Hơn 23 héc-ta cà phê được định giá có 7,3 triệu đồng (!?)

Thứ Tư, 18/03/2020 13:43

|

(CAO) Hơn 23 héc-ta cà phê chủ yếu là đang thu hoạch chỉ được định giá có 7,3 triệu đồng (!?). Cách định giá kỳ lạ này đang khiến 35 hộ dân ở H.Chư Sê, Gia Lai có nguy cơ trắng tay khi bị thu hồi diện tích cà phê nhận khoán.

Những ngày này, 35 hộ dân ở các xã Dun, Ia Pal và TT.Chư Sê, H.Chư Sê đang rất lo lắng khi nghe tin, những vườn cà phê mình nhận khoán bị thu hồi đứng trước nguy cơ không được bồi thường.

Theo đó, ngày 20-2, UBND H.Chư Sê có văn bản thông báo, trong tổng số 23,4 héc-ta của 35 hộ dân, giá trị tài sản trên sổ sách chỉ có 7,3 triệu đồng. Tức mỗi héc-ta cà phê từ giá hàng trăm triệu đồng, nay chỉ có giá hơn 300 nghìn đồng.

Ngoài ra, theo thông báo này, thêm một bất lợi cho người dân nữa là, chỉ có những cây cà phê trồng những năm 1981 và cà phê trồng tái canh năm 2014 thuộc diện bồi thường, hỗ trợ. Còn những cây cà phê trồng ngoài 2 năm đó, hay các loại cây trồng khác sẽ không được đền bù, hỗ trợ.

Các hộ dân có nguy cơ trắng tay khi bị thu hồi diện tích cà phê nhận khoán

Đứng cạnh 1 héc-ta cà phê đã chết héo của gia đình nhận khoán của Công ty TNHH MTV Cà phê Gia Lai (Công ty Cà phê Gia Lai), anh Nguyễn Lương Xuyên (ngụ thôn Queng Mép, xã Dun, H.Chư Sê) không khỏi tiếc nuối.

Anh Xuyên cho biết, cuộc sống cả gia đình dựa hoàn toàn vào 1 héc-ta cà phê nhận khoán này. Khi nghe được thông tin ngừng chăm sóc rẫy cà phê để trả lại đất cho Nhà nước, gia đình rất tiếc nuối nhưng chấp hành. Từ khi không chăm sóc, vườn cà phê chết héo, không cho thu hoạch nữa.

Nói về gốc gác của những vườn cà phề nhận khoán, anh Xuyên kể: “Nghe theo tiếng gọi của nhà Nước đi xây dựng vùng kinh tế mới, cha mẹ tôi đã rời quê hương vào đây bạt từng quả núi, gỡ từng mãnh đạn cùng công ty làm nên những đồn điền cà phê. Từ những năm đầu nhận khoán cho đến 2005, công ty đầu tư vốn, gia đình góp công để chăm sóc, đến mùa thu hoạch chia theo tỷ lệ phần trăm.

Tuy nhiên, từ năm 2006 đến nay, công ty đã khoán hẳn cho các hộ gia đình tự đầu tư chăm sóc trên diện tích gia đình nhận khoán. Năm nào, gia đình cũng đầu tư rất nhiều tiền của vào diện tích cà phê trên”.

“Các ban ngành của H.Chư Sê xuống kiểm kê giá trị tài sản đối với 23,4 héc-ta của các hộ dân bị thu hồi, theo kết quả, số tài sản trên đất hơn 9 tỷ đồng. Đoàn kiểm kê của huyện tiếp tục xuống kiểm tra lần 2 thì chúng tôi được báo lại là tăng thêm khoảng 2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đất cà phê đã bị thu hồi, trong khi bồi thường không thấy đâu, dân chúng tôi mới kéo nhau lên huyện. Rất bất ngờ, chúng tôi nhận được thông báo, 23,4 héc-ta cà phê được kiểm kê trên 11 tỷ đồng giờ chỉ còn 7,3 triệu đồng”, anh Xuyên cho biết.

Diện tích cà phê nhận khoán chết khô của anh Xuyên

Cách đó không xa là rẫy cà phê và tiêu đã chết khô của chị Nguyễn Thị Lý (ngụ thôn Queng Mép, xã Dun). Chị Lý đứng thất thần bên cạnh cây cà phê khô héo, lâu lây lấy tay lau giọt nước mắt lăn dài trên má rồi cho biết, năm 2012, nhà chị vay mượn để đóng 115 triệu để nhận khoán 1 héc-ta cà phê. Từ khi bị thu hồi hết diện tích cà phê này là không có công ăn việc làm.

Hiện 2 vợ chồng tìm được việc làm thuê gì thì làm tạm việc đó. Vừa làm, vừa để nghe ngóng tình hình đền bù ra sao. Do thu hồi mà đến nay chưa được đền bù gì nên gia đình rơi vào tình trạng rất khó khăn. Nếu không được đền bù và không tìm được việc làm, thì 2 đứa con có nguy cơ phải nghỉ học.

Khi nghe tin có phóng viên ở xã Dun, rất đông người dân ở xã Ia Pal, H.Chư Sê đã kéo đến để được trình bày, về trước nguy cơ mất trắng diện tích cà phê đã gắn bó từ thuở họ vào khai hoang.

Bà Nguyễn Thị Bân (ngụ thôn Đoàn Kết, xã Ia Pal, H.Chư Sê) thốt lên: “Khổ lắm chú ạ! Hơn 1 héc-ta cà phê nhận khoán của công ty là nguồn sống của gia đình, giờ không còn. Không còn vườn cà phê, chồng phải vào Nam làm thuê, 1 đứa con cũng phải nghỉ học, gia đình hết sức vất vả. Họ nói không đền bù là không có trách nhiệm”.

Chị Lý mất nguồn thu nhập từ khi rẫy cà phê bị thu hồi

Nguyên nhân của sự việc là vào ngày 30-9-2019, UBND tỉnh Gia Lai có quyết định về việc thu hồi hơn 190 héc-ta đất của Công ty TNHH MTV Cà phê Gia Lai và giao lại H.Chư Sê để thực hiện theo phương án sử dụng đất đã được phê duyệt tại xã Ia Pal và xã Dun.

Đến ngày 29-10-2019, các cơ quan ban ngành của tỉnh Gia Lai và Công ty CP Cà phê Gia Lai (Công ty TNHH MTV Cà phê Gia Lai sau khi được cổ phần hóa) đã có buổi làm việc để nhận bàn giao, tiếp nhận trên sổ sách các khoản nợ và tài sản loại trừ đối với 190 héc-ta đất bàn giao cho H.Chư Sê. Tuy nhiên trên sổ sách của Công ty Cà phê Gia Lai, tài sản trong phần diện tích đối với hơn 190 héc-ta (gồm cả 23,4 héc-ta của 35 hộ dân) chỉ có hơn 58,7 triệu đồng.

Ông Nguyễn Hữu Tâm – Phó Chủ tịch UBND H.Chư Sê cho biết, đất được giao lai cho huyện là để xây dựng nông thôn mới. Huyện đã thành lập hội đồng kiểm đếm giá trị tài sản trên 23,4 héc-ta, và được kết quả thực tế hơn 9,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo trên sổ sách của Công ty CP Cà Gia Lai thì hơn 190 héc-ta (gồm 23,4 héc-ta) giá trị tài sản chỉ có hơn 58,7 triệu đồng.

Ngoài ra, đối tượng trả đền bù không phải là người dân mà là Công ty CP Cà phê Gia Lai. Các cơ quan chức năng đã hướng dẫn người dân khởi kiện ra Tòa án nhân dân H.Chư Sê để được giải quyết.

Bình luận (0)

Lên đầu trang