(CATP) Hai nhà máy nước được đầu tư với tổng mức hơn 14 tỷ đồng để phục vụ cho hơn 300 hộ dân di dời đến khu tái định cư, nhường đất cho Dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang. Tuy nhiên, sau vài năm hoạt động, cả 2 nhà máy nước bị hư hỏng, không có kinh phí sửa chữa nên đành "đắp chiếu" khiến người dân phải chịu... khát.
Dân "khát", nhà máy nước "đắp chiếu"
Năm 2017, hơn 300 hộ dân xã Hương Quang và Hương Điền (H.Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) di dời đến khu tái định cư thuộc xã Thọ Điền và xã Quang Thọ (H.Vũ Quang) để nhường đất cho Dự án thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang. Về nơi ở mới, họ được sử dụng nguồn nước từ 2 nhà máy nước được xây dựng ngay cạnh khu tái định cư.
Cụ thể, tại khu tái định cư Khe Ná - Khe Gỗ (xã Thọ Điền), Ban chuyên trách Dự án hợp phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang đã cho xây dựng một nhà máy nước sạch với tổng kinh phí hơn 8 tỷ đồng. Cuối năm 2017, nhà máy đi vào hoạt động, cấp nước cho hơn 130 hộ dân tái định cư ở 4 thôn thuộc xã Thọ Điền.
Cùng đó, Ban chuyên trách Dự án hợp phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang cho xây dựng một nhà máy khác tại xã Quang Thọ với tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng để cấp nước cho 216 hộ dân tái định cư nơi đây. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau khi đi vào hoạt động, cả 2 nhà máy nước này đều bị hư hỏng, xuống cấp và thậm chí đến nay gần như không còn hoạt động.
Ông Nguyễn Hồng Minh, người vận hành Nhà máy nước Thọ Điền cho biết, sau khi nhà máy được xây dựng và bàn giao, chủ đầu tư cho cán bộ kỹ thuật ở lại khoảng 15 ngày để hướng dẫn kỹ thuật, sau đó bàn giao cho xã quản lý, vận hành. Thế nhưng, một thời gian sau nhà máy nước bị hư hỏng nên không thể cấp nước cho người dân.
Người dân góp tiền mua ống nhựa kéo lên các khe, suối trên núi cao để hứng nước về chia nhau sinh hoạt
Theo ông Hồng, nước từ đập Khe Ná được dẫn về nhà máy, xử lý bằng clo, lọc qua bể bọt xốp và bể cát, sau đó mới dẫn về cho người dân sử dụng. Tuy nhiên, mấy năm nay do xã không có kinh phí để mua hóa chất và thay thế bọt xốp cũng như bể cát nên nước không đảm bảo chất lượng. Không những vậy, nước ở Khe Ná hiện nay rất bẩn, không thể sử dụng được nữa. Ngoài ra, do hệ thống đường ống dẫn nước có một số nằm ở vị trí cao nên áp lực không đủ đẩy nước đến nhà dân. Chính vì thế, một số hộ dân nhiều năm qua không được sử dụng nước sạch từ nhà máy.
Tương tự, nhà máy nước tại xã Quang Thọ nhiều năm qua cũng bị bỏ không vì nhiều hạng mục, thiết bị hư hỏng, xuống cấp và không vận hành hiệu quả.
Xã bất lực vì không có kinh phí duy tu, sửa chữa
Ông Trần Thanh Hải, người vận hành Nhà máy nước Quang Thọ cho biết: "Thời gian đầu, nhà máy vận hành tốt và cung cấp đủ nước cho người dân. Tuy nhiên, một thời gian sau, máy móc, thiết bị bắt đầu xuống cấp, hư hỏng. Hiện tại, nhà máy có 4 máy bơm thì 3 cái bị hỏng, còn 1 cái hoạt động rất yếu".
Để có nguồn nước sinh hoạt, những năm qua, hơn 300 hộ dân khu tái định cư ở 2 xã Thọ Điền và Quang Thọ phải chủ động tìm nguồn nước sinh hoạt bằng nhiều cách khác nhau.
Hệ thống xử lý nước của 2 nhà máy nước xã Thọ Điền và xã Quang Thọ bị hư hỏng
Bà Nguyễn Thị Hà (trú thôn Đăng, xã Thọ Điền) bức xúc: "Mặc dù đã lắp hệ thống đường ống, đồng hồ, vòi nước, nhưng tất cả phải bỏ không vì nước từ nhà máy về rất bẩn, không thể sử dụng. Để có nguồn nước sinh hoạt, gia đình tôi phải thuê người khoan giếng rồi lắp hệ thống lọc nhưng nước vẫn cứ phèn. Chúng tôi phải xây thêm bể lớn để hứng nước mưa tích trữ dùng dần".
Khác với gia đình bà Hà, một số hộ dân khác góp tiền mua ống nhựa kéo lên các khe, suối trên núi cao rồi hứng nước dẫn về chia nhau sử dụng.
Ông Nguyễn Hùng Cường - Chủ tịch UBND xã Quang Thọ cho hay, người dân khu tái định cư rất thiệt thòi. Từ lúc chuyển từ lòng hồ về khu tái định cư, họ chỉ được sử dụng nước sạch trong một thời gian ngắn. Nguyên nhân là do máy móc, thiết bị nhà máy nước bị xuống cấp, hư hỏng, nhưng chính quyền địa phương không có kinh phí để duy tu, sửa chữa nên không thể vận hành.
Ông Phạm Quang Tùng - Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Điền mong muốn: "Chúng tôi kính đề nghị các cấp quan tâm, đầu tư kinh phí để khắc phục, sửa chữa, đưa nhà máy nước hoạt động trở lại cho người dân có nước sạch sinh hoạt".