Bị người thân "bán tên"
Tìm đến các đối tượng chính sách bị "cò" lợi dụng, chúng tôi không khỏi bất ngờ. Nhiều người cho biết họ là nạn nhân của "cò" và đề nghị pháp luật xử lý nghiêm, bởi bản thân họ không tiếp tay cho việc làm phi pháp.
Khi chúng tôi hỏi bà Lê Thị Có (82 tuổi, vợ liệt sĩ) được miễn tiền sử dụng đất hàng trăm triệu đồng, bà Huỳnh Thị Mai - Trưởng ban nhân dân ấp Láng Khoét - cho biết: "Bà Có rất hiền lành, sống một mình do con cái thay nhau chăm sóc, làm gì có tiền mua bán đất". Trao đổi với chúng tôi, bà Có khẳng định: "Tui già cả, tuổi cao sức yếu, mấy năm nay không rời khỏi nhà, lại chẳng biết chữ, thì làm sao có chuyện đi công chứng, làm thủ tục chuyển nhượng đất đai? Không ngờ cháu tui lại làm vậy!".
Bà Có là vợ liệt sĩ Trần Văn Sáng đã hy sinh trong chiến tranh vệ quốc. Bà có 4 con gái, sau khi gả chồng, bà chia hết ruộng đất trước nhà cho con, rồi sống một mình. Nghe chúng tôi hỏi hồ sơ chuyển nhượng đất, bà Có nhớ lại: Mấy năm trước có "cò" đất Võ Văn Vui tìm đến nhà hỏi "mượn tên" nhưng bà không đồng ý.
Bà nói: "Nhà tui nghèo, nhưng không đến nỗi thiếu đói. Giấy tờ tùy thân của mình đưa cho người khác, lỡ họ làm chuyện bậy bạ thì sao? Chồng tui dưới suối vàng sao yên!". Không thực hiện được ý định, Vui "lòn cửa sau" gặp anh Trần Văn H., cháu ngoại bà Có, làm thợ hồ, cuộc sống khó khăn, nên khi nghe Vui ra giá "mua trộm tên" bà ngoại 20 triệu đồng đã đồng ý. Sau đó, H. âm thầm đưa hồ sơ vợ liệt sĩ của bà ngoại cho "cò" Vui tự ý sử dụng.
Không lâu sau, có bà Nguyễn Thị Mít (SN 1946, ở xã Phước Hảo, huyện Châu Thành) hoàn toàn xa lạ bỗng "tặng" cho bà Có 300m2 đất lúa (tại ấp Tri Phong, xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành). Mảnh đất này nhanh chóng được làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng (sang thổ cư) và miễn 100% tiền thuế 432 triệu đồng. Sau đó, mảnh đất do bà Có đứng tên đã chuyển nhượng lại cho người tên Thạch Thị Thanh ở TP.Trà Vinh.
Bà Có bị người thân trộm hồ sơ bán cho "cò", dù bản thân không ký hồ sơ chuyển nhượng
Hàng xóm "cướp tên"
Tại ấp Láng Khoét, chúng tôi gặp bà Kiều Thị Chi (82 tuổi, thân nhân liệt sĩ). Bà Chi có 5 người con, 2 người đã hy sinh trong kháng chiến là Lâm Văn Thiệt (SN 1957) và Lâm Văn Đạt (SN 1959), nhưng đến nay chỉ có Lâm Văn Thiệt được công nhận liệt sĩ.
Trước đó, có người tên Trần Thị Quỳnh (SN 1984, ở TP.Trà Vinh) chuyển nhượng cho bà Chi 300m2 đất, rồi làm thủ tục lên thổ cư, được miễn giảm hàng trăm triệu đồng. Tiếp đến, bà Chi chuyển nhượng lại cho người tên Quỳnh này. Vụ việc bại lộ, bà Chi mới tá hỏa vì con cái đều có việc làm ổn định, không túng thiếu để phải làm chuyện phạm pháp. Bà Chi quả quyết bản thân bị "cướp tên": "Tui chỉ nhớ mấy năm trước, có CB xã đến nhà kêu ký tên, tui nói không biết chữ thì làm sao ký, rồi họ kêu tui lăn tay. Tui nghĩ họ làm giấy tờ cho gia đình nên đồng ý, mà họ xuống toàn những lúc con tui không có ở nhà".
Bà Chi cho biết thêm, gia đình đã nhiều lần lên xã làm hồ sơ cho con trai (Lâm Văn Đạt) được công nhận liệt sĩ, nhưng xã bảo thiếu giấy tờ chứng minh nên không được. "Người thật, giấy tờ thật thì xã không cho làm; còn chuyện đất đai, nhà tui không tham gia, chẳng đưa hồ sơ mà vẫn xong xuôi?", bà bức xúc. Trường hợp này đã được Thanh tra tỉnh Trà Vinh làm rõ, là bị các đối tượng lợi dụng chính sách để trục lợi.
Ông Huỳnh Văn Xiệu (thương binh 1/4 ở xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè) bị "cò" Đỗ Thị Cẩm (52 tuổi, ngụ xã Tân An, huyện Càng Long) "phù phép" giấy tờ thương binh của ông để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng. Vì là thương binh, ông Xiệu được miễn giảm 100% tiền chuyển mục đích sử dụng đất. Sau đó, mảnh đất đứng tên ông được chuyển nhượng theo dạng "tặng, cho" người ở cùng xã Tân An.
Thanh tra tỉnh cũng xác định phần lớn hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đều được công chứng, chứng thực tại cơ quan nhà nước là UBND các xã, phường, thị trấn... Những hồ sơ này, người chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng đều không trực tiếp ký tên vào hợp đồng hoặc không trực tiếp ký tên trước mặt công chứng viên và người chứng thực, nhưng các thủ tục vẫn diễn ra trót lọt (!).
Huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh có nhiều hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất được miễn trừ sai quy định
Và bị lạm thu
Theo kết luận thanh tra, các CB thuộc bộ phận chức năng từ xã đến huyện đều tỏ ra dễ dãi, "hào phóng" khi tham mưu, xét duyệt hồ sơ miễn, giảm thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất do "cò" mang đến nộp, còn với một số người trực tiếp làm hồ sơ lại bị lạm thu, khiếu nại cũng không được giải quyết. Điển hình là trường hợp ông Phạm Văn Xèm (69 tuổi, ngụ xã Đức Mỹ, huyện Càng Long), thương binh 3/4.
Năm 1975, ông Xèm được Nhà nước giao thửa đất 65m2 để cất nhà ở. Năm 2016, CB xã thông báo cho ông đi chuyển đổi lên đất thổ cư sẽ được giảm thuế 100% theo quy định, ông Xèm trực tiếp thực hiện. "Khi lên huyện, tôi giải thích đủ đường nhưng Chi cục Thuế nhất quyết không nghe và yêu cầu phải đóng 15,4 triệu đồng, tức chỉ giảm 70% chứ không phải 100% như quy định. Nay Thanh tra công bố tôi bị cơ quan thuế lạm thu hơn 7,7 triệu đồng, trong khi số tiền đó đối với trường hợp thương binh khó khăn như tôi không hề nhỏ", ông Xèm bức xúc.
Ông Đỗ Văn Sớm (65 tuổi, ngụ xã Châu Điền, huyện Cầu Kè) hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam, thuộc diện được miễn giảm 90% tiền thuế phải nộp khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhưng khi đi làm hồ sơ thửa đất được thừa kế có diện tích 101m2 ở khóm 8, thị trấn Cầu Kè, CB Chi cục Thuế huyện này chỉ cho giảm 80% tiền thuế. Ông Sớm nói: "Trong khi người nhiễm độc, lại bệnh tật liên miên, việc kiếm tiền rất khó khăn nên 8,4 triệu đồng (khoản bị lạm thu) không phải nhỏ. Các CB phụ trách thuế ở địa phương làm việc như vậy khiến chúng tôi buồn lắm...".
Dư luận đang chờ biện pháp xử lý của tỉnh Trà Vinh, bởi nếu CB lãnh đạo nêu cao tinh thần trách nhiệm và không tiếp tay thì sẽ không gây ra hậu quả trên làm mất lòng tin của người dân đối với công tác đền ơn đáp nghĩa.