Những ý kiến trái chiều
Ngày 14/8/2023, tại phiên họp giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và SGK, Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ đã đề nghị đánh giá kỹ hơn chủ trương một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa (SGK).
Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của QH, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH, đánh giá việc Bộ GD-ĐT không tổ chức biên soạn được một bộ SGK, hoàn toàn phụ thuộc vào xã hội hóa biên soạn SGK là chưa phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước. Việc này cũng gây lúng túng cho địa phương, phụ huynh, HS trong việc chọn SGK.
Ông Nguyễn Đắc Vinh khẳng định: "Nhà nước cần giữ vai trò chủ đạo trong biên soạn SGK" là kiến nghị trên cơ sở nghiên cứu thấu đáo, kỹ lưỡng, thận trọng, lắng nghe đa số từ thực tiễn của Đoàn giám sát.
Cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và phát triển sách giáo khoa điện tử tại trường học
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của QH, bà Nguyễn Thị Tuyết Nga cũng cho rằng, thực tiễn qua giám sát cho thấy, việc Bộ GD-ĐT không tổ chức biên soạn được một bộ SGK đã gây ra nhiều tác động tiêu cực, ảnh hưởng tới trách nhiệm Nhà nước trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho rằng, đây không phải vấn đề kỹ thuật hay vấn đề quản lý, mà liên quan tới tinh thần cốt lõi của đổi mới. Bộ đang ra sức hướng dẫn, điều chỉnh, yêu cầu giáo viên thay đổi quan niệm về SGK, thay đổi cách mà giáo viên sử dụng SGK và coi đó là trọng tâm của đổi mới phương pháp dạy học. Việc này không chỉ ảnh hưởng lớn tới chủ trương xã hội hóa trong việc biên soạn và phát hành SGK, mà còn hệ trọng hơn, nó có thể tác động tới tinh thần đổi mới giáo dục mà toàn ngành đang thực hiện.
Nếu lo lắng về an toàn, an ninh SGK, theo Bộ trưởng Sơn, điều này cũng không thành vấn đề, vì NXB Giáo dục Việt Nam đang nắm bản quyền 2 bộ SGK. Sách cho các lớp 5-9-12 là những bộ sách cuối cùng cũng đã soạn xong và đang thẩm định... Bộ trưởng cho biết thêm: "Điều này cũng rất khác với nội dung Nghị quyết 122/2020 cho phép Bộ GD-ĐT chỉ tổ chức biên soạn khi không có tổ chức và cá nhân nào biên soạn". Bộ trưởng Sơn cũng kiến nghị nên có nghị quyết riêng để thúc đẩy đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, đến tháng 9/2023, Nghị quyết giám sát chuyên đề của UBTVQH về đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông được Chủ tịch QH Vương Đình Huệ ký ban hành. Tại Nghị quyết này, UBTVQH đánh giá việc biên soạn, thực nghiệm, thẩm định SGK còn nhiều bất cập. Cụ thể, Bộ GD-ĐT không tổ chức biên soạn được một bộ SGK theo quy định của Nghị quyết số 88 năm 2014 của QH khóa XIII; chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm Nhà nước, nhất là việc quản lý, cập nhật, phát triển nội dung giáo dục phổ thông.
Thực ra, có thể đây là vấn đề hiểu Nghị quyết 122/2020 và Nghị quyết 88/2014. Nghị quyết 88 cho phép thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK và có một số SGK cho mỗi môn học; Nghị quyết 122/2020 khẳng định: "Khi thực hiện biên soạn SGK theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một SGK được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục thì không triển khai biên soạn SGK sử dụng ngân sách Nhà nước của môn học đó".
Cử tri cho rằng, SGK đang lãng phí, giá cả tăng 2 - 4 lần so với SGK cũ, có bộ sách dùng 1 lần rồi bỏ. Có ý kiến bày tỏ: Nhiều SGK thiết kế kiểu các bài tập tự luận, trắc nghiệm, khi làm bài HS phải làm trực tiếp vào SGK nên sẽ không dùng lại được. Có người cho rằng, đây chính là "tiểu xảo" để mỗi năm học sinh phải mua sách mới, làm giàu cho các NXB... Từ đó, có nhiều ý kiến ủng hộ Bộ GD-ĐT xây dựng một bộ SGK chuẩn duy nhất để dùng chung cho cả nước.
Ảnh chụp một cuốn SGK kỹ thuật số được trưng bày tại một hội chợ giáo dục ở Seoul, Hàn Quốc Ảnh: Yonhap
Cần mạnh dạn đổi mới để phát triển
Cử tri và phụ huynh mong muốn có một bộ SGK ổn định. Nhưng điều này có vẻ khó vì thời đại công nghiệp 4.0, khoa học và công nghệ thay đổi từng ngày, SGK cũng phải cập nhật là tất yếu. Có ý kiến cho rằng: "Bộ GD-ĐT nên dùng ngân sách mua bản quyền mua bộ SGK tốt nhất để dạy chung trên cả nước. Hàng năm, Bộ GD-ĐT có thể cho tổ chức đấu thầu, NXB nào chào thầu thấp sẽ được in và phát hành. Làm như vậy giá thành SGK sẽ thấp nhất".
