Trong kiến nghị bổ sung thu hồi đất phục vụ 2 tuyến giao thông kết nối, ngoài diện tích đất thu hồi phục vụ xây dựng Cảng HKQT Long Thành theo Nghị quyết số 53/2017/QH14 (gọi tắt là Nghị quyết 53), Chính phủ đề nghị bổ sung thu hồi 136 ha đất để thực hiện 02 tuyến giao thông kết nối với Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1.
Cơ quan thẩm tra yêu cầu làm rõ việc đền bù, GPMB phần đất bổ sung
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ việc đền bù, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích 136 ha gồm: loại đất cần thu hồi, tác động của việc thu hồi đất đối với người dân, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Do công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án đã được tách riêng thành một dự án độc lập và giao UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện nên cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ làm rõ việc thu hồi diện tích đất này theo hướng sẽ được bổ sung, sửa đổi vào Nghị quyết số 53 của Quốc hội hay đưa vào Nghị quyết về báo cáo NCKT giai đoạn 1.
Vấn đề đặt ra là kinh phí phát sinh tính vào Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Nghị quyết 53 hay tính vào Dự án Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 đã được đại biểu của Uỷ ban Kinh tế đặt ra.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh
Nêu quan điểm của mình, cơ quan thẩm tra cho rằng, nếu bổ sung diện tích đất thu hồi vào Nghị quyết 53 thì trình tự, thủ tục phức tạp, ảnh hưởng đến tiến độ của Dự án. Vì thế, đề nghị đưa diện tích đất thu hồi vào giai đoạn 1 của Dự án Cảng HKQT Long Thành để thi công nhanh 2 tuyến giao thông kết nối, trước mắt là đường công vụ phục vụ cho việc thi công các hạng mục của sân bay. Kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lấy từ vốn đầu tư giai đoạn 1 của Dự án.
Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo khung chính sách được Chính phủ phê duyệt khi thực hiện Nghị quyết 53 của Quốc hội.
Liên quan đến việc điều chỉnh đất sử dụng cho quốc phòng, báo cáo thẩm tra cho biết, theo Nghị quyết 94 của Quốc hội, diện tích đất cho quốc phòng là 1.050 ha.
Tuy nhiên, tại Báo cáo nghiên cứu khả thi, Chính phủ kiến nghị điều chỉnh, trong số 1.050 ha đất này, có 570 ha dùng riêng cho quốc phòng và 480 ha dùng chung giữa quân sự và dân sự (đường cất hạ cánh số 4 và đường lăn). Nội dung này cũng đã được Bộ Quốc phòng có ý kiến thống nhất bằng văn bản với Bộ Giao thông vận tải.
Ủy ban Kinh tế tán thành với việc sử dụng diện tích đất dùng chung (480ha). “Việc dùng chung diện tích đất này vừa bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, vừa bảo đảm thực hiện kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng” - Uỷ ban Kinh tế cho biết.
Việc quản lý, sử dụng diện tích đất dùng chung thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về hàng không dân dụng Việt Nam.Theo đó, quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay thì “đất thuộc khu vực sử dụng chung cho hoạt động dân dụng và quân sự do dân dụng quản lý”.
Có ý kiến đề nghị có cơ chế để quân đội cùng sử dụng Cảng HKQT Long Thành ngay khi hoàn thành giai đoạn 1, không phải chờ đến khi hoàn thành đường cất hạ cánh số 4 ở giai đoạn 3 của Dự án.
Với phần đất dự trữ, theo Báo cáo NCKT, trong quá trình triển khai san lấp mặt bằng giai đoạn 1, lượng đất thừa khoảng 28,5 triệu m3 sẽ được vận chuyển và dự trữ ở phạm vi đất giai đoạn 2 với diện tích khoảng 722 ha. Tuy nhiên, trước đây, Chính phủ có dự kiến cho thuê đối với phần diện tích chưa sử dụng ngay cho Dự án để tạo nguồn thu cho ngân sách.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ làm rõ nội dung này, so sánh hiệu quả của việc dự trữ đất với việc cho thuê phần diện tích để trữ đất này.
Về điều chỉnh diện tích đất giai đoạn 1 (tăng thêm 645 ha từ 1.165 ha lên 1.810 ha để thực hiện giai đoạn 1 của Dự án), Ủy ban Kinh tế tán thành với kiến nghị của Chính phủ vì đây chỉ là việc điều chỉnh nhu cầu sử dụng giữa các giai đoạn, để phù hợp với Dự án NCKT.
Tổng diện tích của Dự án Cảng HKQT Long Thành không thay đổi (5.000 ha), Nghị quyết 94 cũng không quy định việc sử dụng bao nhiêu diện tích đất cho mỗi giai đoạn cụ thể.