Dự kiến kế hoạch kiểm toán trong năm 2020, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc thông tin, KTTN sẽ tiến hành 146 cuộc, giảm 44 cuộc so với kế hoạch kiểm toán đầu năm 2019 đã ban hành.
Báo cáo cụ thể với Quốc hội, ông Phớc cho biết, trong lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính - ngân hàng, cơ quan này sẽ lựa chọn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có quy mô phù hợp để kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2019, như các tổng công ty trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Điện lực TP.HCM...
Việc kiểm toán khối này, theo Tổng KTNNN, sẽ kết hợp với việc đánh giá công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đánh giá thực trạng công tác quản lý tài chính và cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của Nhà nước tại các đơn vị được kiểm toán.
Liên quan đến khối ngân hàng, KTNN dự kiến thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2018 của Ngân hàng nhà nước và một số ngân hàng có quy mô lớn, như Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam…
Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN cũng thực hiện đánh giá hoạt động tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng. Đồng thời, xác định thực trạng sở hữu chéo, nợ xấu, đặc biệt là việc triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu và kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng.
Dự kiến, KTNN sẽ thực hiện 16 cuộc kiểm toán, gồm Ngân hàng nhà nước, 12 tập đoàn, tổng công ty nhà nước và 3 ngân hàng thương mại.
Tiến hành kiểm toán chuyên đề, KTNN dự kiến lựa chọn kiểm toán một số chuyên đề có quy mô lớn, phạm vi rộng để tổ chức kiểm toán nhằm đánh giá toàn diện, xuyên suốt công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư công, góp phần giảm nợ công, phát triển kinh tế xã hội .
Theo đó, việc quản lý và sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vân tải sẽ được kiểm toán trong năm 2020.
Ngoài ra, KTNN cũng kiểm toán việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư theo nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp năm 2019.
Đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình dự án, Kiểm toán nhà nước dự kiến thực hiện 34 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, được dư luận quan tâm. Điển hình là các dự án BT thuộc Khu đô thị mới Thủ thiêm TP.HCM; Đầu tư xây dựng đường vành đai II, III thành phố Hà Nội; các tuyến đường trên tuyến Quốc lộ 1A; tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 và một số dự án thủy lợi.
Dự án vệ sinh môi trường TP.HCM; đường dây 500kV Long Phú - Ô Môn; nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Sông Hậu 1 và dự án đường sắt đô thị Hà Nội... cũng là những nội dung sẽ được kiểm toán vào năm tới.
Đánh gía kế hoạch kiểm toán hoạt động năm 2020, Ủy ban Tài chính-ngân sách của Quốc hội cho rằng, phần lớn các nội dung kiểm toán đều chủ yếu gói gọn trong phạm vi của 1 tỉnh, thành phố mà chưa mở rộng theo hướng kiểm toán trên diện rộng trong phạm vi khu vực, vùng, miền. Việc này, theo Uỷ ban, có thể chỉ nhận định, đánh giá được việc thực hiện cơ chế, chính sách trong phạm vi hẹp.
Cơ quan tài chính – ngân sách của Quốc hội cũng đề nghị cân nhắc việc kiểm toán đối với Dự án Hồ chứa nước Mỹ Lâm - Phú Yên vì mới phát hành thầu và dự án mới triển khai thực hiện.
Nêu ý kiến về kế hoạch kiểm toán dự án thành phần đầu tư xây dựng thuộc tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2017-2020, một số ý kiến yêu cầu nên cân nhắc vì một số dự án hiện nay chưa triển khai thực hiện.
Trong trường hợp dự kiến kiểm toán, các ý kiến này cho rằng cần làm rõ các nội dung kiểm toán, phạm vi kiểm toán…, đồng thời rà soát lại danh mục các nội dung đề xuất kiểm toán để bảo đảm tính khả thi của các đề xuất.
Cũng theo Uỷ ban Tài chính – ngân sách, để kết quả kiểm toán có tính lan tỏa rộng rãi, thể hiện được đầy đủ, toàn diện, đậm nét hơn về chất lượng và hiệu quả hoạt động của KTNN, KTNN cần nghiên cứu để đa dạng hóa các hình thức công khai, phù hợp với điều kiện cụ thể.
Theo Uỷ ban, cơ quan kiểm toán cần tăng cường phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ, Hội đồng Nhân dân các cấp… trong việc công khai, cung cấp thông tin, giải trình báo cáo kiểm toán.