Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM) nêu nhiều lý lẽ để phân tích về việc nên hay không duy trì chế độ làm việc 48 giờ/tuần cũng như việc nới thêm khung giờ làm thêm lên mức 400 giờ/năm (tăng 100 giờ so với mức tối đa 300 giờ/năm hiện nay).
Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân nêu ý kiến về Bộ luật Lao động
Trở lại giai đoạn của Mark – Ăng ghen, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phân tích, người lao động phải làm việc tới 10-16 giờ/ngày, tổng là 100 giờ/tuần, dẫn đến cuộc đấu tranh đòi giảm giờ làm. Các công nhân ở Chicago (Mỹ) sau đó đã đấu tranh thành công để đạt được chế độ ngày làm 8 giờ, tiếp đó là làm 8 giờ mà không giảm lương, tạo nên truyền thống về ngày Quốc tế lao động hiện nay.
Thông tin thêm, Bí thư Nhân cho biết, cũng tại Mỹ, ông chủ hãng xe hơi Harison Ford từng làm thí nghiệm để rút ra kết luận, ngày làm 8 giờ và chỉ làm 5 ngày/tuần (tức 40 giờ/tuần) thì năng suất lao động tăng cao hơn.
Về sau, các nước đều lần lượt chuyển sang chế độ làm việc 40 giờ/tuần. Các cuộc tranh luận sau đó đi tới khẳng định, làm việc sau mốc 40 giờ/tuần không đem lại hiệu quả lâu dài vì năng suất không tăng.
Tại Việt Nam, từ năm 1999, khối cán bộ, công chức đã thực hiện chế độ làm việc 40 giờ/tuần, theo xu hướng thế giới. Việc tồn tại 2 nhóm lao động, người làm cho nhà nước và doanh nghiệp có chế độ làm việc khác nhau, theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, đã dẫn tới việc bất bình đẳng mà không có nước nào có giờ làm việc tách riêng giữa khu vực công, tư như vậy.
“Trên thế giới hiện chỉ còn rất ít nước có chế độ làm việc quá 40 giờ/tuần, như Mexico vẫn làm 48 giờ, Hàn Quốc 43 giờ. Những nước top đầu như Đức hiện chỉ còn 26 giờ/tuần mà đây lại là quốc gia có năng suất lao động cao nhất thế giới, nền kinh tế lớn đứng thứ 4 thế giới, phúc lợi xã hội, phúc lợi lao động rất tốt” – ông Nhân phản ánh và cho rằng Việt Nam cần có lộ trình giảm chế độ làm việc 48 giờ/tuần xuống 40 giờ/tuần, thực hiện trong vòng 10 năm.
Nếu làm được như vậy, theo tính toán của người đứng đầu Đảng bộ TPHCM cũng “đi chậm”… 80 năm so với thế giới.
Liên quan đến vấn đề làm thêm giờ, theo Bí thư Nhân, trong ngắn hạn thì người chủ sử dụng lao động có thêm lợi ích, người lao động có thêm tiền nhưng về lâu dài, năng suất lao động không tăng.
Ở khía cạnh khác, xét tiêu chí về “hạnh phúc” của người Việt, ngoài yếu tố đảm bảo về kinh tế, mong muốn có công việc, có nhà, có gia đình, theo Bí thư Nhân, tới 70% người mong gia đình đuề huề, xôm tụ, con cháu hoạt bát… “Như vậy, nếu làm nhiều thời giờ quá thì không có gia đình hạnh phúc đâu” – Bí thư TPHCM lưu ý.
Do đó, để tăng năng suất, Bí thư Thành uỷ TPHCM đề nghị phải đầu tư công nghệ, máy móc và hướng tới giảm giờ làm chứ không phải ngược lại, nới khung thời gian làm thêm lên 400 giờ/năm.
Nếu duy trì mức làm thêm tối đa 300 giờ/năm như hiện nay, ông Nhân tính toán, có nghĩa là trung bình người lao động phải làm thêm 6 giờ mỗi tuần, tức mỗi ngày phải làm thêm 1 tiếng, duy trì liên tục 9 giờ làm việc mỗi ngày cả 12 tháng.
“Như vậy người lao động có vui vẻ, có đủ sức khỏe để tự nguyện làm thêm không?” - đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề.
Trong khi đó, nêu quan điểm về thời gian làm thêm, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) lại ủng hộ phương án 2 là tăng thêm 100 giờ/năm, lên đến 400 giờ/năm. Mức tăng thêm này, theo ông Lộc, là “nới rộng có chừng mực khung thoả thuận”.
Lý do lựa chọn phương án này được ông Lộc cho biết, là do tổng số thời gian làm thêm theo thoả thuận của doanh nghiệp Việt Nam đang bị hạn chế ở mức 200h, 300h/1 năm, thấp hơn nhiều so với các quốc gia đang cạnh tranh lao động với Việt Nam trong khu vực như Bangladesh là 408h,Trung Quốc là 432h, Hàn Quốc là 624h, Indonesia là 728h…
Ông Lộc cũng cho rằng, thời gian làm thêm theo quy định hiện hành là không phù hợp với tính chất thời vụ của những ngành nghề đặc thù.
“Việc không nới rộng thời gian làm thêm của doanh nghiệp chế biến sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu hộ nông dân, doanh nghiệp và người lao động tại những vùng còn rất nghèo của đất nước” – ông Lộc nhận định và cho rằng bức tranh tương tự diễn ra trong các ngành dệt may, da giày, túi xách…
Làm thêm giờ, theo ông Lộc, là “cực chẳng đã” đối với các doanh nghiệp, nhưng cũng là nhu cầu tự nguyện của người lao động. “Tăng giờ làm thêm nhiều hơn 300 giờ là yêu cầu của cuộc sống và phù hợp với lợi ích của cả người lao động và người sử dụng lao động” – ông Lộc nhấn mạnh.
Tranh luận trở lại với đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm gay gắt cho rằng, việc đòi hỏi làm thêm giờ của ông Lộc là "không có tình người".
Không tán thành quan điểm của ông Lộc, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đặt vấn đề: "Không biết đại biểu Lộc nghe từ đâu để nói chính sách này nếu được Quốc hội thông qua sẽ là nhân văn và tự nguyện?".
Bà Tâm muốn biết tính "nhân văn và tự nguyện" mà ông Lộc nói là trên cơ sở nào, tính tự nguyện nghe được từ đâu? Nếu là nghe từ người lao động thì bà Tâm khẳng định: "Tôi lấy làm lạ".
"Tôi thực sự bất ngờ với nhận định này của đại biểu Lộc vì tôi nghe rất nhiều công nhân và người làm công tác công đoàn nói người công nhân không muốn làm thêm giờ dù thực tế cần làm thêm giờ" - bà Tâm phản bác.
Theo nữ đại biểu của TPHCM, cần phải trả lời câu hỏi vì sao công nhân cần làm thêm giờ. Mà câu hỏi đó, theo bà Tâm, là quá dễ trả lời - là vì tiền lương, thu nhập hiện nay của người công nhân quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống.
"Hãy nhìn vào cuộc sống thực tế của người công nhân, nhìn vào dáng vẻ của người công nhân, tâm thế của người công nhân khi đến làm việc. Hãy nhìn vào những đứa trẻ mà cha mẹ của họ phải gửi về quê" - bà Tâm không kìm nén được nước mắt khi nói về cuộc sống của người công nhân.
Vẫn trong mạch cảm xúc, đại biểu Tâm đặt câu hỏi: "Có người cha người mẹ nào muốn xa con mình hay không. Thậm chí 1 năm, 2 năm chưa về thăm được con. Có người ông, người bà rất già rồi vẫn phải giữ cháu để cha mẹ chúng đi làm việc".
Từ góc nhìn của mình, nữ đại biểu khẳng định cần phải trân trọng những lao động như thế. Họ không cam chịu, không muốn trở thành gánh nặng xã hội, họ phải đi tìm việc làm mà nói rằng họ "tự nguyện" để làm quần quật suốt ngày.
"Tôi cho rằng cần tranh luận cho rõ quan điểm này" - bà Tâm yêu cầu, đồng thời nhìn nhận: "Họ không tự nguyện mà họ cần làm thêm".
Vậy vai trò của Quốc hội ở đây là gì? Theo bà Tâm, là phải làm chính sách như thế nào để người công nhân có thu nhập đủ trang trải cuộc sống, có thời giờ học tập, nâng cao tay nghề, giải trí, chăm sóc gia đình và thực hiện các quan hệ xã hội. Đó là quyền con người mà Hiến pháp quy định.
"Đại biểu phát biểu có nghĩ đến những quy định của Hiến pháp quy định quyền con người thế nào không. Hãy nghĩ đến trách nhiệm của người sử dụng lao động, không chỉ trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn tình người với người lao động nữa" - đại biểu Tâm lưu ý.
Lần nữa, bà khẳng định, nhân văn ở đây là bảo vệ quyền con người được hiến định, nhân văn là tình người trong sử dụng lao động.
Cũng theo bà Tâm, sức cạnh tranh của nền kinh tế không chỉ và không nên dựa chủ yếu vào sức lao động của người lao động, mà còn là năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, điều liện làm việc và sự tiến bộ xã hội.
"Sự tiến bộ xã hội ở đâu khi ta tăng giờ làm và giảm tiền lương của người lao động" - bà Tâm bức xúc và cho rằng, giảm 44 giờ có nghĩa là 4 giờ còn lại người lao động có thể làm thêm kiếm thêm thu nhập, đó chính là tiến bộ, là nhân văn.