Có được một căn hộ tại TP lớn là ước mơ của rất nhiều người lao động. Một đôi vợ chồng trẻ làm công ăn lương, nếu muốn tậu được một căn CC, ngoài việc phải chật vật ki cóp, còn phải vay thêm tiền ngân hàng và oằn lưng trả nợ đến tận chục năm sau. Thế mới thấy, ước mơ có được một mái ấm nhỏ bé cỡ chừng 50 - 70m2 ở TP, nghe đơn giản lại chẳng giản đơn chút nào! Vậy mà có những người khi chưa kịp chạm tay tới giấc mơ đẹp thì ác mộng đã ập đến.
Những cư dân chọn sai tổ ấm
Tình cảnh mà các cư dân (CD) mua căn hộ tại tòa nhà Labonita (đường Nguyễn Gia Trí, P25, Q.Bình Thạnh) đang gặp phải, một căn hộ nhưng lại bị chủ đầu tư (CĐT) rao bán cho nhiều người, là ví dụ điển hình. Công ty Nam Thị do Vũ Bảo Trinh làm chủ, tiến hành xây dựng CC này vào năm 2010.
Hàng chục nạn nhân “ôm hận” vì chung cư Labonit
Chính Trinh là người trực tiếp chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của Công ty Nam Thị cũng như quyết định giao dịch mua bán các căn hộ. Từ năm 2014, Trinh đã cấu kết cùng các đồng bọn ký kết hợp đồng bán trùng căn hộ cho nhiều người.
Thủ đoạn các bị can sử dụng là thay đổi tên, ký hiệu căn hộ; thay đổi chủ sở hữu, người đại diện doanh nghiệp... khiến khách hàng lầm tưởng mua căn hộ thật. Theo kết quả điều tra, có tổng cộng 30 căn hộ được các đối tượng ký trùng hợp đồng bán cho 72 người, lừa đảo chiếm đoạt tài sản tổng cộng hơn 267 tỷ đồng.
Vũ Bảo Trinh - Ảnh: Ngọc Anh
Nhưng câu chuyện không chỉ nằm ở phạm vi lọc lừa. Từ ngày Vũ Bảo Trinh và đồng bọn bị bắt, hàng loạt vụ tranh chấp có sử dụng đến giang hồ xảy ra liên miên ở CC Labonita.
Theo đó, 72 người cùng là nạn nhân, cùng chung cảnh bị lừa, nay phải đành phải tranh giành với nhau 30 căn hộ. Xem như ai “chịu trận” giỏi hơn là họ có quyền được ở lại cư trú.
Dù gì thì đến nay số phận của những người dân trót đổ cả vài tỷ đồng mua căn hộ và chính cả số phận của CC tai tiếng này vẫn chưa được phán quyết. Và cứ thế, những CD ngày nào còn mơ về một căn hộ của tương lai, giờ hối hận muộn màng vì lỡ chọn sai tổ ấm.
Khi Ban quản trị bị “hành”
Hiện nay, không ít CĐT bày ra chiêu lừa theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó” hoặc CD bị Ban quản trị (BQT), Ban quản lý (BQL) áp đặt nhiều cách điều hành vô lý, gây bức xúc. Tuy nhiên, thực tế cũng có những CC mà BQT, BQL suốt ngày phải “ù đầu nhức óc” đi xử lý sự cố, vì một số người dân kiếm chuyện theo cách… chẳng giống ai!
Bên trong các chung cư hiện đại luôn tồn tại những “khoảng tối” ít được nói ra
Clip mới đây xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy cảnh Trưởng BQL CC New Saigon (H.Nhà Bè) cùng một số người khác đứng tranh cãi trong trạng thái thiếu kiểm soát với một CD. Anh Lý Công Bình (Trưởng BQL CC New Saigon – người xuất hiện trong clip nêu trên) cho biết, anh mới nhận vị trí này khoản một tháng nay, nhưng phần nào hiểu được vì sao các trưởng BQL cũ lại xin chuyển công tác liên tục.
"Cư dân này còn hung hăng đập con chuột máy tính trong phòng làm việc của tôi. Sau đó, thêm một lần người này gây chuyện tương tự như vậy nữa tại phòng giám sát camera, tôi mới đến nói chuyện với bà ấy ngoài giờ làm việc, với tư cách cá nhân với nhau” – anh Bình nói về clip phát tán trên mạng và thừa nhận việc bản thân vì bức xúc trước thái độ của CD mà gây ra tranh cãi là thiếu sót. Nhưng thật lòng, BQL hay BQT cũng là con người nên đều có cảm xúc và cần được sự tôn trọng trong công việc.
