo vì cho rằng bị lừa mua BHNT. Ảnh: Linh An/Vnn

Tuy nhiên, theo YouNet Media, ngay cả sau khi diễn viên Ngọc Lan và MVI Life có hành động "giảng hòa", thì lượng thảo luận, tương tác tiêu cực vẫn rất cao (27.900). Đặc biệt, nhiều người tương tác đặt câu hỏi, nếu khách hàng là người dân bình thường chứ không phải những người của công chúng, liệu các công ty BHNT có giải quyết như vậy?

Tiếp sau vụ Ngọc Lan, đến nghệ sĩ Kim Tử Long cũng tiết lộ rằng, ông từng bị hủy hợp đồng BH và mất trắng hơn 100 triệu đồng sau khi đóng được 3 năm, mà vấn đề xuất phát từ nhân viên tư vấn của Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam. Theo Prudential Việt Nam, hợp đồng BH của nghệ sĩ Kim Tử Long đã hết hiệu lực từ năm thứ 5 nên không thể hoàn lại số tiền khách hàng đã nộp.

Như vậy, từ drama của diễn viên Ngọc Lan và nghệ sĩ Kim Tử Long "tố" các công ty BHNT đã cho thấy những bất cập, hạn chế của ngành BHNT. Hậu quả ngành BHNT "mất điểm". Nhiều người vốn có cái nhìn thiếu thiện cảm với BHNT, nay lại càng mất niềm tin, e dè khi cân nhắc tham gia bảo hiểm.

Đến vụ SCB - Manulife Việt Nam

Đây là vụ rất lớn có yếu tố hình sự, khi nhiều khách hàng tố cáo hành vi lừa đảo của nhân viên Manulife Việt Nam khi DN này cố tình cung cấp thông tin sai sự thật về sản phẩm "Tâm an đầu tư”, nhằm lừa người dân mua BHNT thông qua trung gian bán hàng là Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và nhân viên tư vấn của Manulife Việt Nam. Hàng trăm khách hàng đã gửi đơn khiếu nại về việc tham gia sản phẩm bảo hiểm "Tâm an đầu tư” thông qua Ngân hàng SCB.

Liên quan đến sự việc này, bên lề cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra sáng 06/5, Trung tướng Tô Ân Xô - người phát ngôn Bộ Công an cho biết, lãnh đạo bộ đã chỉ đạo Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) khẩn trương xác minh. Trung tướng Tô Ân Xô cho biết Cục C03 được giao làm việc với các tập thể, cá nhân liên quan, đánh giá và phân loại xử lý đơn tố cáo của người dân theo đúng quy định của pháp luật. Đến nay Cục C03 đã tiếp nhận 133 đơn của 128 người dân và 5 tập thể liên quan vụ việc; Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã tiếp nhận 190 đơn tố cáo về cùng nội dung trên.

Theo Trung tướng Tô Ân Xô, các nội dung tố cáo cho thấy, một số người gửi tiết kiệm tại SCB, khi đến thời hạn tất toán đã được nhân viên của ngân hàng tư vấn sai sự thật, mời gọi chuyển từ tiền gửi tiết kiệm sang các gói đầu tư sinh lời cao do SCB phát hành. Hình thức này được tư vấn là tương tự gửi tiết kiệm nhưng thực chất là hợp đồng BH với Manulife. Đến các năm tiếp theo, khi Manulife yêu cầu tiếp tục đóng phí BH thì khách hàng mới biết mình đã ký hợp đồng BHNT, chứ không phải gói đầu tư tiết kiệm như nhân viên Ngân hàng SCB tư vấn. Lúc này, khách hàng không rút tiền được và nếu không đóng tiền tiếp trong 60 ngày thì số tiền đầu tư trước đó cơ bản sẽ bị mất. Khách hàng cho rằng, Ngân hàng SCB đã móc nối với Công ty Manulife có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền gửi tiết kiệm của khách hàng.

Diễn viên Ngọc Lan tại buổi "giảng hòa" với Manulife Việt Nam

Liên quan đến vụ việc này, qua đường dây nóng, Bộ Tài chính cũng đã tiếp nhận 491 kiến nghị, phản ánh cùa người dân liên quan, trong đó có 350 đơn tố cáo liên quan đến bán BH qua ngân hàng.

Trong những ngày qua nhiều khách hàng khiếu kiện về gói BH "trên trời" này đã được Manulife đồng ý hoàn tiền. Tuy nhiên, nhiều khách hàng cảm thấy không hài lòng về việc phải ký vào "giấy im lặng" mới được trả lại tiền. Nội dung thỏa thuận giữa Manulife còn yêu cầu bên mua BH cần chấm dứt ngay mọi khiếu nại, khiếu kiện, yêu cầu thanh toán và/hoặc không có bất kỳ hành động nào chống lại Manulife và các cấp quản lý, nhân viên của công ty. Cách xử lý của Manulife như vậy chỉ làm cho khủng hoảng niềm tin của khách hàng với ngành BHNT, với Manulife càng tăng lên.

Phải giải quyết khủng hoảng niềm tin

Ngành BHNT thực sự đang lâm vào cơn khủng hoảng niềm tin, mà càng giải quyết càng lún sâu, khi niềm tin của khách hàng ngày càng đi xuống, dẫn đến gần đây không ít người đã quyết định hủy hợp đồng BHNT.

Ông Đặng Đình Chính, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ BH ITmedia Việt Nam, đặt câu hỏi rất đáng suy nghĩ: "Không hiểu sao tỷ lệ người dân nước ta tham gia BHNT ở mức 11% trong năm 2022, không thay đổi so với năm 2021. Cần có nghiên cứu đánh giá chi tiết nguyên nhân để tìm cách cải thiện tình trạng này". Đó là số liệu của năm 2022, còn nếu tính được số liệu năm 2023, chắc chắn tỷ lệ đó sẽ thấp hơn nhiều.

Các chuyên gia tài chính, BH cho rằng, trong đợt khủng hoảng lần này, sẽ có không ít người rời bỏ, không bán BHNT nữa. Đây cũng có thể là đợt thanh lọc tốt khi mà thị trường BHNT đang bị hoài nghi, mất niềm tin. Lợi ích của BHNT là rất lớn, nếu thị trường này minh bạch. Theo nhận định của Bộ Tài chính, chất lượng sản phẩm, dịch vụ BH trên thị trường nước ta nhìn chung chưa cao. Các DNBH thiết kế sản phẩm chủ yếu dựa trên cơ sở dữ liệu tham khảo của các nhà tái BH hoặc thị trường BH nước ngoài, nên chưa thực sự phù hợp với thị trường Việt Nam.

Thực tế số lượng sản phẩm BH gia tăng, nhưng thiếu các sản phẩm được thiết kế mang tính cá nhân hóa theo yêu cầu của khách hàng, cũng như các sản phẩm BH dành cho người thu nhập thấp hoặc khu vực nông thôn, các sản phẩm thúc đẩy an sinh xã hội như BH hưu trí tự nguyện, BH nông nghiệp... chưa được triển khai rộng rãi. Ngoài ra cũng thiếu vắng các sản phẩm BH mới trên cơ sở ứng dụng công nghệ ngày càng phát triển và mở rộng, đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng.

Theo các chuyên gia, từ đầu năm 2023, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) có hiệu lực với nhiều quy định mới, tạo điều kiện cho thị trường BH phát triển, khuyến khích ứng dụng công nghệ mới trong kinh doanh BH, đại lý BH hoặc môi giới BH... nên cần những kênh phân phối chuyên nghiệp, tin cậy, không chỉ bán hàng mà còn hướng tới cả chức năng hướng dẫn chi trả bảo hiểm. Để hướng đến các mục tiêu đó, trước mắt ngành BHNT, các công ty BHNT cần phải có giải pháp tích cực để lấy lại niềm tin của khách hàng, dù trong thời điểm này thật khó khăn.

Có thể đạt 15% dân số tham gia BHNT vào năm 2025?

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến ngày 12/12/2022, thị trường BH nước ta có 78 DN kinh doanh BH (trong đó có 31 DNBH phi nhân thọ, 19 DNBHNT, 2 DN tái BH; 26 DN môi giới BH) và 1 chi nhánh DN BH phi nhân thọ nước ngoài. Tổng tài sản của thị trường BH nước ta ước đạt 811.312 tỷ đồng, tăng 14,51% so với cùng kỳ năm 2021. Các DNBH đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 656.423 tỷ đồng, tăng 12,56%.

Thời gian qua (lúc chưa khủng hoảng), thị trường BH đạt mức tăng trưởng cao và ổn định, với mức tăng trưởng bình quân 20%/năm. Tỷ lệ doanh thu phí BH trên GDP hiện nay mới chỉ đạt mức 3,07%, thấp hơn so với mức trung bình của khối ASEAN (3,35%), châu Á (5,37%) và mức trung bình thế giới (6,3%).

Về tỷ lệ tham gia BHNT, đến nay, Việt Nam mới chỉ có 11% dân số tham gia. Trong khi đó, tại Philippines có khoảng 38% dân số có BH, Malaysia khoảng 50%, Singapore khoảng 80%, Mỹ khoảng 90%...

15% dân số tham gia BHNT vào năm 2025 là một trong các chỉ tiêu cốt lõi trong dự thảo Đề án Chiến lược phát triển thị trường BH đến năm 2030 mà Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình Thủ tướng Chính phủ mới đây. Đây là chỉ tiêu có nhiều thách thức lớn trong tình hình ngành BHNT đang rơi vào khủng hoảng và các cuộc giải quyết khủng hoảng chưa thấy hiệu quả, thậm chí có tác dụng ngược.

Bình luận (0)

Lên đầu trang