Giáng chức là để… “cứu”?
Tổng hợp ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội về dự thảo, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết khi cho ý kiến về các hình thức kỷ luật đối với công chức, có đại biểu đề nghị giữ nguyên quy định tại Điều 79 của luật hiện hành hoặc tách hình thức xử lý kỷ luật “cách chức” thành một quy định riêng biệt để phù hợp với thực tiễn áp dụng.
Quốc hội họp phiên toàn thế tại hội trường
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, người làm việc trong các tổ chức hội đặc thù. Đề nghị bổ sung 1 điều luật quy định về nguyên tắc xác định thẩm quyền xử lý, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật.
Đi sâu phân tích các hình thức kỷ luật, có đại biểu muốn bỏ hình thức “khiển trách” vì không bảo đảm tính răn đe; bỏ hình thức kỷ luật “hạ bậc lương” vì sẽ tiến hành trả lương theo vị trí việc làm và theo chức vụ lãnh đạo quản lý.
Với lý do tránh việc cố tình giảm nhẹ hình thức kỷ luật trong trường hợp lẽ ra phải cách chức, một số ý kiến đề nghị bỏ hình thức kỷ luật “giáng chức”.
Ý kiến khác đề nghị bổ sung hình thức kỷ luật “Xóa tư cách chức vụ” áp dụng đối với cán bộ, công chức sau khi nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác. Điều này cũng nhằm thống nhất với quy định tại Điều 84 của dự thảo. Có đại biểu yêu cầu bổ sung hình thức kỷ luật đối với cán bộ dân bầu.
Đề nghị sửa đổi theo hướng công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có thể bị áp dụng hình thức kỷ luật cách chức, giáng chức đồng thời với hạ bậc lương cũng là nội dung được đặt ra. Đồng thời, đề nghị quy định cụ thể giáng chức là hạ xuống mấy cấp.
Vẫn cho ý kiến về điều 79, có đại biểu đề nghị quy định công chức lãnh đạo, quản lý phạm tội bị Tòa án kết án và bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên bị buộc thôi việc để bảo đảm công bằng.
Trong trường hợp được hưởng án treo, đại biểu đề nghị quy định rõ cán bộ, công chức có phải chịu hình thức kỷ luật không.
Nên tăng thời hiệu xử lý kỷ luật
Bàn về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật được quy định tại Điều 80 dự thảo, một số ý kiến đề nghị quy định thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức thống nhất với quy định thời hiệu xử lý kỷ luật đảng tại khoản 1, Điều 3 của Quy định số 102-QĐ/TW.
Có ý kiến đề nghị quy định thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật đối với từng hình thức kỷ luật cho đồng bộ, tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và làm rõ nội hàm của từng hình thức kỷ luật.
Ý kiến nữa đề nghị tăng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b, khoản 1 để tăng tính răn đe, phòng ngừa. Tăng thời hiệu xử lý kỷ luật là 3 năm đối với hành vi ít nghiêm trọng và 6 năm đối với trường hợp còn lại.
Có ý kiến đề nghị quy định thời hiệu xử lý kỷ luật là tối đa là 3 năm để phù hợp với hoạt động công vụ, đề cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc phát hiện, xử lý kịp thời hành vi vi phạm, tránh tình trạng kéo dài và chậm trễ.
Yêu cầu bổ sung quy định “Nếu trong thời hiệu xử lý kỷ luật mà có hành vi vi phạm mới thì thời hiệu xử lý kỷ luật đối với vi phạm cũ được tính lại kể từ thời điểm thực hiện hành vi vi phạm mới” cũng được đại biểu đặt ra. Đại biểu cũng lưu ý cần cân nhắc thời điểm bắt đầu tính thời hiệu để tránh trường hợp khi phát hiện thì đã hết thời hiệu xử lý.
Cho rằng quy định “Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm” chưa chặt chẽ, có ý kiến yêu cầu phân biệt rõ hành vi vi phạm đã kết thúc và hành vi vi phạm vẫn đang tồn tại; quy định cụ thể thời hạn điều tra, truy tố, xét xử có được tính trong thời hiệu xử lý kỷ luật không?
Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung “Không tính vào thời hiệu xử lý kỷ luật trong thời gian các cơ quan Đảng xem xét xử lý kết luận cán bộ, công chức là đảng viên; cơ quan tố tụng xem xét giải quyết tin báo tố giác tội phạm; điều tra, truy tố, xét xử”.
Đối với hành vi tham nhũng, có ý kiến đề nghị không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật. Mặt khác, cần cân nhắc quy định xử lý hành vi “sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận không hợp pháp”, vì trường hợp cơ sở đào tạo chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận thì văn bằng do các cơ sở này cấp đều không hợp pháp, mà việc xác nhận cơ sở có đủ điều kiện hoặc không đủ điều kiện không thuộc trách nhiệm của cán bộ, công chức.
Nhưng cũng có ý kiến đề nghị bổ sung quy định để xử lý trường hợp cán bộ, công chức “học giả” nhưng chứng chỉ, văn bằng là “thật”.
Ngoài nội dung trên, nhiều quy định khác có liên quan đến cán bộ, công chức bị kỷ luật cũng được đại biểu đề cập, trong đó có ý kiến đề nghị quy định rõ hơn trong thời hạn xử lý kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì có được xem xét giải quyết chế độ nghỉ hưu không. Đề nghị trong thời gian này không được xét nâng ngạch.