“BQL không làm được thì dẹp đi! Đập thì tôi bỏ tiền đền thôi. Làm gì phải xin lỗi!” – cư dân Ngô Thị L. tay chống nạnh, thách thức khi BQL yêu cầu nên tôn trọng nhau trong hành xử, nội dung trong clip do camera an ninh ghi lại thể hiện như vậy.
Cuộc sống người dân tại một số chung cư bị đảo lộn chỉ vì những cách hành xử kém văn minh
Theo anh Bình, trước khi anh có cuộc cãi vã với bà Ngô Thị L. (người sống tại CC) thì có đến 2 lần bà này tự ý xông vào phòng làm việc của anh lên giọng “chất vấn” BQL với những lời lẽ thiếu tôn trọng. “Trong ngày 26-4, bà L. xông vào phòng làm việc của tôi, đưa ra những câu chuyện không có cơ sở.
Vụ của bà L. có lẽ chỉ là một trong rất nhiều lần những người quản lý CC này phải vất vả chống đỡ với nhóm thiểu số CD chuyên đi “chất vấn” về đủ thứ chuyện chuyện. Đã có những dấu hiệu vi phạm pháp luật được BQT CC này gửi đến cơ quan công an. Trước đó, vào tháng 8-2019, Báo Công an TPHCM đã có bài viết thông tin về vụ Trưởng BQT CC New Saigon Đinh Duy Linh và nhiều cư dân khác liên tục bị nhóm ông Đặng Xuân H quấy phá, hành hung…. khiến gia đình anh sống trong cảnh hoang mang.
Chưa dừng lại, ông này còn liên tục đăng tải trên mạng xã hội, giăng băng-rôn tại CC những thông tin, lời lẽ xúc phạm thiếu căn cứ khiến anh Linh bị ảnh hưởng rất lớn đến công việc và danh dự. Đỉnh diểm của màn “đại náo” vẫn là việc ông H tự ý đập phá, tháo dỡ tài sản của CC là camera an ninh. Sự việc này đã được phía CC trình báo Công an huyện Nhà Bè và đơn vị vẫn đang thụ lý điều tra tin báo của người dân.
CC New Saigon có đến 5.000 hộ dân, hiện đã có BQT do cư dân bầu lên. Về nguyên tắc hoạt động, BQT sẽ thuê một công ty chuyên môn từ bên ngoài vào làm BQL, thực hiện việc các công tác như: bảo vệ an ninh, trật tự, vận hành các hoạt động chung của CC.
Trao đổi với phóng viên Báo Công an TPHCM, một thành viên BQT CC New Saigon cho biết, trên thực tế mức phí mà phía công ty thực hiện việc quản lý CC này thu của các hộ dân là 3.500 đồng/m2/tháng. Đây là mức phí được cho là thấp so với mặt bằng của các chung cư tại TPHCM hiện tại.
Tính bình quân, mỗi tháng CD chỉ đóng khoảng 300.000 đồng, trong khi đó được phía công ty quản lý cung cấp các dịch vụ bảo vệ, giữ xe, an ninh trật tự cùng các dịch vụ khác…
Mâu thuẫn giữa CD với CĐT hay với BQL là câu chuyện muôn thuở ở các CC. Có những nơi, CD do chưa đủ thời gian, pháp lý để bầu ra được BQT nên bị CĐT “ép cho ra bã”, xâm phạm rất lớn đến quyền lợi chính đáng. Cũng có những nơi, dù bầu được BQT rồi nhưng do nội bộ không đoàn kết; hoặc BQT hoạt động không vì cái chung của tập thể CD, dẫn đến chuyện hục hặc, tranh chấp xảy ra “như cơm bữa”.
Và cũng có những nơi luôn xuất hiện bóng dáng của những CD “khó ở”. Từ chuyện hóa đơn điện nước đến sinh hoạt hàng ngày, hay ngược ngạo hơn là chuyện CD này không thích CD kia, cũng lôi “ông” quản lý vô đè đầu “đổ vạ” (?).
Việc quản lý cả một CC với con số hàng ngàn đến hàng chục ngàn hộ dân, cũng như “làm dâu trăm họ”, sao có thể tránh được những chuyện “dở khóc dở cười”? Nhưng suy cho cùng, tại anh hay tại ả thì cái kết cũng thiệt cả đôi đường.
Khi đã chấp nhận một môi trường sống đòi hỏi ý thức cộng đồng rất cao như ở CC, thì miễn làm sao để dung hòa mọi khúc mắc vẫn là phương pháp giải quyết vấn đề tối ưu nhất. Lý thường, quyền lợi khi được cất lên bằng sự tôn trọng, trên tinh thần xây dựng và đúng pháp luật thì tất nhiên sẽ hạn chế được chuyện phức tạp, lùm xùm không đáng có.
(Còn tiếp...)