Chấm dứt ngay nạn bạo hành tại cơ sở mầm non:

Bài 1: Kiểm soát chặt chẽ, chế tài nghiêm minh

Thứ Hai, 12/05/2025 09:06

|

(CATP) "Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan" - câu thơ chứa chan tình yêu thương của Bác Hồ đối với trẻ em, đồng thời cũng là trách nhiệm mà Bác giao cho hậu thế về việc phải quan tâm, chăm lo cho thế hệ măng non của đất nước. Thế nhưng, thực tế thời gian qua, đã xảy ra một số vụ việc trẻ em bị bạo hành ngay tại cơ sở trông giữ, gây bất bình trong dư luận quần chúng nhân dân. Bên cạnh nỗi đau về thể xác, những đứa trẻ bị bạo hành còn phải gánh chịu nỗi đau, những di chứng về tinh thần rất khó phai mờ theo thời gian.

Tình trạng trẻ em bị bạo hành trong thời gian được giao cho cơ sở trông giữ trẻ chăm sóc diễn ra dai dẳng, dù nhà chức trách, xã hội đã triển khai rất nhiều biện pháp kiểm soát, ngăn chặn. Thậm chí có trường hợp trẻ bị bạo hành dẫn đến tử vong hoặc bị thương tích nặng. Phụ huynh, người dân vừa bức xúc, phẫn nộ, vừa lo lắng. Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào hạn chế đến mức thấp nhất có thể vấn nạn này.

Nơm nớp lo khi con đến trường

Con cái là vốn quý của cha mẹ. Các bậc sinh thành luôn có thiên hướng tự mình trông nom, chăm sóc và giáo dục con. Điều này cần thiết để con có thể được trông nom, chăm sóc và giáo dục không chỉ trong những điều kiện vật chất tốt nhất theo kỳ vọng và khả năng của cha mẹ, mà trước hết và trên hết, để con có được sự yêu thương, đùm bọc của gia đình. Tuy nhiên, do còn phải vật lộn với cuộc mưu sinh, cha mẹ buộc phải giao phó việc trông nom và chăm sóc con mình cho người khác trong một khoảng thời gian nhất định. Điều cha mẹ mong muốn, khi giao con cho người khác trông giữ, chăm sóc, là con mình được trông nom, chăm sóc một cách tận tụy, chu đáo; theo thiên chức tự nhiên, cha mẹ sẵn sàng chi trả bằng tất cả khả năng cho phép để đạt được điều này.

Bởi vậy, việc trẻ bị bạo hành tại nơi được gửi để trông giữ thật sự là một cú sốc nặng đối với cha mẹ. Không những thế, việc này còn tạo tâm lý bất an trong xã hội, đặc biệt, khiến những người có con nhỏ cảm thấy không yên tâm khi buộc phải gửi con mình cho cơ sở trông giữ trẻ trong thời gian bận bịu với công việc kiếm sống.

Chủ cơ sở Mái ấm Hoa Hồng (Quận 12) bị khởi tố

Mới đây, vào ngày 11/4, mạng xã hội xôn xao clip về bạo hành tại Nhà trẻ Con Cưng ở xã Quế Mỹ (huyện Quế Sơn, Quảng Nam) hai cháu bé đã bị cô túm chân lên đánh, nhét cây gỗ vào miệng. Theo đó, các đoạn clip lúc 11 giờ 55 cùng ngày ghi lại cảnh một nhóm trẻ đang nằm ngủ. Một người phụ nữ đã đi đến túm chân một cháu bé đang nằm và dùng một vật giống cây gỗ đánh vào hai chân nhiều cái khiến cháu bé khóc thét lên. Sau đó, người phụ nữ quay qua những cháu bé đang nằm ngủ phía sau và tiếp tục túm hai chân một cháu bé khác, cũng dùng cây gỗ đánh vào hai bàn chân cháu này. Người phụ nữ sau đó tiếp tục dùng cây gỗ nhét vào miệng cháu bé trong lúc cháu cũng đang khóc. Vụ việc sau đó được người dân trình báo đến chính quyền địa phương và cơ quan Công an để xử lý. Cơ sở trông giữ này hiện đã phải đóng cửa, đối tượng thực hiện hành vi bạo hành trẻ đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

Trước đó, vào đầu tháng 12/2024, mạng xã hội cũng dậy sóng với clip một vụ bạo hành xảy ra tại cơ sở trông giữ trẻ tư thục trên đường Lê Lợi (Phường 7, TP.Vũng Tàu). Theo đó, người phụ nữ tại cơ sở này liên tục tát, dùng điều khiển tivi đánh vào mặt và bịt mũi một bé gái khoảng 2 tuổi trong lúc cho bé ăn cháo. Cháu bé hoảng sợ, khóc thét, nhưng người phụ nữ không dỗ nín mà vẫn liên tục đút cháo vào miệng, vừa đút cháo vừa nắm đầu và tát vào mặt cháu bé. Đoạn clip cũng ghi lại cảnh lúc cháu bé nằm, cháo trong miệng trào ra, người phụ nữ lấy khăn lau rồi tát vào mặt cháu bé. Xung quanh đó là các cháu bé khác đang ngồi. Ngoài ra, người phụ nữ này còn nắm đầu cháu bé liên tục lắc, có lúc lấy remote tivi đánh vào miệng cháu bé...

Bảo mẫu dùng cây gỗ đánh vào chân trẻ

Tháng 01/2025, Cơ quan điều tra Công an TPHCM đã khởi tố 4 bị can là nhân công làm việc tại cơ sở mầm non Mái ấm Hoa Hồng (tại Quận 12, TPHCM), trong đó có chủ cơ sở là Giáp Thị Sông Hương (SN 1974, ngụ Q.Gò Vấp). Đây là những đối tượng đã liên tục thực hiện các hành vi bạo hành nhiều trẻ tại cơ sở và bị người dân phát hiện, tố cáo sự việc đến cơ quan Công an.

Cần mạng lưới bảo trợ toàn diện

Xây dựng mạng lưới trông giữ trẻ, nói chung mạng lưới giáo dục mầm non, mẫu giáo an toàn và có chất lượng là tối cần thiết, đồng thời là vấn đề cấp bách mà nhà chức trách, xã hội phải khẩn trương giải quyết.

Song, điều chắc chắn là không thể chỉ trông cậy vào ý thức trách nhiệm, ý thức tự giác, lòng nhân hậu của con người để triển khai dịch vụ trông giữ trẻ có chất lượng. Cần đặt mạng lưới trông giữ trẻ dưới sự quản lý nghiêm ngặt của Nhà nước; có các biện pháp kiểm soát, giám sát chặt chẽ và hệ thống xử lý vi phạm, chế tài thật nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm.

Trước hết, giáo dục mầm non và mẫu giáo nên được đặt dưới sự bảo trợ toàn diện của Nhà nước. Tất cả các cơ sở giáo dục ở bậc này đều được tổ chức và hoạt động dưới danh nghĩa Nhà nước. Chuẩn cơ sở, từ điều kiện vật chất, con người cho đến quy trình trông giữ, chăm sóc trẻ do Nhà nước ban hành và đảm bảo thực hiện bằng ngân sách Nhà nước. Dù chưa phải là nước giàu, Việt Nam hiện có đủ khả năng thực hiện điều này. Quyết định miễn phí đối với giáo dục phổ thông do Bộ Chính trị đưa ra và sẽ được áp dụng từ năm học 2025 - 2026 là sự khẳng định khả năng này.

Người phụ nữ liên tục tát, dùng điều khiển tivi đánh vào mặt và bịt mũi bé gái 2 tuổi

Riêng đối với giáo dục mầm non, mẫu giáo, thì không chỉ miễn phí mà cần triển khai một mạng lưới dịch vụ giáo dục có chất lượng cao, bảo đảm sự trông giữ, chăm sóc giáo dục đạt chuẩn của các quốc gia tiên tiến. Một mặt, cần tổ chức các điểm trường mầm non, mẫu giáo rộng khắp trên phạm vi cả nước, cho phép trẻ em dù sống ở thành thị hay nông thôn, miền xuôi hay miền cao, thuộc gia đình giàu hay nghèo, nam hay nữ, đều có điều kiện đến trường. Mặt khác, chỉ những cơ sở đủ điều kiện vật chất, những con người đủ điều kiện về chuyên môn và phẩm chất mới được phép thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ giáo dục mầm non và mẫu giáo. Người thực hiện dịch vụ giáo dục mầm non, mẫu giáo được trả phụ cấp xác định cho loại dịch vụ này. Đây được coi là dịch vụ đặc biệt và được tính thù lao ở mức cao, có tác dụng động viên, khuyến khích con người thực hiện phận sự một cách mẫn cán và với tinh thần trách nhiệm cao.

Tư nhân có thể tham gia vào việc cung ứng loại dịch vụ này thông qua đấu thầu và với điều kiện bổ sung các dịch vụ có giá trị gia tăng so với mặt bằng chung và chỉ được thu lợi nhuận từ việc đầu tư cho các dịch vụ giá trị gia tăng, được đăng ký và đảm bảo thực hiện. Tư nhân phải chứng minh được khả năng cung ứng dịch vụ trông giữ, chăm sóc trẻ và chịu sự kiểm tra, giám sát thường xuyên của cơ quan chức năng.

Người dân được thụ hưởng miễn phí chế độ giáo dục mầm non và mẫu giáo thực hiện theo mặt bằng chung và chỉ phải chi trả cho các dịch vụ giá trị gia tăng. Việc chi trả của phụ huynh được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giao kết giữa phụ huynh và nhà trường với nội dung cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ. Phụ huynh tuyệt đối không có nghĩa vụ chi trả cho nhà trường một đồng nào ngoài các nghĩa vụ được ghi nhận trong hợp đồng. Mọi hành vi vòi vĩnh đều phải bị xử lý thật nghiêm, thậm chí về mặt hình sự, theo tội danh cưỡng đoạt tài sản.

Trách nhiệm trông giữ, chăm sóc trẻ được bảo đảm thực hiện bằng luật hình sự, tương ứng với chế độ đãi ngộ vật chất đặc biệt được áp dụng đối với người tham gia hoạt động dịch vụ loại này. Trong trường hợp trẻ bị bạo hành, cá nhân có hành vi bạo hành và người đứng đầu cơ sở phải bị xử lý, tùy trường hợp, vào các tội danh thích ứng, như hành hạ người khác, cố ý gây thương tích hoặc giết người. Việc xử lý hình sự được thực hiện ngay trong trường hợp vi phạm lần đầu. Bên cạnh trách nhiệm hình sự, người trực tiếp thực hiện hành vi bạo hành, người đứng đầu cơ sở và cả pháp nhân cơ sở giáo dục cùng với nhà đầu tư, nếu có, phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thỏa đáng các thiệt hại về mặt dân sự cho nạn nhân và gia đình.

Trên hết, phải thường xuyên giáo dục con người, bao gồm người trực tiếp thực hiện dịch vụ trông giữ trẻ, về lòng nhân ái, ý thức trách nhiệm đối với sự khỏe mạnh, an toàn và sự phát triển bình thường của trẻ em, là việc cần làm. Mỗi người phải thấm nhuần nhận thức. Theo đó, một khi trẻ em có điều kiện phát triển tốt cả về thể chất và tinh thần, thì xã hội tương lai sẽ có được những rường cột vững chắc. Thế hệ trẻ được chăm sóc, đào tạo tốt sẽ trở thành lực lượng nòng cốt trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Những người đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc gầy dựng những rường cột ấy, khi đến lượt mình, phải lui ra sau để nhường sân chơi cho lớp trẻ, sẽ có thể an hưởng cuộc sống hạnh phúc và sung túc.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang