Trước đó, cho ý kiến về dự luật, đại biểu Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm rằng, việc duy trì giờ làm bình thường 48 giờ/tuần và tăng giờ làm thêm lên đến 400 giờ/năm là nhân văn, hợp lý và tự nguyện.
Không tán thành quan điểm này, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đặt vấn đề: "Không biết đại biểu Lộc nghe từ đâu để nói chính sách này nếu được Quốc hội thông qua sẽ là nhân văn và tự nguyện?".
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm tranh luận tại Hội trường
Bà Tâm muốn biết tính "nhân văn và tự nguyện" mà ông Lộc nói là trên cơ sở nào, tính tự nguyện nghe được từ đâu? Nếu là nghe từ người lao động thì bà Tâm khẳng định: "Tôi lấy làm lạ".
"Tôi thực sự bất ngờ với nhận định này của đại biểu Lộc vì tôi nghe rất nhiều công nhân và người làm công tác công đoàn nói người công nhân không muốn làm thêm giờ dù thực tế cần làm thêm giờ" - bà Tâm phản bác.
Theo nữ đại biểu của TPHCM, cần phải trả lời câu hỏi vì sao công nhân cần làm thêm giờ. Mà câu hỏi đó, theo bà Tâm, là quá dễ trả lời - là vì tiền lương, thu nhập hiện nay của người công nhân quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống.
"Hãy nhìn vào cuộc sống thực tế của người công nhân, nhìn vào dáng vẻ của người công nhân, tâm thế của người công nhân khi đến làm việc. Hãy nhìn vào những đứa trẻ mà cha mẹ của họ phải gửi về quê" - bà Tâm không kìm nén được nước mắt khi nói về cuộc sống của người công nhân.
Vẫn trong mạch cảm xúc, đại biểu Tâm đặt câu hỏi: "Có người cha người mẹ nào muốn xa con mình hay không. Thậm chí 1 năm, 2 năm chưa về thăm được con. Có người ông, người bà rất già rồi vẫn phải giữ cháu để cha mẹ chúng đi làm việc".
Từ góc nhìn của mình, nữ đại biểu khẳng định cần phải trân trọng những lao động như thế. Họ không cam chịu, không muốn trở thành gánh nặng xã hội, họ phải đi tìm việc làm mà nói rằng họ "tự nguyện" để làm quần quật suốt ngày.
"Tôi cho rằng cần tranh luận cho rõ quan điểm này" - bà Tâm yêu cầu, đồng thời nhìn nhận: "Họ không tự nguyện mà họ cần làm thêm".
Vậy vai trò của Quốc hội ở đây là gì? Theo bà Tâm, là phải làm chính sách như thế nào để người công nhân có thu nhập đủ trang trải cuộc sống, có thời giờ học tập, nâng cao tay nghề, giải trí, chăm sóc gia đình và thực hiện các quan hệ xã hội. Đó là quyền con người mà Hiến pháp quy định.
"Đại biểu phát biểu có nghĩ đến những quy định của Hiến pháp quy định quyền con người thế nào không. Hãy nghĩ đến trách nhiệm của người sử dụng lao động, không chỉ trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn tình người với người lao động nữa" - đại biểu Tâm lưu ý.
Lần nữa, bà khẳng định, nhân văn ở đây là bảo vệ quyền con người được hiến định, nhân văn là tình người trong sử dụng lao động.
Cũng theo bà Tâm, sức cạnh tranh của nền kinh tế không chỉ và không nên dựa chủ yếu vào sức lao động của người lao động, mà còn là năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, điều liện làm việc và sự tiến bộ xã hội.
"Sự tiến bộ xã hội ở đâu khi ta tăng giờ làm và giảm tiền lương của người lao động" - bà Tâm bức xúc và cho rằng, giảm 44 giờ có nghĩa là 4 giờ còn lại người lao động có thể làm thêm kiếm thêm thu nhập, đó chính là tiến bộ, là nhân văn.
Trước đó, trong báo cáo tổng hợp ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội về nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, khi xin ý kiến về làm thêm giờ có 29 Đoàn ĐBQH đồng ý Phương án 1 (quy định như Bộ luật hiện hành và bổ sung cụ thể các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm).
2 Đoàn ĐBQH có ý kiến phản ánh lại nhiều ý kiến của cán bộ công đoàn và người lao động lại không đồng ý mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa.
18 Đoàn ĐBQH có ý kiến đồng ý Phương án 2 (phương án Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7). Có ý kiến nêu các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, da giày, thủy sản… đồng ý với phương án 2, nâng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ lên 400 giờ trong một năm, đồng thời đề nghị không nên giới hạn thời gian làm ngày, tuần, tháng mà chỉ giới hạn chung cho một năm.
Ngoài ra còn một số ý kiến cụ thể khác như đề nghị khi làm thêm giờ nên báo cáo Ủy ban nhân dân UBND cấp xã vì đây là cấp gần nhất tại nơi đặt trụ sở của tổ chức, cá nhân sử dụng lao động và sẽ thuận tiện hơn cho quá trình theo dõi, nắm việc làm thêm giờ của người sử dụng lao động, đồng thời nhằm thực hiện tốt việc phân cấp quản lý, hạn chế áp lực cho cơ quan nhà nước cấp trên.
Có ý kiến đề nghị nghiên cứu chỉnh lý điểm d khoản 3 và khoản 4 Điều 107 (Phương án 1) để rõ nghĩa hơn, như căn cứ xác định “công việc cấp bách, không thể trì hoãn” tránh việc áp dụng tùy tiện, lạm dụng người lao động. Quy định “phải thông báo bằng văn bản” tại khoản 4 Điều 107 là việc chỉ cần gửi thông báo hay bao gồm cả việc sau khi đã gửi thông báo, phải có ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.