Thành phố hiện đại, nghĩa tình phải có giao thông an toàn

Thứ Sáu, 05/07/2019 10:13

|

(CATP) Đây là câu trả lời của đại đa số người dân thành phố khi được phóng viên Báo Công an TPHCM đặt câu hỏi trước nhiệm vụ chung tay xây dựng TP.Hồ Chí Minh thật sự trở thành nơi có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại và nghĩa tình.

Trước giờ khai mạc Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm về công tác trật tự an toàn giao thông và vỉa hè lòng lề đường, Báo CATP đã có cuộc trao đổi với đại diện các đơn vị, sở ban ngành có liên quan nhằm ghi nhận kết quả đã đạt được cũng như phản ánh những vấn đề còn tồn đọng, cần sớm được giải quyết triệt để.

TỪ NHỮNG “ĐIỂM ĐEN” TAI NẠN

Bước sang năm 2019, một trong những mục tiêu tiên quyết được lãnh đạo TPHCM đặt ra đó chính là yêu cầu kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) từ 5 đến 10% trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương).

Sau nửa năm thực hiện, mặc dù TP đã đưa ra nhiều phương án giải quyết nhằm ổn định trật tự ATGT, nhưng thực trạng ùn tắc giao thông dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn cho người dân vẫn còn tiếp diễn. Thời gian qua, đường dây bạn đọc của Báo CATP liên tục nhận được phản ánh của người dân về những điểm đen tai nạn giao thông phát sinh mới ở TPHCM.

Trong đó, ngã tư Bình Thái (đoạn nối địa bàn Q.9 và Q. Thủ Đức) và một số tuyến đường kết nối cảng Cát Lái (Q.2) đang dần trở thành nỗi ám ảnh với người đi đường. Có mặt tại ngã tư Bình Thái trong sáng 3-7, phóng viên không khỏi rợn người trước những màn tranh tài của những chiếc xe đầu kéo khi lưu thông qua đây.

Người dân ở khu vực cửa ngõ phía Đông TPHCM ngày ngày sống chung cùng những mối đe doạ từ các xe container (ảnh chụp giao lộ RMK, Q.Thủ Đức sáng 3-7)

Bắt đầu từ khoảng 6 giờ sáng, lượng phương tiện ra vào cảng Phước Long liên tục gia tăng khiến tình trạng giao thông bắt đầu diễn biến phức tạp. Lực lượng CSGT có mặt xung quanh khu vực này phải căng mình điều tiết giao thông. 

Cách đó không xa, ngã tư RMK cũng không ngoại lệ. Hàng dài những chiếc container nối đuôi chờ ra vào cảng Trường Thọ (Q.Thủ Đức), làm người  đi xe 2 bánh phải vất vả luồn lách giữa đám phương tiện đang ùn tắc.

Khoảng 8 giờ cùng ngày, chiếc xe đầu kéo mang BKS 60C – 389.. chạy với tốc độ cao hướng ra giao lộ đường số 1 - Nguyễn Văn Bá (P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức) đã phải bất ngờ hãm phanh, né va chạm với chiếc xe đầu kéo mang BKS 60C – 300.. cố tình vượt đèn đỏ!

Chiếc xe đầu kéo mang BKS 60C – 389.. phải hãm phanh gấp né va chạm với chiếc xe đầu kéo mang BKS 60C – 300.. đang cố tình vượt đèn đỏ (ảnh chụp tại giao lộ đường số 1 – Nguyễn Văn Bá, Q.Thủ Đức sáng 3-7)

Hơn 10 phút sau, một chiếc đầu kéo khác mang BKS 51C – 537.. di chuyển từ đường số 1 hướng ra đoạn giao với Nguyễn Văn Bá tiếp tục tạo ra một pha thót tim với người đi đường. Cú ôm cua với tốc độ cao khiến nhiều xe 2 bánh di chuyển xung quanh phải hốt hoảng né tránh.

Xe đầu kéo mang BKS 51C – 537.. ôm cua với tốc độ cao khiến nhiều người đi đường một phen “hoảng hồn” (ảnh chụp tại giao lộ đường số 1 – Nguyễn Văn Bá, Q.Thủ Đức sáng 3-7)

Số liệu từ Sở Giao thông vận tải TPHCM cung cấp, trong 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn TP phát sinh mới 5 điểm đen tai nạn giao thông bao gồm: giao lộ Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi (Q.1); trước số 235 Nguyễn Văn Cừ (Q.1); cầu Bình Lợi 1 (Q.Bình Thạnh); cầu Sài Gòn 2 (Q.Bình Thạnh); giao lộ đường Nguyễn Văn Linh - Quản Trọng Linh (H.Bình Chánh)... nâng tổng số điểm đen lên thành 21 điểm.

ĐẾN NHỮNG BI KỊCH NHÓI LÒNG

Xa lộ Hà Nội là trục đường chính tại cửa ngõ phía Đông TPHCM, trong đó 2 nút giao RMK và Bình Thái có lưu lượng phương tiện dày đặc ngày đêm, nhất là các loại xe tải nặng ra vào các cụm cảng liền kề. Những nút giao này có tình hình giao thông phức tạp, thường xuyên kẹt xe, trong khi không ít vụ tai nạn chết người cũng thường xuyên xảy ra.

Một xe container vượt đèn đỏ khiến tình trạng giao thông diễn ra hết sức phức tạp (ảnh chụp tại Quốc lộ 1K đoạn qua P.Linh Xuân, Q. Thủ Đức tối 30-6)

Bên cạnh những lý do khách quan thì nguyên nhân nhân trực tiếp gây ra chính là ý thức của người tham gia giao thông. Chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ (từ ngày 13 đến ngày 14-6), khu vực ngã tư Bình Thái đã liên tục chứng kiến 2 vụ tai nạn thảm khóc khiến 2 người tử vong.

Trước đó, vào khoảng 7 giờ 30 sáng 14-6, chiếc ôtô 16 chỗ (BKS 60B - 022..) trong quá trình lưu thông trên xa lộ Hà Nội (hướng về cầu Sài Gòn) thì bất ngờ va chạm trực diện với xe mô tô mang BKS 54S8 – 07.. (đang qua đường lúc tới ngã tư Bình Thái). Cú tông cực mạnh khiến người đàn ông điều khiển xe 2 bánh tử vong tại chỗ. Còn trong chiều 13-6, một vụ va chạm khác cũng xảy ra ngay tại giao lộ này khiến những ai chứng kiến không khỏi rùng mình.

Hàng dài phương tiện nối đuôi nhau chờ vào cảng Cát Lái (Q.2) 

Theo mô tả của các nhân chứng có mặt vào thời điểm vụ việc diễn ra, người đàn ông khoảng 60 tuổi điều khiển xe đạp đang trong lúc sang đường thì bất ngờ bị chiếc xe đầu kéo sang đường với tốc độ cao cuốn vào gầm xe. Vụ tai nạn nghiêm trọng khiến người điều khiển xe đạp tử vong tại chỗ. Theo cơ quan điều tra Q.Thủ Đức, nạn nhân hiện đang làm bảo vệ ở khu vực cụm cảng Trường Thọ (quận Thủ Đức) và thời điểm xảy ra vụ việc, ông này đang đạp xe về nhà sau giờ làm.

Ngoài điểm đen về mất an toàn giao thông tại ngã tư Bình Thái và RMK, tuyến đường Nguyễn Duy Trinh đoạn từ vòng xoay Võ Chí Công kéo dài đến trước đường rẽ xuống cảng Phú Hữu cũng nằm trong danh sách phản ánh của bạn đọc.

Ngay trong sáng 2-7, một vụ tai nạn nghiêm trọng cũng xảy ra tại đoàn đường Võ Chí Công (hướng từ Q.2 đi Q.9). Theo đó, chiếc xe đầu kéo mang BKS 51C – 627.. khi vừa qua khỏi vòng xoay Phú Hữu (P.Phú Hữu, Q.9) vài trăm mét, tài xế cho xe ôm cua rẽ phải lên đường dẫn cao tốc bất ngờ phanh gấp lại khiến thùng hàng bị nghiêng rồi lật qua trái, đè lên xe ô tô mang BS: 68A – 060.., đang chạy bên cạnh. Rất may mắn chiếc xe 4 chỗ không bị bẹp dúm, tài xế may mắn thoát chết.

Hạ tầng cơ sở chưa phát triển đồng bộ là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ gây mất trật tự ATGT

Theo ghi nhận của phóng viên, do đoạn đường này có diện tích lòng đường nhỏ nhưng lưu lượng phương tiện di chuyển lớn, dẫn đến việc thường xuyên xảy ra ùn tắc. Thậm chí nhiều xe ben, xe container còn lao thẳng lên vỉa hè nhằm tránh kẹt xe. Chính tình trạng này khiến người dân sinh sống trên các tuyến đường này ngày đêm ghánh chịu nỗi lo vô hình.

Những vụ tai nạn kể trên chỉ là một trong số hàng trăm vụ việc đáng tiếc đã và đang diễn ra tại TPHCM. Đằng sau những vụ va chạm kinh hoàng là những tấm bi kịch của xã hội, gây ra thiệt hại to lớn về nhân mạng và tài sản không thể bù đắp được cho nhiều gia đình.

Rõ ràng, lĩnh vực GTVT ở Việt Nam còn gặp nhiều thách thức. Đặc biệt, công tác thực hiện quy hoạch xây dựng và quy hoạch giao thông chưa đồng bộ, gây phát sinh nhu cầu đi lại lớn, tạo sức ép cho hệ thống hạ tầng giao thông và tiềm ẩn mất ATGT trong tương lai.

CẦN SỰ VÀO CUỘC QUYẾT LIỆT!

Theo báo cáo của Công an TPHCM, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn Thành phố trong 6 tháng đầu năm 2019 được kéo giảm trên cả 3 mặt, cụ thể: xảy ra tổng cộng 1.669 vụ, làm chết 304 người và bị thương 1.147 người; so với cùng kỳ năm 2018 giảm 115 vụ (-6,46%), giảm 39 người chết (-11,40%) và giảm 68 người bị thương (-5,60%).

Trong đó, H.Bình Chánh có số vụ tai nạn nhiều nhất với 54 trường hợp, Q.Bình Tân với 27 vụ, Q.9 có 24 vụ. Mặc dù tín hiệu ATGT đã có những cải thiện tích cực nhưng rõ ràng, đây đều là những con số biết nói, phản ánh đúng những thực trạng còn tồn đọng về thực trạng ATGT tại TPHCM.

Một chiến sỹ CSGT thuộc Đội CSGT Cát Lái (Phòng PC 08 Công an TPHCM) vất vả điều tiết giao thông tại nút giao Mỹ Thuỷ, Q.2

Trong buổi trao đổi với phóng viên Báo CATP sáng 3-7, Phó Trưởng Phòng quản lý khai thác hạ tầng đường bộ (Sở GTVT TPHCM), ông Hoàng Phúc Dũng cho biết, hiện Sở GTVT đang phối hợp quyết liệt cùng với lực lượng CSGT để hạn chế nguy cơ tai nạn giao thông do xe ben, xe container gây ra ở những khu vực nóng, thường xuyên xảy ra tại nạn ở TPHCM như tại Q.2, Q.9 và Q.Thủ Đức mà Báo CATP đã phản ánh.

“Các kế hoạch cụ thể được chúng tôi đề xuất với lãnh đạo UBND TPHCM để thực hiện bao gồm: nâng cao điều kiện an toàn của hạ tầng giao thông như: rà soát, khắc phục kịp thời các hư hỏng mặt đường; bổ sung, duy tu hệ thống biển báo, vạch sơn đường, đèn tín hiệu giao thông, dải phân cách; lắp đặt thêm camera phục vụ xử phạt “nguội” trên các tuyến đường có tình trạng lưu thông không đúng quy định…” – ông Phúc trao đổi.

Để xây dựng TP.Hồ Chí Minh thành nơi có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình thì nhiệm vụ duy trì trật tự an toàn giao thông (ATGT), đảm bảo đường thông hè thoáng luôn là nhiệm vụ cần được ưu tiên và thực hiện quyết liệt.

Trong suốt quá trình phát triển, TPHCM ngày càng đối mặt với thách thức lớn về ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông (TNGT). Ðây là rào cản rất lớn và tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của người dân, cũng như sự phát triển chung của toàn thành phố.

Sở GTVT không cấp phép lưu thông giờ cấm cho phương tiện phục vụ công trình xây dựng

Để hạn chế TNGT xảy ra trên địa bàn TP, hiện nay Sở GTVT không cấp phép lưu thông giờ cấm cho phương tiện phục vụ công trình xây dựng, trừ một số dự án trọng điểm được sự chỉ đạo của UBND Thành phố như tuyến đường sắt metro số 1. Sở GTVT sẽ có thông báo cho các cơ quan, đơn vị có liên quan để hỗ trợ, kiểm tra xử lý vi phạm. Trường hợp các phương tiện này vi phạm Luật giao thông đường bộ và có ý kiến bằng văn bản của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Sở GTVT sẽ có báo cáo UBND Thành phố và có Văn bản chấm dứt hiệu lực các thông báo đã ban hành trước đó về việc lưu thông giờ cấm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang