Đến với xã Đại Đồng (Văn Lâm – Hưng Yên), dù là khách xa hay khách gần cũng đều cảm thấy dễ chịu. Sự dễ chịu làm người ta khoái hoạt nhất không phải là sự đi lên của nền kinh tế dẫn theo những dịch vụ à ơi bia hơi, cà phê, ăn uống... để thể hiện làng quê đang đà phát triển.
Sự khoái hoạt của khách đến Đại Đồng là ở chính những cái xem chừng “không chịu phát triển”. Nói thì có vẻ ngược đời nhưng đúng là như vậy. Đại Đồng có những làng quê mà nhác thấy ngỡ tưởng bị bỏ quên vì cái hình cái ảnh ấy cứ như ngôi làng thời phong kiến.
Những cổng làng, cổng nhà, sân đình, bến nước, giếng quê meo mốc với những hàng chữ nho mực đen; rồi vườn chuối, sân cau, đường gạch, cầu cong, ngõ lượn... với những bà, những mẹ vấn khăn mỏ quạ, miệng bỏm bẻm trầu cau vôi trắng. Ôi chao, sao quê mà không cộc, hồn hậu lại chân phương đến thế.
Các nghệ nhân ở Đại Đồng đang đúc và chế tác một sản phẩm - Ảnh: Trần Hòa
Rồi ở giữa vùng thôn ổ làng xã ấy lại thấy có bóng dáng Hà Nội xưa xen lẫn vào. Đấy là phố làng – phố nghề được sắp đặt theo cách bài bản từ mấy trăm năm trước. Thời gian cùng những tích cóp kinh nghiệm đã đưa làng Rồng trở thành một trong những chốn tinh hoa về nghề kim khí đồng.
Bốn làng đúc đồng
Ở đây, nghề đúc đồng không nhộn nhịp được như Ngũ Xá, cũng không đa dạng lẫn tiếng tăm như Đại Bái. Cơ mà không vì thế mà mặt hàng đồng đúc ra không tinh xảo, nổi trội. Nói đến nghề cổ truyền, làng nào cũng muốn mình là nhất, nhất cả về cái thời gian dài lâu lẫn cái sản phẩm tinh xảo. Nhưng ở làng Rồng, người ta không chú ý lắm đến những điều ấy; những sự ấy coi như là tiểu tiết. Có lẽ, phần vì đồ đồng họ làm ra đã quá gắn bó, quá được yêu mến bởi những người thực sự hiểu cái thú chơi đồ kim khí.
Nhưng để hiểu hơn về một thứ nghề, thì thời gian là thứ không thể thiếu để bóc tách xem cái lớp lõi bên trong. Và theo một cách nhớ rất “nho học”, cụ Phùng Nghiệp cũng được coi là thầy đồ của làng, bảo rằng: Làng đúc đồng trước là xã Lộng Đình và Tùng Xá thuộc huyện Siêu Loại, phủ Thuận An trấn Kinh Bắc.
Theo sử ghi, xã Lộng Đình dưới thời Nguyễn thuộc tổng Đồng Xá. Nơi này có những 6 làng Văn Ổ, Xuân Phao, Lộng Đình (Rồng), Đình Tổ (Tó), Cự Đình và Bùng Đông.
Trong đó, chỉ có hai làng Cự Đình và Đình Tổ là chuyên làm nông nghiệp, còn lại bốn làng đều có nghề đúc đồng cổ truyền. Xưa kia, nói đến đồ đồng gia dụng và đồ thờ cúng của Lộng Đình thì ai cũng biết đó là sản phẩm của làng Văn Ổ, Xuân Phao, Bùng Đông, Lộng Thượng.
Trong bốn làng này thì Lộng Thượng có tên nôm là Rồng cũng là làng có kỹ thuật đúc đồng cao nhất. Rồng có hàm ý con Rồng. Có thể, người xưa đã căn cứ theo thế đất của làng nằm trên rẻo cao thềm sông, chạy uốn lượn ven sông Rí như hình con rồng mà lấy đó đặt tên.
Nghệ nhân ở Đại Đồng tỉ mỉ chạm khắc lên một sản phẩm - Ảnh:Trần Hòa
“Ngay tại làng Rồng, nay còn ngôi chùa Long Lư tự, đối diện bên kia sông Rí thuộc đất làng Rí xã Đề Cầu (Bắc Ninh) hiện có chùa Bạch Long. Tên làng được nôm hóa từ Long sang Lộng là vì thế”, cụ Nghiệp cho biết.
Kỹ thuật cổ truyền
Ông Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch UBND xã Đại Đồng tỏ vẻ đầy tự hào về quê hương mình. Sự tự hào của ông không chỉ bởi, ở làng quê ấy đã trở thành mực thước khi biết bao nhiêu đoàn làm phim về đây lấy cảnh nông thôn Đại Đồng làm hình mẫu; và rồi ngay đến cái nghề cổ gia truyền của làng Rồng ấy cũng đã từng lên phim.
Làng Rồng không rộng, dân làng xưa bám lấy con đường cái quan làm chốn mưu sinh. Con đường xưa lát gạch, nay đã trải nhựa mà đi giữa trưa hè vẫn không thấy nóng bởi những hàng cây già tuổi phủ bóng rợp đường. Ở đây, cũng không còn nghe tiếng ve kêu mà thay vào đấy là tiếng chát chúa của những đục thép chát khít vào với đồng nung đã nguội.
Cái thanh âm ấy chát chúa bao nhiêu thì người ta lại vui bấy nhiêu. Bởi vì, nó thể hiện cho công việc bận rộn. Càng bận rộn thì càng có nhiều tiền nên buổi trưa nghệ nhân cũng không kịp nghỉ.
Hiệu đúc đồng nhà anh Bách có lẽ được coi là rộng lớn nhất làng Rồng. Cơ ngơi bằng mấy cái nhà ống chụm lại thành một cửa hiệu trưng bày đồ kim khí cho khách thập phương chiêm ngắm. Phía sâu trong làng, xưởng đúc của anh Bách cũng rộng, mấy chục thợ hì hụi, người làm khuôn, người nung đồng, kẻ khác đục đẽo gì đó rôm rả lắm.
Các sản phẩm bằng đồng tuyệt đẹp ở làng nghề này - Ảnh: Trần Hòa
Cách đấy vài chục thước, xưởng đúc nhà ông Thanh cũng đang nhịp nhàng với những đóng khuôn và gỡ khuôn đất. Những cái hình lư đồng bằng đất tròn lẳn được gỡ ra đem phơi bụng dưới nắng. Ông Thanh bảo: “Khi những cái khuôn này khô, đem vào rót đồng là thành hình dáng. Xong việc, khuôn đất coi như vứt chứ không dùng được lần hai nữa”.
Ở làng này, có lẽ cụ Vượng là người sành nghề lắm. Cụ tuy không còn làm nghề vì chân run nhưng con cháu cụ đều theo được. Cụ bảo rằng: Làm đồng giỏi thì phải làm đất giỏi cái đã. Anh không có dụng công làm khuôn bằng đất thì chẳng bao giờ làm được đồng đẹp.
Cái triết lý làm đất rồi hẵng làm đồng thật hay. Nó cũng mang hàm ý từ mềm đến rắn, từ thấp đến cao, từ dễ đến khó vậy. Người nghệ nhân không được bỏ qua cái dễ mà làm cái khó, không nhảy cóc học vẹt được.
Cầm con kỳ lân bằng đồng bé chỉ bằng cái chén, cụ Vượng giảng giải ra bao nhiêu nghĩa. Nó là những kỹ thuật cổ truyền mà duy chỉ có làng Rồng mới có, mới thực hành và có hiệu nghiệm. Từ cách chọn đồng phế thải ra sao, đem nấu nồng độ thế nào đều có những sự khác biệt với các làng đúc đồng khác.
Độ tinh xảo của một con kỳ lân đồng do nghệ nhân làng Đại Đồng chế tạo - Ảnh: Trần Hòa
Ấy vậy mà sản phẩm lại không hề lỗi thời. Chất màu đồng tuy có xỉn hơn nơi khác nhưng đấy mới là thực chất. Họ không dùng hóa chất công nghiệp bôi quét, pha hòa với đồng nên nếu ai không tường hàng kim khí dễ lầm tưởng người làng Rồng làm kém.
Tổ nghề làng Rồng
Gần trăm hộ còn tham gia làm nghề đúc đồng ở làng Rồng đều công nhận tổ nghề của làng mình là cụ Khổng Minh Không. Vào thế kỷ thứ 10, cụ đã truyền dạy nghề này cho người làng Lộng Thượng để dân làng lấy đó làm kế sinh nhai.
Cho đến bây giờ, sau cả ngàn năm đã trải, người Lộng Thượng vẫn không quên ân đức ấy mà lập cụ làm tổ để thờ cũng khói hương. Họ cũng coi cụ là hình mẫu, là đức nhân để học lấy cái tính cần cù, cái trí sáng lạn.
Tham vấn ý kiến của Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương mới biết cụ Khổng Minh Không không chỉ là tổ nghề của Lộng Thượng. Cụ còn được nhiều làng khác suy tôn từ thời xưa. Chữ Khổng là cách gọi chếch từ “khổng lồ”, bởi cụ có quốc tính là Lý Quốc Sư, còn tên hiệu là Nguyễn Minh Không từng làm chức Quốc sư của một nước.
Các sản phẩm thành phẩm bắt đầu hành trình chu du đến mọi miền đất nước - Ảnh: Trần Hòa
Các làng làm nghề đúc đồng đều cảm phục đức tính của cụ. Danh phận cao mà vẫn nghĩ đến lương dân, nào là tìm thuốc chữa bệnh, đem nghề cho dân nên nghề đúc đồng, dù đã trải qua bao nhiêu phen tao loạn biến thiên mà vẫn vững vàng phát nghiệp. Lộng Thượng là một làng như thế!
Box: “Khác với các loại sản phẩm nhập từ Trung Quốc, Đài Loan, bởi được đảm bảo bằng công nghệ truyền thống và không bị pha trộn hay mạ đồng. Trên thực tế, ở khu vực phía Bắc, đồ thờ cúng như lư hương, đỉnh, hạc, nến, chuông, tượng... chỉ có Lộng Thượng mới sản xuất”, ông Nguyễn Xuân Vũ, Chủ tịch UBND xã Đại Đồng.