Thực hiện Đề án 06 tại TPHCM - "Không để ai bị bỏ lại phía sau":

Khi ước mơ thành sự thật!

Thứ Hai, 19/08/2024 10:17  | Anh Thy

|

(CATP) Có những người từ khi sinh ra đã thiếu may mắn khi không có một cơ thể lành lặn. Bị cha mẹ bỏ rơi, cuộc sống của họ là chuỗi ngày được đưa từ cô nhi viện này sang cô nhi viện khác, tên họ được các sơ trong viện cô nhi đặt cho. Hết tuổi ở cô nhi viện, họ được đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội. Nơi đó, có mái nhà che mưa nắng, được ăn no và chăm sóc sức khỏe, tuy nhiên họ vẫn canh cánh: "Mình là ai? Sao không có giấy tờ tùy thân như những người khác?".

Bỗng một ngày, những con người đáng thương đó nhận thông báo sẽ được làm giấy khai sinh (GKS), được cấp mã định danh (MĐD), được cấp căn cước (CC). Họ vui đến mức không ngủ cả đêm trước ngày nhận giấy tờ tùy thân.

Như được sinh ra lần nữa!

Đó là lời nói hết sức thật lòng của anh Phạm Văn Lâm (SN 1959, tổ 10A ấp 1, X.Tân Kiên, Bình Chánh) và cũng là cảm nhận của hầu hết những người có hoàn cảnh đặc biết được cấp GKS, cấp MĐD và CC theo kế hoạch 1878/KH-BCĐ (Kế hoạch phối hợp thực hiện công tác thu thập dữ liệu dân cư, cấp định danh cá nhân (ĐDCN), giải quyết Cư trú và cấp CC đối với các trường hợp thuộc diện nhân khẩu đặc biệt trên địa bàn TP) của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 TP.HCM.

Anh Lâm là trẻ mồ côi, được nuôi trong một cô nhi viện ở An Lạc trước năm thống nhất đất nước. 14 tuổi, anh trốn khỏi cô nhi viện và từ đó sống cuộc đời lang bạt. Gặp người phụ nữ cùng cảnh ngộ, họ gá nghĩa với nhau nhưng không may, vợ anh mất sớm, từ đó Lâm lại tiếp tục cuộc sống đơn độc.

Được tổ công tác trao GKS, anh Lâm rưng rưng: "Sống hơn 50 năm cuộc đời, lần đầu tui có giấy lận lưng". Đồng chí Thịnh, CSKV vỗ vai anh Kiên động viên: "Vui lên anh! BHYT cho anh, tui cũng vận động mua luôn rồi đó, chuẩn bị đi làm CC nhen!". Nghe thế thôi, người đàn ông đã tới lưng chừng dốc bên kia của cuộc đời vui đến ngẹn lời. Anh nói: "Có CC rồi, tôi có thể xin việc chứ xưa giờ ai thuê gì làm nấy, chẳng ai nhận một người không giấy tờ, không lai lịch như tôi.

Cùng anh Lâm, hôm đó có 2 người nữa ở Tân Kiên, Bình Chánh được trao GKS. Cả 2 trường hợp đều là người già, hoàn cảnh neo đơn. Nói sao cho hết nỗi vui mừng khi họ có GKS, đồng nghĩa với việc họ có BHYT, thứ duy nhất họ có thể trông vào khi ốm đau, bệnh tật.

Nụ cười hạnh phúc - nụ cười của người mẹ và các con. Ảnh: PX03

Nước mắt không phải lúc nào cũng đi đôi với đau khổ đau, có khi nước mắt gắn với những niềm vui không thể thốt nên lời. Đó là những giọt nước mắt hạnh phúc của nhiều người dân P.Nguyễn Cư Trinh, Q.1, TP.Hồ Chí Minh vào sáng 15/3/2024, khi họ cầm trên tay tờ GKS vừa được cấp, còn thơm mùi mực. Nhiều người đã bật khóc ngay trên sân khấu khi được cán bộ phường và Công an trao GKS cùng mã ĐDCN. Từ nay, họ chính thức được thừa nhận và được hưởng đầy đủ quyền lợi như bao người khác, điều mà họ mong mỏi suốt nhiều thập kỷ. Mân mê tờ GKS trên tay vừa quệt những giọt nước mắt lăn dài, chị Dương Bạch Mai (SN 1970, khu Mả Lạng) cười nghẹn nghào: "Tui trông chờ bao năm, nay mới thành sự thật. Vậy là tui sẽ được làm CC, sẽ được mua BHYT". Sống ở khu Mả Lạng mấy chục năm với nghề làm thuê, Chị Mai chưa bao giờ dám nghĩ mình sẽ làm được giấy tờ tùy thân cho đến khi được CSKV đến tận nhà xác minh lý lịch và cho biết, Công an, Ủy ban phường đang rà soát các trường hợp không có giấy tờ tùy thân để làm thủ tục cấp GKS.

Tiếng hát vang lên ở trung tâm chăm sóc bệnh nhân tâm thần

Chiều 27/7/2024, Trung tâm điều dưỡng người bệnh tâm thần (ĐDNBTT) Thủ Đức (37 Phú Châu, P.Tam Phú, TP.Thủ Đức) vang lên tiếng hát dù không được chau chuốt nhưng khá hay của một bà cụ. Hỏi ra mới biết, được thu thập dấu vân tay và mống mắt xong, bà lão nhất định đòi ở lại "hát tặng cô chú công an vì được làm giấy tờ, tôi vui quá!"...

Trung tá Nguyễn Thị Hồng Châu (Đội trưởng Đội 2 - Phòng CSQLHC về TTXH (Phòng PC06) CATP.Hồ Chí Minh) cho biết, làm thủ tục cấp CC cho bệnh nhân tâm thần cực gấp trăm lần so với người bình thường, bởi không biết lúc nào họ trở bệnh. "Anh em vừa tập chung chuyên môn vừa đề cao cảnh giác và sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra", tuy nhiên Trung tá Châu chia sẻ, dù nhiều lần đến Trung tâm ĐDNBTT Thủ Đức để làm thủ tục cấp CC cho bệnh nhân ở đây, nhưng chưa bao giờ xảy ra sự cố. Đâu đó chỉ là những điều hết sức dễ thương như: Bệnh nhân nhất định cúi đầu, không chịu hợp tác khi chụp hình. Năn nỉ, dỗ ngọt mãi không được, sau khi trao đổi với nhân viên trực tiếp chăm sóc, biết bệnh nhân thích ăn táo, chị Châu nói anh em CBCS lấy ngay một trái táo giơ lên cao rồi gọi tên để bệnh nhân ngẩng đầu nhìn lên. Chớp cơ hội đó, CBCS phụ trách khâu hình ảnh bấm chụp...

Bình luận (0)

Lên đầu trang