Đừng làm giàu bất chính giữa cơn đau đại dịch

Thứ Hai, 19/07/2021 09:39

|

(CATP) Trong khi cả xã hội đang chung sức góp phần cùng TPHCM chung tay chống dịch, giúp người dân vượt qua khó khăn thì có một bộ phận đang làm giàu bất lương trên nỗi đau của cộng đồng. Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã chuẩn sẵn sàng cho "kịch bản xấu và xấu hơn". Trong khi đó, chuỗi cung ứng hàng hóa, đặc biệt lương thực thực phẩm đã và đang bị đứt gãy khiến nhiều loại hàng hóa tăng giá.

Kinh doanh độc quyền

Những chuỗi cửa hàng, siêu thị lớn, trong khi Nhà nước cấm chợ truyền thống thì họ được phép kinh doanh. Đó cũng là kiểu kinh doanh độc quyền có phép. Nhà nước cho họ kinh doanh độc quyền không phải tạo điều kiện họ làm giàu, mà là để góp phần cùng Nhà nước đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa cho dân khi thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19. Vậy mà họ lợi dụng "quyền" này để kiếm lời trên nỗi khổ đau của cộng đồng.

Đường dây nóng của Quản lý thị trường

Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM công khai và niêm yết số điện thoại đường dây nóng 028.39322491 để người dân phản ánh các hành vi sai phạm, hoặc các siêu thị. Phản ánh tình trạng gom hàng siêu thị đem ra ngoài bán thu lời. Sau khi được tiếp nhận, phản ánh của người dân sẽ lập tức được chuyển tới các Đội trưởng đội quản lý thị trường nơi phát sinh vụ việc để xử lý kịp thời.

Với hệ thống chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh khi mà nhiều khách hàng lên tiếng phản ứng hệ thống này tăng giá một cách vô lý, làm người tiêu dùng bức xúc. Không phải một vài khách hàng, mà ai từng mua hàng ở Bách hóa Xanh trong những ngày qua đều xác nhận giá cả ở chuỗi của hàng này tăng vô lý. Đại diện lãnh đạo chuỗi của hàng này giải thích việc tăng giá là do chuỗi cung ứng hàng hóa đứt khúc, khó khăn trong vận chuyển, giá vận chuyển tăng lên... Và Quản lý thị trường vào cuộc, lại kết luận "không có vấn đề gì”! Trong khi đó nhiều hệ thống siêu thị khác cũng kinh doanh các mặt hàng như Bách hóa Xanh, nhưng lại cam kết không tăng giá?

Nhưng bằng chứng là đây: Ngày 18-7, Quản lý thị trường Sóc Trăng đã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi bán không đúng giá niêm yết với cửa hàng Bách hóa Xanh ở số 481 Trần Hưng Đạo, TP.Sóc Trăng. Theo đó, một số mặt hàng bán giá cao hơn hẳn so với giá niêm yết - ông Nguyễn Hùng Em - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng - xác nhận thông tin này.

Quản lý thị trường kiểm tra tại cửa hàng Bách hóa xanh

Chuỗi hệ thống cửa hàng Bách hóa Xanh có 560 điểm bán hàng tại TPHCM. Bình thường, mỗi ngày doanh nghiệp này cung cấp 500 - 600 tấn rau nhưng trong ngày 14 và 15-7 đã bán ra 2.100 - 2.500 tấn, sắp tới tăng lên 3.000 tấn. Với giá cả ngày một tăng cao, Bách hóa Xanh đang thu siêu lợi nhuận. Trong khi đó Bách hóa Xanh còn muốn đạt lợi nhuận cao hơn, khi vừa gửi văn bản đến các chủ cho thuê mặt bằng yêu cầu họ giảm giá cho thuê nhà đến 50% trong vòng một năm. Vậy nếu các chủ mặt bằng chấp nhận giảm giá thuê mặt bằng, Bách hóa Xanh có giảm giá cho khách hàng?

Đâu chỉ Bách hóa Xanh, một siêu thị lớn ở TPHCM được Nhà nước cho kinh doanh độc quyền, cũng tăng giá vô tội vạ. Một đơn vị tổ chức từ thiện để giúp những người ở tuyến đầu chống dịch, những người dân có hoàn cảnh khó khăn, đặt hàng mua mì tôm "Gấu Đỏ”, lúc đầu siêu thị này đồng ý với giá bán 55.000 đồng/thùng, nhưng khi đi lấy hàng siêu thị này lại nâng giá lên 99.000 đồng/thùng.

Anh Minh ở điểm bán hàng thân thiện của mình

"Thấy mà thương quá!"

Đó là câu cảm thán của cô Nguyễn Thị Dậu - chủ cơ sở Bánh mì Như Lan (đường Hàm Nghi, Q1) khi thấy anh em chống dịch làm việc xuyên đêm quá vất vả. Cô Dậu kêu nhân viên mang đồ ăn cho những người đang chống dịch ăn đỡ đói. Tấm lòng của bà chủ Như Lan đối nghịch với những người lợi dụng dịch dã tranh thủ kiếm tiền. Bà chủ Như Lan còn góp 1 tỷ đồng giúp Nhà nước chống dịch, trong đó bà Dậu giao cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Bến Nghé (Q1) 500 triệu đồng đóng góp mua vắc-xin. Theo nguyện vọng của bà chủ Như Lan, số vắc-xin này khi mua về sẽ nhờ chích cho người dân nghèo trên địa bàn phường.

Dịch Covid-19 ở TPHCM đang diễn biến rất phức tạp. TPHCM mới thực hiện xong 1 tuần giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và còn tiếp tục. Từ 0 giờ ngày 19-7, bắt đầu giãn cách theo Chỉ thị 16 với các tỉnh thành phía Nam, có thể chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm cho TPHCM còn khó khăn hơn nữa. Sở Công Thương TPHCM thừa nhận rau củ quả và trứng gia cầm đang thiếu, nhiều loại hàng tăng 30, thậm chí 50%. Chẳng lẽ đây lại là cơ hội cho những người làm giàu bất lương?

Nếu ai muốn làm giàu bất lương, muốn tạo "nghiệp bất thiện" thì anh Phạm Hồng Minh (bán rau ở TP.Biên Hòa, Đồng Nai). Anh Minh không phải là chủ một chuỗi siêu thị, hay một siêu thị lớn, chỉ sở hữu một gánh hàng rau nhỏ ven đường.

Vậy mà mấy mùa dịch qua, anh bán rau củ như cho với những "khẩu hiệu" cực kỳ thân thiện như: "Miễn phí cho công nhân, sinh viên. Ai cần đến lấy", "không đeo khẩu trang, bán đắt gấp đôi", "lấy đủ ăn, mai có tiếp!"... Trong khi đó, không cần tăng giá, anh Minh vẫn có thể kiếm tiền dễ dàng khi mà rau củ quả bán đắt như tôm tươi.

Nhiều đồng nghiệp bán rau như anh kiếm tiền triệu mỗi ngày, anh Minh biết nhưng cái tâm của anh không cho phép làm như vậy. Hãy nhìn nụ cười sảng khoái của anh mới hiểu hết cái tâm trong sáng, nhẹ nhàng, thảnh thơi biết chừng nào, bởi anh hiểu rằng làm giàu lúc này chẳng có ý nghĩa gì. Dịch bệnh không phải là cơ hội để làm giàu bằng mọi giá mà cần sự chia sẻ với cộng đồng.

Một cá nhân thiện lành của người bán rau như anh Minh làm lay động biết bao nhiêu con tim. Vậy chẳng lẽ những người nắm trong tay chuỗi siêu thị lớn, những siêu thị nổi tiếng lại vô tư kiếm tiền trong thời điểm này, khi mà hàng trăm ngàn công nhân, người lao động, đặc biệt những lao động tự do mất việc làm, sống bằng tiền trợ cấp ít ỏi.

Báo CATP đến nay đã phát hàng trăm tấn gạo đến người dân

Hãy gieo thiện duyên

Không chỉ những siêu thị lớn tăng giá, điều đáng nói là cả hàng hóa ở những tiệm tạp hóa cũng tăng giá vô tội vạ và phi lý, cả những món hàng tưởng như không thể tăng giá như bột nêm, đồ chạp phô... Bi kịch ở chỗ, đó là những nơi mà người nghèo, thất nghiệp, những người chạy ăn từng bữa thường đến mua vì họ không đủ tiền để đến siêu thị. Những người bán lẻ như vậy chắc không thể hiểu được tính thiện của con người.

