Hơn 20 năm làm nghề sửa giày bên góc phố

Thứ Hai, 18/01/2016 07:36

|

(CAO) Tay cầm chiếc kim dài và nhọn, những người sửa giày cặm cụi dùng sức mình đâm những đường kim mũi chỉ khâu đôi giày bị bong đế. Qua bàn tay tỉ mỉ của người thợ, chẳng mấy chốc đôi giày hư đã lành lặn trở lại.

Không cần bảng hiệu, không cần lời rao, những người sửa giày chỉ cần một góc vỉa hè nhỏ, những đôi giày tượng trưng là đủ để mọi người nhận ra.

Con cái được ăn học đàng hoàng nhờ nghề sửa giày

Chúng tôi tìm đến đường Phan Bội Châu, người dân ở đây ai cũng biết bác Thạch Văn Giao (58 tuổi). Bác Giao làm nghề sửa giày đã được 23 năm, đều đặn trời nắng như trời mưa, bác đều dọn hàng một bên chùa Từ Đàm.

Bác Giao đang sửa giày cho khách

“Nhà bác ở đường Lê Đình Thám, đều đặn ngày nào bác cũng mở hàng lúc 8 giờ sáng đến 7 giờ tối thì dọn hàng”, bác Giao mở đầu cuộc trò chuyện.

“Giá mỗi đôi giày dao động từ 7.000 nghìn đồng đến 40.000 nghìn đồng tùy vào tình trạng cần sửa. Giày nam sửa lâu hơn giày nữ, giày nữ chỉ mất 20 phút là xong, giày nam thì cần gấp đôi, 40 phút”, bác Giao vừa khâu mũi giày vừa nói.

Bác bảo giày nữ nhiều hơn giày nam, “cứ 10 đôi giày là hết 7 đôi của nữ rồi”.

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với bác Giao bị gián đoạn khá nhiều bởi đông người đến nhờ bác sửa giày, đôi thì dán đế, đôi thì may lại quai,…

“Nghề này do cha ông truyền lại, đáng tiếc con bác không muốn theo nghề của bác”, bác cho biết.

“Nghề sửa giày nói vậy chứ vất vả lắm, làm liên tục, có khi gấp quá mà kim đâm vào tay. Chính vì đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ và kiên nhẫn nên rất ít người muốn theo nghề này”, bác Giao tâm sự.

Theo quan sát của chúng tôi, dụng cụ làm nghề sửa giày gồm có: kéo, kim chỉ, keo, giấy nhám, xi giày, tuốc vít, dao, kềm,… Nhìn tay bác thoăn thoắt chúng tôi hiểu bác Giao đã thuộc lòng từng đường kim mũi chỉ, nhanh nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Thu nhập trung bình của bác từ 200.000 nghìn đồng đến 250.000 nghìn đồng/ ngày.

Dụng cụ những người làm giày

Nhờ nghề sửa giày này mà con cái của bác Giao được ăn học đàng hoàng. “Muốn có người học nghề này lắm, nhưng chắc sau này không có ai muốn làm quá, vất vả, khó khăn, nhẫn nại nữa. Nếu vậy sau này bác có tuổi thì nghề này xem như không ai làm ở đây (đường Phan Bội Châu) nữa rồi”, giọng bác Giao chùng xuống.

“Làm cái nghề này là cẩn thận và chịu khó, mỗi lần sửa xong khách họ lấy, thấy nét mặt hài lòng thì bác vui lắm. Có như vậy lần sau họ mới an tâm đến chỗ mình để sửa tiếp chứ”, bác Giao vui vẻ nói.

Tìm người để truyền nghề

Tạm biệt bác Giao, chúng tôi tìm đến đường Đặng Thái Thân, ở đây có chú Đoàn Thiện (52 tuổi) làm nghề sửa giày gần trường Tiểu học Thuận Hòa.

Chú Thiện đang sửa giày cho khách

“Lúc trước chú làm nghề dán áo mưa, sau này thấy người bạn làm nghề sửa giày, rủ mình làm luôn và đam mê từ lúc ấy đến giờ như cháu thấy đấy. Mới đó mà đã được 20 năm”, chú Thiện cho biết.

Theo chú nghề này không có gì là khó, chỉ cần chăm chỉ và chịu khó là làm được.Thường thì công đoạn sửa giày theo các bước: Lau qua giày, bôi keo dán, chờ keo khô, lau sạch giày. Đó là các bước đơn giản, còn phức tạp thì rất nhiều công đoạn.

Ngoài sửa giày, chú Thiện còn sửa cả túi xách nữa. “Mình đến sửa đồ ở chú Thiện cũng lâu rồi, giá cả phải chăng, sửa chất lượng, khi nào đến sửa đều nhanh và chú nhiệt tình nữa”, chị Hà, khách hàng của chú Thiện cho biết.

Chú mở hàng từ lúc 8 giờ sáng đến 6 giờ tối thì nghỉ. “Những ngày mưa to thì đành nghỉ, những lúc như vậy ở nhà buồn lắm, làm mãi rồi nên nhớ nghề”, chú Thiện chia sẻ.

“Nghề này lúc mới vào làm cũng vất vả lắm, chịu khó nhiều, nhưng vì mưu sinh và để có tiền cho con cái ăn học nên chú quyết tâm. Sau này xem như là cái duyên gắn bó với nghề nên không từ bỏ”, chú Thiện tâm sự.

Theo chúng tôi tìm hiểu thì chú Thiện cũng như bác Giao đang tìm người để truyền nghề bởi con cái không muốn làm nghề này. “Nhìn vất vả quá mà, với lại con cái được ăn học đàng hoàng nên để ra đây làm việc này thì cúng tiếc. Có công việc phù hợp sẽ tốt hơn cho tương lai sau này”, chú Thiện cho biết.

Được biết chú Thiện thu nhập 50.000 nghìn đồng ngày, trung bình mỗi đôi giày chú sửa có giá từ 5.000 nghìn đồng đến 20.000 nghìn đồng, sửa túi xách giá từ 10.000 nghìn đồng trở xuống.

Chú Thiện cho biết: “Phụ thuộc vào giày hư ít hay nhiều mà thời gian sửa nhanh hay chậm, có đôi cần 10 phút là xong, có đôi cần hơn 1 tiếng mới xong. Những đôi giày sửa lâu hầu hết có kỉ niệm sâu sắc với khách nên họ muốn giữ lại”.

Chúng tôi hiểu nghề sửa giày sau này không còn nữa, sẽ mai một dần. Và trong mỗi chúng ta sẽ không thể quên hình ảnh những góc phố nhỏ, những người thợ vẫn ngồi đấy, đang cặm cụi sửa giày cho khách.

Bình luận (0)

Lên đầu trang