Một ý kiến khác đề nghị, cách tốt nhất là Bộ GD-ĐT nên biên soạn một bộ SGK điện tử, sau đó công bố rộng rãi trên mạng cả bản pdf và bản word (có thể điều chỉnh được). Với bản điện tử như vậy, học sinh, phụ huynh có thể sử dụng với chi phí rẻ hơn nhiều. Những người chủ biên cũng dễ dàng cập nhật, bổ sung các vấn đề mới phát sinh trong đời sống, xã hội, khoa học... Phương thức này sẽ làm đa dạng việc sử dụng SGK phù hợp với xu thế của thế giới, phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số Chính phủ, tiết kiệm kinh phí, ngân sách cho phụ huynh. Đặc biệt, với bản SGK điện tử, có thể dễ dàng cập nhật kiến thức khi mà ở thời đại công nghiệp 4.0 khoa học thay đổi từng ngày.
Một thuận lợi khác, hiện NXB Giáo dục Việt Nam, doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đang nắm bản quyền 2 bộ SGK, là điều kiện thuận lợi để tiến hành tổ chức một hay nhiều bộ SGK điện tử. Phụ huynh HS được toàn quyền lựa chọn và sử dụng sách bản giấy, bản điện tử một cách phù hợp, tiết kiệm.
SGK điện tử dùng song song với SGK truyền thống, đã và đang được nhiều quốc gia chủ trương phát triển trong hoạt động dạy và học, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đang được triển khai ở Hàn Quốc, Nhật Bản, thậm chí ở Campuchia.
Tại Hàn Quốc, bắt đầu từ năm 2025, SGK kỹ thuật số dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ được giới thiệu, ứng dụng tại các trường tiểu học và trung học. Cách thức hoạt động của loại SGK số này cũng như các công cụ giáo dục AI khác đang được nhiều tập đoàn công nghệ Hàn Quốc, gồm LG và Samsung phát triển. Chính phủ Hàn Quốc sẽ đầu tư 70 triệu USD (khoảng 1.730 tỷ đồng) để cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và phát triển sách giáo khoa kỹ thuật số tại các trường công lập, nhằm khởi động việc dạy và học AI. Trong năm 2024, sẽ cung cấp tổng cộng 60 tỷ won cho 6.000 trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên toàn quốc để cải thiện điều kiện mạng, đặc biệt chú trọng cải thiện tốc độ Internet và truy cập mạng.
Nhật Bản đã đưa SGK điện tử môn tiếng Anh cho học sinh lớp 5, lớp 6 và học sinh trung học cơ sở, sau đó sẽ đưa vào sử dụng sách điện tử môn Toán sớm nhất từ năm 2025. Mỗi học sinh tiểu học và trung học cơ sở được cấp một chiếc máy tính phục vụ học tập.
Tại Campuchia, theo tờ Khmer Times, Bộ GD nước này cho biết sẽ triển khai sách giáo khoa kỹ thuật số đối với một số trường học trên cả nước từ năm 2025. Đầu năm học 2024, Bộ GD Campuchia đã cho triển khai chương trình trường học kỹ thuật số, một nền tảng học trực tuyến với chức năng hỗ trợ chương trình giáo dục chính thức. Nền tảng này hiện đã thu hút khoảng 90.000 người dùng ở mọi cấp học, với nguồn tài liệu gần 2.000 sách giáo khoa điện tử trực tuyến.
Tuy nhiên, vẫn có những tranh cãi về SGK điện tử. Như ở Hàn Quốc, đã bị phản ứng từ phụ huynh và giới học giả, vì lo ngại cho sức khỏe tổng thể của học sinh khi tiếp xúc nhiều với các thiết bị số. Tranh cãi về SGK truyền thống, SGK điện tử không chỉ ở nước ta mà các nước khác cũng gặp phải. Song, phải khẳng định rằng, một chương trình nhiều bộ SGK là hướng đi đúng và khoa học. Vấn đề còn lại là giá SGK phải phù hợp túi tiền phụ huynh, giữ được an ninh SGK và phải thực hiện đúng theo Luật Giáo dục 2019.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, sau khi kết thúc chu trình thay SGK, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức tổng kết việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ đề xuất phương án trình QH về việc có biên soạn một bộ SGK của Nhà nước hay không.
Báo cáo dài gần 100 trang về chính sách SGK tại châu Á do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố năm 2018 có riêng một phần với tựa đề: "Các hệ thống nhiều bộ SGK: bước tiến vĩ đại" (Multiple-textbook systems: the great leap).
Báo cáo dẫn các kết quả từ Chương trình đánh giá học sinh quốc tế vốn đã được biết tới từ lâu của OECD cho thấy việc các trường được tự chủ trong nội dung giảng dạy, phương thức đánh giá cũng như loại SGK muốn dùng có liên quan tích cực tới chất lượng tổng thể đào tạo.
Mục đích của việc dùng nhiều bộ SGK cũng nhằm phá bỏ mối quan hệ "mặc định" thường có ở việc chỉ có một bộ SGK, về mối quan hệ giữa SGK và các kỳ thi, giúp giáo viên tập trung hơn vào nội dung giảng dạy thay vì chỉ lo chạy cho hết chương trình trong sách để phục vụ thi cử. Việc dùng nhiều bộ SGK cũng nhằm khai thác lợi thế từ kiến thức, kinh nghiệm của các NXB và thông qua cạnh tranh, kỳ vọng SGK có thêm nhiều cải tiến về chất lượng.
(CATP) Sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới giá vẫn cao, tiếp tục là gánh nặng với phụ huynh. Gần đây, cử tri tiếp tục đề nghị xem lại chủ trương 1 chương trình nhưng sử dụng nhiều bộ sách khác nhau. Thậm chí, trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều ý kiến bình luận xoay quanh xu hướng này. Đây là thời điểm cần nhìn nhận lại vấn đề sử dụng sách giáo khoa làm sao để vừa đúng luật, vừa bảo đảm tinh thần cốt lõi của đổi mới giáo dục?