Cô Nguyễn Thị Cẩm Hương (33 tuổi, giáo viên tiếng Anh trường THCS Trần Danh Ninh, quận 8) làm thiện nguyện. Ban đầu khi dịch khởi phát, cô Hương đi phát quà từ thiện cho những người vô gia cư, dần dần cô trở thành "nhà từ thiện" mà ai ở quận 8 cũng biết, không cần phải lên mạng xã hội kêu gọi như những người nổi tiếng. Vậy mà với cái tâm của mình, cô Hương trở thành người làm từ thiện được nhiều người biết đến, thậm chí bà con các tỉnh thành khác cũng gửi hàng đến cô nhờ chuyển cho đồng bào nghèo.

Trong khi có người, có nhà quản lý những siêu thị lớn kiếm tiền trong mùa dịch thì nhiều người đang làm từ thiện bằng cái tâm của mình. Nhiều cửa hàng 0 đồng, không ít bì thư được trao vội cho những người vô gia cư trong đêm trường đại dịch, những bó rau củ quả bất ngờ đặt trước cửa nhà người dân mà không để lại địa chỉ, những điểm phát cơm miễn phí mọc lên, những điểm rau xanh miễn phí ra đời... làm ấm áp tình yêu thương, tình người giữa đại dịch.

Bà con các tỉnh thành như Đà Lạt, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Trị, Nghệ An, các tỉnh miền Tây Nam bộ gom góp từng bó rau, con cá... cho người Sài Gòn, cho những người ở tuyến đầu chống dịch. Nhìn người nông dân miền Tây chất phác gom từng bó rau gửi Sài Gòn yêu thương; bà con Nghệ An góp từng trái bí trái bầu cho người TPHCM, mới thấy tình người bao la trong đại dịch.

Hãy mở tấm lòng hành động. Hãy nhìn đội ngũ chống dịch tuyến đầu họ làm việc hơn 12 giờ/ngày là chuyện bình thường. Hãy nhìn những bệnh viện điều trị Covid-19 đặc kín người. Hãy nhìn sâu vào các phòng hồi sức tích cực, ở đó không chỉ có những bệnh nhân nặng đang chiến đấu với virus SAS-CoV-2, những y bác sĩ kín bưng trong bộ đồ bảo hộ cũng đang chiến đấu, chiến đấu thật sự với bệnh tật để cứu từng sinh mạng, số phận con người.

Các nhà bán lẻ cam kết giữ giá ổn định

Đại diện Ban Quản lý hệ thống bán lẻ Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH Một thành viên (Satra) cho biết, hệ thống bán lẻ Satra vẫn đảm bảo lượng hàng hóa cung ứng cho người tiêu dùng với giá cả ổn định do liên tục đàm phán với nhà cung cấp, tìm kiếm thêm nhà cung cấp mới... Theo đại diện AEON Việt Nam, chủ động tăng trữ lượng nhập hàng từ 5 - 6 lần, nên khách hàng có thể yên tâm không cần mua tích trữ số lượng lớn. Còn hệ thống siêu thị MM Mega Market triển khai thí điểm chương trình hỗ trợ đặt hàng thực phẩm cho người dân trong khu vực cách ly y tế và phong tỏa theo những combo được chuẩn bị sẵn. Siêu thị cam kết giữ ổn định giá tất cả combo trong thời gian từ nay đến cuối tháng 7-2021.

Ngành Công thương TPHCM đang nỗ lực đưa hàng hóa tiêu dùng thiết yếu vào khu dân cư, nhất là khu vực cách ly, phong tỏa. Dự kiến sẽ có khoảng 1.000 điểm bán được mở tại hệ thống bưu điện, nhà thuốc, chuỗi cửa hàng kinh doanh... tạm thời thay thế nguồn cung đang bị đứt gãy do nhiều chợ truyền thống còn đóng cửa.

Lập biên bản một cửa hàng Bách hoá xanh bán cao hơn giá niêm yết
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang