Cách nào hạn chế TNGT liên hoàn trong nội đô?

Thứ Tư, 10/07/2019 12:43

|

(CAO) Hàng loạt các vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên hoàn xảy ra tại các tuyến đường nội đô của TPHCM và các thành phố lớn trên cả nước trong thời gian qua, khiến dư luận xã hội không khỏi bàng hoàng.

Ngoài những nguyên nhân chủ quan có liên quan đến ý thức của người tham gia giao thông, tình trạng hạ tầng đô thị chưa phát triển đồng bộ, bất cập trong công tác quản lý tạo nên sự xung đột giữa các phương tiện trong quá trình tham gia giao thông, cũng là một trong những tác nhân chính gây ra các vụ tai nạn nghiêm trọng.

Mới đây, thêm một vụ tai nạn liên hoàn vừa xảy ra tại đường Nguyễn Tri Phương (Q.5) vào tối 7-7, giữa 1 xe ô tô và ít nhất 6 xe máy, làm 9 người  phải nhập viện, trong đó 4 người bị thương nặng. Dư luận lại đặt ra vấn đề: Làm gì để đảm bảo an toàn cho giao thông nội đô? Trong đó, vấn đề tách làn đường tiếp tục trở thành đề tài "nóng" được dư luận quan tâm.

Bát nháo làn đường hỗn hợp

Việc tách riêng làn đường dành cho xe gắn máy nhằm kéo giảm TNGT đã được nhắc đến từ nhiều năm trước nhưng cho đến nay, công tác thực hiện vẫn… dậm chân tại chỗ (!).

Chính vì lý do này, nhiều tuyến đường tại TPHCM dù bị liệt vào danh sách đường “tử thần” nhưng tình trạng cả xe 2 bánh lẫn xe tải nặng cùng di chuyển trên chung một làn đường vẫn tiếp tục tiếp diễn, gây ra vô số nỗi lo về tình trạng mất an toàn giao thông (ATGT).

Qua thực tế ghi nhận, tại TP. Hồ Chí Minh, đa phần các tuyến đường, phương tiện đều di chuyển trong làn hỗn hợp, rất ít tuyến tách xe máy ra khỏi các phương tiện xe ôtô, xe tải nặng, xe đầu kéo…, nguy cơ tiềm ẩn TNGT tại các tuyến đường này là rất cao.

Làn xe hỗn hợp là mối lo ngại về an toàn giao thông nội đô tại TPHCM 

Tại cửa ngõ phía Đông của TPHCM (khu vực các quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức), tình trạng xe 2 bánh phải vất vả chen chân cùng ô tô diễn ra thường nhật. Đường Mai Chí Thọ (đoạn nối từ nút giao Cát Lái đến trước đoạn giao với đường Nguyễn Thị Định) ở Q.2 mỗi ngày phải gồng ghánh lượng lớn phương tiện qua lại.

Từ 7 giờ sáng, cảnh tượng trên xảy ra ở hầu hết mọi làn xe của tuyến đường này. Tại làn đường dành cho xe 4 bánh, xe tải nặng, hàng dài các phương tiện nối đuôi nhau san sát, không ít tài xế “ăn gian”, đánh lái sáng làn xe 2 bánh, khiến các xe này phải vất vả luồn lách giữa đám đông phương tiện đang ùn tắc. Chưa kể một số tài xé còn lái xe leo lên cả vỉa hè để thoát đoạn kẹt xe, trong đó có cả taxi và xe buýt công cộng.

Mới 7 giờ ngày 9-7-2019, lượng lớn phương tiện di chuyển theo hướng Mai Chí Thọ - hầm vượt sông Sài Gòn bắt đầu đổ dồn về đây, gây ùn ứ. Để đảm bảo không xảy ra kẹt xe kéo dài cũng như phát sinh TNGT, lực lượng CSGT phải liên tục căng mình điều tiết giữa đường.

Làn dành cho xe 2 bánh trên đường Mai Chí Thọ (Q.2) bị ô tô nêm kín 

Khoảng 1 tiếng sau, do lượng lớn ô tô đều đổ dồn vào làn xe 2 bánh nên các phương tiện này phải tràn lên vỉa hè di chuyển. Khung cảnh giao thông rất phức tập, người dân lẫn lực lượng CSGT đều phải lắc đầu, ngán ngẩm. 

Tuyến đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ vòng xoay Võ Chí Công kéo dài đến trước đường rẽ xuống cảng Phú Hữu) hay đường Phan Văn Hớn (Q.12) có diện tích lòng đường nhỏ nhưng lưu lượng phương tiện di chuyển lớn, cả xe máy lẫn xe tải nặng đều phải di chuyển trên phần đường có diện tích nhỏ khiến nơi đây thường xuyên xảy ra ùn tắc.

Một chiếc xe buýt lao thẳng lên vỉa hè để tránh kẹt xe 

Nhiều xe ben, xe container còn... lấn vỉa hè để vượt lên. Tình trạng trên làm cho người dân sinh sống trên các tuyến đường này ngày đêm ghánh chịu nỗi lo vô hình. Chỉ tính riêng ở TPHCM hiện nay, mỗi ngày có tới hơn 100 lượt đăng ký mới xe ô tô, con số này gấp 10 lần đối với xe 2 bánh.

Nỗi lo về làn đường hỗn hợp luôn là nỗi lo chung của cánh tài xế, đặc biệt là giới lái xe tải nặng, xe đầu kéo. Cầm lái trên những tuyến đường có làn hỗn hợp đòi hỏi các tài xế phải hết sức tập trung, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng đủ để xảy ra những va chạm không đáng có.

Xe máy và ô tô chen chúc nhau trên đường Đỗ Xuân Hợp (Q.9)

Anh Dương Tĩnh, tài xế xe đầu kéo chạy tuyến TPHCM đi các tỉnh miền Trung tâm sự: "Thật sự mình rất rất ngán ngẩm khi phải chạy trên đường vào giờ cao điểm xe tải, xe máy... Đường sá quá nhỏ mà lượng phương tiện lại lớn nên xe máy hầu như tìm đủ mọi ngóc ngách để luồn lách, chỉ cần tài xế lơ là không quan sát sẽ xảy ra va chạm ngay.

Mình từng va chạm với xe với xe máy và cả các xe du lịch 4 chỗ khi cùng chạy trên làn đường hỗn hợp nên mình rất lo lắng cho an toàn mỗi khi di chuyển vào giờ cao điểm. Vì thế, mỗi lần chạy cùng làn với xe máy bắt buộc mình luôn phải tập trung quan sát thật kỹ, di chuyển với tốc độ chậm...”. 

Qua thực tế ghi nhận, tại TP. Hồ Chí Minh, đa phần các tuyến đường, phương tiện đều di chuyển trong làn hỗn hợp

Anh Lê Văn Kiệt (có thâm niên cầm lái gần 10 năm) cho rằng: Hiện nay, đa phần các tuyến đường ở nước ta vẫn còn hỗn hợp giữa xe cơ giới và thô sơ. Thậm chí có nơi xe máy chạy chung làn với xe container cực kỳ nguy hiểm. Mà đi xe máy, không phải ai cũng chạy đúng luật, nhiều người vượt ẩu, chen lấn, luồn lách.

Do đó, nhà nước cần sớm xem xét, bố trí các làn đường riêng cho xe máy và xe tải. Xử phạt thật nghiêm các xe cố ý chạy sai làn đường quy định. Chỉ trong trường hợp bất đắc dĩ, ùn tắc nghiêm trọng thì mới linh hoạt điều chỉnh.

Ở TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác đều có các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và đường nội đô đều sử dụng làm đường hỗn hợp để tiết kiệm diện tích. Tuy vậy, đều lại là lý do chính gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm giữa các phương tiện 4 bánh và xe gắn máy. Chính vì lý do này, việc tổ chức nghiên cứu phân làn riêng dành cho xe 2 bánh và nhóm xe 4 bánh, xe chuyên chở hàng hoá là... hết sức cấp thiết. 

Cần phân làn có khoa học

Từ vụ tai nạn do người phụ nữ điều khiển chiếc xe 4 chỗ tông hàng loạt xe máy ở nút giao Hàng Xanh (Q.Bình Thạnh) vào tháng 10 năm 2018 tới vụ tai nạn kinh hoàng do một tài xế xe đầu kéo gây ra ở H.Bến Lức, tỉnh Long An vào hồi đầu năm, gần đây nhất là vụ việc xảy ra trong tối 7-7 ở đường Nguyễn Tri Phương (Q.5) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nỗi lo mất an toàn tại các làn đường hỗn hợp trong đô thị.

Người dân đang từng ngày sống chung với nỗi lo mất ATGT tại các tuyến đường có làn xe hỗn hợp 

Ở Việt Nam, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe máy chiếm khoảng 70%. Trên các tuyến quốc lộ, số vụ tai nạn giao thông liên quan xe máy chiếm trên 40%, rủi ro đối với người đi xe máy là lớn nhất trong môi trường có nhiều ô tô.

Đặc biệt, khi ô tô di chuyển tốc độ cao va chạm với xe máy sẽ khiến người điều khiển xe máy có nguy cơ chấn thương và tử vong cao. Trong đô thị có không gian chật hẹp và tốc độ lưu thông chậm thì rủi ro dành cho xe máy giảm đi nhiều.

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng Ban Chuyên trách Ban ATGT TP.HCM cho biết, tuyến đường Quốc lộ 1 sau khi bố trí dải phân cách tách làn đường giữa ôtô và xe máy, tình hình TNGT giảm đáng kể. Nhưng dù vậy, ở nhiều tuyến đường hẹp vẫn phải cho các phương tiện lưu thông hỗn hợp.

“Ví dụ như tại đường Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Xiển (đoạn qua địa bàn Q.9) luôn bị người xếp vào con đường “tử thần” do xảy ra hàng loạt vụ TNGT nghiêm trọng. Tuyến đường rộng khoảng 7 m, là đường 2 chiều và không có dải phân cách nên tất cả phương tiện di chuyển qua đây đều phải vất vả chen lấn nhau” – ông Tường thông tin.

Việc quy định làn đường riêng cho xe máy hết sức cấp thiết, nhất là tại TP HCM và các tuyến đường nối huyết mạch với các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam bộ.

Hiện nay, ở các đô thị lớn, giao thông hỗn hợp, không phân rõ làn đường nên dễ xảy ra tai nạn. Vì vậy, việc quy định làn đường riêng cho xe máy hết sức cấp thiết, nhất là tại TP HCM và các tuyến đường nối huyết mạch với các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam bộ. Việc tách làn phụ thuộc vào lưu lượng xe và tùy từng tuyến đường rộng, hẹp khác nhau; có còn quỹ đất phát triển giao thông nữa hay không, sắp tới đây cần phải rà soát, nghiên cứu cụ thể. 

Cần thay đổi giới hạn tốc độ di chuyển trong đường nội đô

Thời gian trước, Phòng CSGT Công an TPHCM đã từng gửi văn bản đề xuất với Sở Giao thông vận tải TPHCM giảm tốc độ ở 10 tuyến đường nội đô tại TP. Tuy nhiên, đề xuất này vào thời điểm đó chưa được sở này xét duyệt bởi nhiều lý do lo ngại sẽ cản trợ sự phát triển kinh tế xã hội. Nhưng trong 1 năm trở lại đây, nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng đã liên tục xảy ra tại các tuyến đường kể trên khiến vấn đề điều chỉnh giới hạn tốc độ tiếp tục đường bàn tán.

Theo góc nhìn của một số chuyên gia đô thị, việc điều chỉnh này là cần thiết vì một số con đường dù có diện tích lớn nhưng lại đi qua khu vực đông dân cư, có nhiều đường bắt ngang nên việc điều chỉnh giảm tốc độ là phù hợp, hạn chế tối đa các nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông.

Nhiều tuyến đường tại nội đô TPHCM cần nghiên cứu thay đổi giới hạn tốc độ hạn chế TNGT

Theo Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, trong năm 2018, cả nước xảy ra 18.490 vụ TNGT đường bộ, làm chết 8.079 người, bị thương 14.732 người. Qua phân tích từ gần 7.000 vụ TNGT, nguyên nhân hàng đầu là người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường (25,42%); 10,37% do chuyển hướng không chú ý; 42,04% số vụ xảy ra trên quốc lộ. 

Vụ xe Mercedes “lùa” nhiều xe máy ở Sài Gòn: 9 người đi cấp cứu, 4 người bị nặng
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang