8 tuyến metro xuyên tâm và vành khuyên kết nối trung tâm TPHCM

Thứ Tư, 23/10/2019 15:15  | Hải Triều

|

(CATP) Cùng với 8 tuyến trên, TPHCM còn xây dựng 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, từng bước thay đổi bộ mặt giao thông đô thị, tạo nên dáng dấp đô thị hiện đại.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ký báo cáo việc thực hiện chính sách phát triển giao thông - vận tải (GTVT) đường sắt và việc sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho hệ thống giao thông này, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: Trước nhu cầu vận tải ngày càng tăng và thực trạng phát triển nhanh chóng của các phương tiện cá nhân cũng như tình trạng ùn tắc ngày càng nghiêm trọng tại các đô thị lớn, từ năm 1998, Chính phủ đã định hướng phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM. Quy hoạch hệ thống giao thông đường sắt đến năm 2020, giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt theo từng giai đoạn.

Cùng với hệ thống đường ray, các nhà ga trên tuyến Đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang được hoàn thiện Ảnh: XUÂN TUẤN

Cụ thể, giai đoạn đến năm 2020, nhu cầu giao thông đường sắt đáp ứng khoảng 1 - 2% thị phần vận tải hành khách và 1 - 3% thị phần vận tải hàng hóa, 4 - 5% thị phần vận tải hành khách đô thị. Giai đoạn 2020 - 2030 đáp ứng khoảng 3 - 4% thị phần vận tải hành khách, 4 - 5% thị phần vận tải hàng hóa, 15 - 20% thị phần vận tải hành khách đô thị tại Hà Nội và TPHCM. Cũng với 2 thành phố này, quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050 đáp ứng tối thiểu 5 - 8% thị phần vận tải hành khách, 5 - 6% thị phần vận tải hàng hóa, hơn 30% thị phần vận tải hành khách đô thị.

Cạnh đó, để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, Hà Nội dự kiến xây dựng 8 tuyến đường sắt đô thị khu vực trung tâm, với chiều dài 305km. TPHCM xây dựng 8 tuyến xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của thành phố, chủ yếu đi ngầm trong nội đô, với chiều dài khoảng 173km. Cụ thể gồm Tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài khoảng 19,7km (nghiên cứu kéo dài tới TP.Biên Hòa, Đồng Nai và Bình Dương). Tuyến số 2 dài khoảng 48km, kết nối đô thị Tây Bắc (H.Củ Chi) - QL22 - Bến xe Tây Ninh - Trường Chinh - (nhánh vào Depot Tham Lương) - Cách Mạng Tháng Tám - Phạm Hồng Thái - Lê Lai - Bến Thành - Thủ Thiêm.

Tuyến số 3a từ Bến Thành - Phạm Ngũ Lão - ngã 6 Cộng Hòa - Hùng Vương - Hồng Bàng - Kinh Dương Vương - Depot Tân Kiên - ga Tân Kiên, dài khoảng 19,8km. Tuyến này sẽ nghiên cứu kéo dài kết nối TP.Tân An (Long An) từ ga Hưng Nhơn đi dọc theo QL1. Tuyến số 3b từ ngã 6 Cộng Hòa - Nguyễn Thị Minh Khai - Xô Viết Nghệ Tĩnh - QL13 - Hiệp Bình Phước dài khoảng 12,1km, sau đó nghiên cứu kết nối với TX.Thủ Dầu Một (Bình Dương) từ ga Hiệp Bình và đi dọc QL13, kết nối với Tuyến đường sắt đô thị số 1 của Bình Dương.

Tuyến số 4 từ Thạnh Xuân - Hà Huy Giáp - Nguyễn Oanh - Nguyễn Kiệm - Phan Đình Phùng - Hai Bà Trung - Bến Thành - Nguyễn Thái Học - Tôn Đản - Nguyễn Hữu Thọ - Khu đô thị Hiệp Phước dài khoảng 36,2km. Tuyến số 4b từ ga công viên Gia Định (Tuyến số 4) - Nguyễn Thái Sơn - Hồng Hà - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - Trường Sơn - công viên Hoàng Văn Thụ - ga Lăng Cha Cả (Tuyến số 5) dài khoảng 5,2km.

Tuyến số 5 từ Bến xe Cần Giuộc mới - QL50 - Tùng Thiện Vương - Phù Đổng Thiên Vương - Lý Thường Kiệt - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Bạch Đằng - Điện Biên Phủ - cầu Sài Gòn dài khoảng 26km. Tuyến số 6 từ Bà Quẹo - Âu Cơ - Lũy Bán Bích - Tân Hòa Đông - vòng xoay Phú Lâm dài khoảng 5,6km.

Ngoài ra, TPHCM còn xây dựng 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray (tramway hoặc monorail) dài khoảng 57km. Cụ thể, tuyến xe điện mặt đất số 1 kết nối Ba Son - Tôn Đức Thắng - Công trường Mê Linh - Võ Văn Kiệt - Lý Chiêu Hoàng - Bến xe Miền Tây hiện hữu, dài khoảng 12,8km. Định hướng kéo dài từ Ba Son đến Khu đô thị Bình Quới (Thanh Đa - Bình Thạnh).

Tuyến monorail số 2 kết nối QL50 (Q8) - Nguyễn Văn Linh - Trần Não - Xuân Thủy (Q2) - Khu đô thị Bình Quới (Thanh Đa - Bình Thạnh). Định hướng kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 3a, dài khoảng 27,2km. Tuyến monorail số 3 từ ngã tư Phan Văn Trị - Nguyễn Oanh - Phan Văn Trị - Quang Trung - Công viên phần mềm Quang Trung - Tô Ký - ga Tân Chánh Hiệp dài khoảng 16,5km.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Bộ GTVT và UBND của 2 thành phố đang tích cực triển khai đầu tư xây dựng các dự án theo quy hoạch được phê duyệt. Nguồn lực đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn 2 thành phố giai đoạn vừa qua là 29.994 tỷ đồng, trong đó Hà Nội là 12.750 tỷ đồng để chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư tuyến số 2 và số 3; TPHCM là 17.244 tỷ đồng để chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư tuyến số 1 và số 2.

Bình luận (0)

Lên đầu trang