Giao thông cửa ngõ phía Đông TPHCM: Bức bí từng ngày

Thứ Tư, 23/10/2019 11:48

|

(CATP) Giao thông cửa ngõ phía Đông TPHCM đang trở nên dễ bị “tổn thương” bởi sự phát triển hạ tầng không đồng bộ.

Mật độ phương tiện ngày càng tăng cao, nhưng cơ sở hạ tầng không kịp đáp ứng; hàng trăm dự án bất động sản đều đổ dồn về đây, trong khi tốc độ xây dựng nhà lại bỏ xa tốc độ phát triển của hạ tầng đường sá... đang trở thành những lý do “bóp nghẹt” sự phát triển của chung của cả khu vực.

CỨ CÓ SỰ CỐ LÀ... KẸT XE!

Với tốc độ phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, khu vực phía Đông TPHCM dần trở thành một trung tâm tài chính mới của thành phố. Điều này dẫn đến nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa ngày càng lớn, nhiều trục đường chính ra vào trung tâm thành phố vì thế trở nên quá tải.

Tình trạng kẹt xe nối dài trên các tuyến đường cửa ngõ phía Đông dẫn vào trung tâm (đoạn qua các quận 2, 9, Thủ Đức) trở thành nỗi ám ảnh cho không chỉ người dân sinh sống tại khu vực này, mà còn tạo rào cản lớn trong tiến trình phát triển kinh tế của cả khu vực.

Từ đầu năm 2019 đến nay, khu vực này thường xuyên xảy ra nhiều lần ùn ứ xe cục bộ, khiến hàng dài phương tiện “chôn chân” nhiều giờ liền. Hậu quả của các sự cố này tác động không nhỏ đến tốc độ phát triển kinh tế. Còn nhớ sự cố một chiếc xe tải vô tình kéo sập hệ thống giàn giáo ngay trước cửa hầm Thủ Thiêm cách đây đúng 1 năm.

Cảnh kẹt xe trên xa lộ Hà Nội sau sự cố sập giàn giáo ở hầm Thủ Thiêm cách đây 1 năm

Vào thời điểm vụ tai nạn trên xảy ra, phóng viên Báo Công an TPHCM trực tiếp có mặt tại hiện trường. Vụ tai nạn khiến giao thông trên đường Mai Chí Thọ đoạn trước hầm Thủ Thiêm (phía Q2) trở nên hỗn loạn.

Hàng nghìn xe máy, ôtô kẹt cứng. Người điều khiển phương tiện loay hoay tìm đường thoát khỏi Đại lộ Mai Chí Thọ, trong khi hầm Thủ Thiêm bị phong tỏa. Tình trạng kẹt xe cục bộ nhanh chóng lan rộng ra các tuyến đường lớn, nhỏ ở cửa ngõ phía Đông và dẫn vào các đường chính tại khu vực trung tâm.

Mới đây nhất, vụ kẹt xe gây hỗn loạn giao thông tại đường dẫn vào đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và các tuyến đường khu vực phía Đông thành phố vào ngày 9-7-2019 cũng làm cuộc sống của người dân bị xáo trộn.

Lần này, nguyên nhân được xác định do một xe cẩu chết máy trên cầu Phú Mỹ. Hàng vạn phương tiện khác lưu thông qua đây nhanh chóng tìm đường “thoát thân”, khiến giao thông trên đường Mai Chí Thọ kéo ra đến tận hầm vượt sông Sài Gòn, đường Đồng Văn Cống (Q2), Xa lộ Hà Nội, cầu Rạch Chiếc, nút giao RMK, ngã tư Bình Thái (giáp giữa các quận 2, 9 và Thủ Đức) bị ùn tắc nghiêm trọng. Sự cố xảy ra từ sáng sớm, kéo dài đến đầu giờ chiều 9-7, khiến người dân thành phố phải lao đao vì kẹt xe.

Như vậy, chỉ trong chưa đến 1 năm, khu vực này liên tục xảy ra 2 sự cố giao thông nghiêm trọng. Và cùng chung một “kịch bản”, toàn bộ lưu lượng phương tiện đổ dồn qua đây đều phải “chịu trận” vì kẹt xe. Lo ngại vấn đề này ngày một nghiêm trọng hơn, các chuyên gia quản lý đô thị tại TPHCM đã lên tiếng cảnh báo về sự “mẫn cảm” trước những sự cố giao thông của cửa ngõ phía Đông.

Nhiều nguyên nhân được chỉ ra. Nhưng cách giải quyết hữu hiệu nhất chính là việc đẩy nhanh tiến độ của hệ thống đường Vành đai 2. Điều này không chỉ giảm ùn tắc giao thông, mà còn góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông khu vực, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị dọc hai bên tuyến đường này.

Giao thông cửa ngõ phía Đông chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của người dân TP.HCM - ảnh chụp tại đường Võ Chí Công

BỨC BÍ ĐƯỜNG VÀNH ĐAI 2

Thời gian gần đây, các tuyến đường Vành đai 2, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định, Võ Chí Công (Q2) thường xảy ra tình trạng kẹt xe kéo dài do lượng hàng hóa ra vào cảng Cát Lái tăng mạnh. Mới đây, phía cảng Cát Lái đề nghị bỏ quy định khống chế số tàu cập bến mỗi ngày. Nhiều ý kiến lo ngại điều này sẽ gây áp lực lên hệ thống đường bộ, khi giao thông khu vực quanh cảng chưa được đồng bộ.

Đường Vành đai 2 về đích chậm

Được quy hoạch từ năm 2007, với tổng chiều dài hơn 64km, tuyến đường Vành đai 2 khi hoàn thiện thi công sẽ gánh lượng lớn phương tiện giao thông đi qua khu vực thành phố, mà không phải vào trung tâm. Tuy nhiên, sau 12 năm triển khai, tuyến đường này mới hoàn thành được hơn 51km, còn gần 13km, với 3 trong 4 đoạn đang chờ tìm chủ đầu tư, một đoạn đã có chủ đầu tư, nhưng tiến độ thi công rất chậm. Lý do được đưa ra là tuyến đường gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng, cũng như gặp khó khăn trong việc mời gọi nhà đầu tư. Điều này khiến đường Vành đai 2 khó hoàn tất đúng hẹn vào cuối năm 2020 như dự kiến.

Trên thực tế, hầu hết các phương tiện ra vào cảng, qua lại bến phà Cát Lái đều phải lưu thông trên đoạn đường duy nhất là đường Nguyễn Thị Định. Tuy vậy, xung quanh tuyến đường này lại bị nhiều dự án bất động sản bủa vây. Tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng khi giao thông thường xuyên rơi vào cảnh xung đột với những đường nhánh ra vào các cảng, bến bãi xung quanh, hậu quả tuyến đường Nguyễn Thị Định dù ngày hay đêm đều bị quá tải.

Ghi nhận thực tế cho thấy, lòng đường từ nút giao thông Mỹ Thủy tới phà Cát Lái khá nhỏ hẹp, nhưng có lượng rất lớn xe container qua lại. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với cả các tuyến đường khác, như: Đồng Văn Cống, Nguyễn Duy Trinh (Q2 và Q9)... Đặc biệt, tuyến đường Nguyễn Duy Trinh đoạn từ vòng xoay Võ Chí Công kéo dài đến trước đường rẽ xuống cảng Phú Hữu, khu vực giao lộ Đường số 2 - Đường số 1 (Q.Thủ Đức) có diện tích lòng đường nhỏ, nhưng lưu lượng phương tiện di chuyển lớn, cả xe máy lẫn xe tải, xe container, khiến nơi đây thường xuyên xảy ra ùn tắc.

Hàng dài container nối đuôi trên đường Nguyễn Thị Định chờ ra, vào cảng Cát Lái

Thực trạng trên làm cho người dân sinh sống trên các tuyến đường này ngày đêm nơm nớp lo lắng. Tại TPHCM hiện nay, mỗi ngày có hơn 100 lượt đăng ký mới ôtô, con số này gấp 10 lần đối với xe 2 bánh. Theo số liệu của Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) TPHCM, lưu lượng phương tiện ra vào cảng bình quân 16.100 lượt xe/ngày đêm, cao điểm lên đến 18.000 lượt xe/ngày đêm. Con số này đã vượt năng lực của tuyến đường Nguyễn Thị Định gấp 2 lần.

Giữa năm 2018, nút giao thông Mỹ Thủy đưa vào sử dụng giai đoạn 1 với hầm chui, cầu vượt đã giảm ùn tắc tại đây, các gói thầu dự án này vẫn tiếp tục được triển khai. Tuy nhiên, hướng lưu thông trên đường Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định vẫn thường xuyên bị ùn ứ kéo dài khi hàng nghìn xe container cùng lúc ra vào cảng. Việc xe container chạy suốt ngày đêm dẫn đến khu vực Cát Lái có nồng độ bụi ô nhiễm nhất thành phố trong 9 tháng đầu năm nay.

Người dân thường xuyên đi trên đường Nguyễn Thị Định (đoạn gần cảng Cát Lái) phải chạy xe máy gần các "hung thần xa lộ"

“CỞI TRÓI” GIAO THÔNG CỬA NGÕ PHÍA ĐÔNG

Để “cởi trói” sự bức bí về hạ tầng giao tại cửa ngõ phía Đông, ngoài việc đẩy mạnh tiến độ thi công đối với tuyến đường Vành đai 2, UBND TPHCM vừa đồng ý chủ trương nghiên cứu 2 phương án kéo giảm ùn tắc cho khu vực cảng Cát Lái theo lộ giới quy hoạch được duyệt. Đó là 2 dự án: mở rộng đường Nguyễn Thị Định (từ nút giao Mỹ Thủy đến phà Cát Lái, đường nối liên cảng Cát Lái - Phú Hữu) và mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh (từ đường Vành đai 2 đến đường ra vào cảng Phú Hữu).

Các chiến sĩ Đội CSGT Cát Lái vất vả điều tiết dòng xe cộ đông đúc tại khu vực nút giao thông Mỹ Thuỷ, Q.2

Việc mở rộng các tuyến đường này trước mắt sẽ giải quyết được bài toán kẹt xe đang diễn ra ngày một trầm trọng tại khu vực này. Về tương lại, hệ thống được đầu tư trước đó sẽ kết nối với tuyến Vành đai 2 tạo nên hệ thống giao thông khép kín.

Đối với dự án xây dựng đường nối liên cảng Cát Lái - Phú Hữu, thành phố giao Sở GTVT phối hợp với Sở Tài chính, UBND quận 2 và quận 9 làm việc với từng doanh nghiệp, cá nhân hưởng lợi trực tiếp từ dự án này để đề nghị đóng góp toàn bộ kinh phí đầu tư dự án.

Ngoài 2 phương án làm đường nêu trên, khu vực cảng Cát Lái còn có dự án xây dựng đường nối từ cảng Cát Lái đến Vành đai 2 đã được phê duyệt nhưng chưa thi công trên thực địa.

Việc mở rộng các tuyến đường này trước mắt sẽ giải quyết được bài toán kẹt xe đang diễn ra ngày một trầm trọng tại khu vực này. Về tương lai, hệ thống giao thông được đầu tư trước đó sẽ kết nối với tuyến Vành đai 2 tạo nên hệ thống giao thông khép kín.

Đối với dự án xây dựng đường nối liên cảng Cát Lái - Phú Hữu, thành phố giao Sở GTVT phối hợp với Sở Tài chính, UBND Q2 và Q9 làm việc với từng doanh nghiệp, cá nhân hưởng lợi trực tiếp từ dự án này, để đề nghị đóng góp toàn bộ kinh phí đầu tư dự án.

Ngoài 2 phương án làm đường trên, khu vực cảng Cát Lái còn có dự án xây dựng đường nối từ cảng Cát Lái đến đường Vành đai 2 đã được phê duyệt, nhưng chưa thi công trên thực địa. Đối với dự án này, UBNDTP yêu cầu các đơn vị liên quan căn cứ tiến độ, chủ trương thực hiện dự án để tham mưu cho thành phố bố trí vốn đầu tư phù hợp, đúng quy định.

Theo Sở GTVT, dự án đường nối cảng Cát Lái đến đường Vành đai 2 dài hơn 1,5km, có tổng mức đầu tư khoảng 430 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố và doanh nghiệp đóng góp khoảng 80 tỷ đồng.

Nhiều bãi xe container không phép núp bóng garage

Dọc theo tuyến đường Võ Chí Công dẫn tới nút giao thông Mỹ Thuỷ (đoạn qua địa bàn Q.9 và Q.2) hiện mọc lên nhiều điểm sửa xe, vá xe container tự phát 2 bên đường, gây nên nhiều nỗi lo về tình trạng an toàn giao thông.

Vào các thời điểm lượng xe đổ dồn về cảng Cát Lái lớn, nhiều phương tiện đậu kín 2 bên đường, chiếm hết làn xe 2 bánh khiến tình trạng giao thông trở nên diễn biến phức tạp.

Thời gian qua, đường dây nóng của Báo CATP đã liên tục tiếp nhận nhiều ý kiến phản ánh của bạn đọc về thực trạng một số bãi đậu xe container “lậu” xuất hiện trở lại tại địa bàn Q.9 và Q.2. Để qua mặt cơ quan quản lý, nhiều bãi xe “lậu” núp bóng dưới hình thức các ga ra sửa xe, gây nhiều bất an cho người dân sinh sống trên địa bàn.

Nhiều điểm vá xe “mọc” tràn lan 2 bên đường Võ Chí Công, tiềm ẩn nguy hiểm

Bình luận (0)

Lên đầu trang