Hiện các tuyến đê sông từ cấp III trở lên vẫn đảm bảo an toàn chống lũ

Thứ Năm, 12/09/2024 14:19  | Thanh Hòa

|

(CAO) Hiện nay, nhiều đối tượng đã đưa tin sai sự thật nhằm câu view hoặc thực hiện các mục đích cá nhân gây nhiễu loạn thông tin, có thể gây hoang mang trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến công tác phòng chống bão lụt.

Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai quốc gia cho biết, hiện nay, mực nước trên nhiều tuyến sông có đê đã vượt báo động 3 (BĐ3), đặc biệt trên sông Thao thuộc tỉnh Yên Bái, Phú Thọ đã vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1971 trên 1m.

Hệ thống đê đã phát sinh nhiều sự cố như đùn sủi, thẩm lậu, sạt lở đê, sự cố cống, tràn một số tuyến đê cấp IV, cấp V, đê bao, đê bối,... Các địa phương đã thực hiện nghiêm túc công tác tuần tra canh gác, phát hiện và xử lý ngay giờ đầu nên đến nay các tuyến đê sông từ cấp III trở lên vẫn đảm bảo an toàn chống lũ.

Theo báo cáo và thông tin từ Chi cục Quản lý đê điều &PCLB/Thủy lợi, tính cuối ngày 11/9, đã xảy ra 70 sự cố đê điều (tăng 45 sự cố so với ngày 10/9) trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố Tuyên Quang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Hà Nam và Nam Định.

Đại tá Phạm Thanh Hùng- Phó Giám đốc CATP Hà Nội thị sát tại đê thôn Kim Tiên, xã Xuân Nộn, Đông Anh, Hà Nội ngày 11/9

Trong đó, có 30 sự cố xảy ra trên các tuyến đê từ cấp III trở lên: 10 sự cố sạt lở đê (Bắc Ninh 01, Hải Dương 02, Hưng Yên 02, Hà Nội 02, Nam Định 01, Hà Nam 02); 09 sự cố cống qua đê (Vĩnh Phúc 01, Bắc Ninh 02, Bắc Giang 01, Hải Dương 01, Nam Định 04); 01 sự cố đùn sủi (Bắc Giang); 04 sự cố lỗ rò thân đê (Bắc Ninh 02, Hải Dương 02); 05 sự cố thẩm lậu (Nam Định 03, Hưng yên 02); 01 sự cố sạt lở kè (Hà Nội).

 40 sự cố xảy ra trên các tuyến đê dưới cấp III: 01 sự cố vỡ đê (Tuyên Quang); 24 sự cố tràn đê (Thái Nguyên 01, Phú Thọ 02, Bắc Ninh 02, Bắc Giang 04, Hà Nội 01, Hưng Yên 02, Hà Nam 03, Nam Định 09); 04 sự cố sạt lở đê (Hải Dương 01, Hưng Yên 02, Hà Nam 01); 08 sự cố cống qua đê (Hải Dương 04, Hà Nam 1, Nam Định 03); 01 sự cố lỗ rò thân đê (Hải Dương); 02 sự cố đùn sủi (Tuyên Quang 01, Hà Nam 01).

Lợi dụng vào tình hình này, nhiều đối tượng đã đưa tin sai sự thật nhằm câu view hoặc thực hiện các mục đích cá nhân gây nhiễu loạn thông tin, có thể gây hoang mang trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến công tác phòng chống bão lụt.

Công an tỉnh Hải Dương làm việc với đối tượng đăng tải thông tin vỡ đê sai sự thật lên mạng xã hội

Theo quy định của pháp luật, trường hợp hành vi đưa thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội khiến cho người dân lo lắng mà phải di chuyển chỗ ở hoặc phải tốn kém chi phí để thực hiện các giải pháp ứng phó không cần thiết, gây ra dư luận xấu thì có thể xem xét xử lý hình sự.

Trong trường hợp hành vi được xác định là chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội, chưa gây ra những hậu quả xấu cho xã hội thì người đưa thông tin sai sự thật này sẽ bị phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điều 101 nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện với mức phạt từ 5 đến 10 triệu đồng với cá nhân và sẽ gấp hai lần đối với tổ chức.

Bình luận (0)

Lên đầu trang