Trao cơ hội cho người lầm lỗi
Theo thống kê của Công an tỉnh Đồng Tháp, từ năm 2002 - 2012, toàn tỉnh có có 6.791 đối tượng tha tù về cư trú trên địa bàn, tỉ lệ tái phạm là hơn 19%. Nguyên nhân là do họ thiếu rèn luyện, chưa chấp hành sự quản lý, giáo dục của gia đình, địa phương, không có việc làm... Đa số đối tượng chấp hành xong án phạt tù đều trong lứa tuổi lao động, trình độ học vấn thấp, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chưa được xóa án tích. Vì vậy, họ không thể tiếp cận được nguồn vốn vay từ các chính sách xã hội. Qua khảo sát 3.963 trường hợp, có 2.665 người muốn vay vốn, với tổng số vốn gần 37,5 tỷ đồng.
Năm 2014, UBND tỉnh Đồng Tháp ký quyết định cấp phép thành lập và công nhận điều lệ Quỹ Phát triển tái hòa nhập cộng đồng. Với nguồn kinh phí 3 tỷ đồng ban đầu được trích từ ngân sách và qua 2 lần bổ sung, tổng số vốn đã tăng lên 15 tỷ đồng. Từ nguồn vốn ban đầu được cấp và nguồn vốn thu hồi, quỹ này đã giải ngân số tiền hơn 13,6 tỷ đồng, đến nay nâng số người được vay lên 903, với tổng số tiền hơn 28,6 tỷ đồng. Trong đó, số người vay vốn với mục đích mua bán là 267, trồng trọt là 128, chăn nuôi là 384, kinh doanh và sản xuất là 160. Số vốn còn lại đang cho vay là hơn 12,7 tỷ đồng.
Công an tỉnh Đồng Tháp sơ kết 5 năm thực hiện mô hình Quỹ Phát triển tái hòa nhập cộng đồng
Thượng tá Huỳnh Văn Long - Phó Trưởng phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp kiêm Phó giám đốc Quỹ Phát triển tái hòa nhập cộng đồng (Công an tỉnh Đồng Tháp) cho biết: Nguồn vốn từ Quỹ Phát triển tái hòa nhập cộng đồng rất thiết thực. Đến nay, qua kiểm tra, xác minh của Công an các cấp, hầu hết trường hợp vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, triển khai sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, hoàn trả vốn vay đúng thời gian quy định. Đặc biệt, chưa phát hiện trường hợp nào có biểu hiện vi phạm pháp luật, đa số đều chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương.
Theo Thượng tá Huỳnh Văn Long, những năm qua việc triển khai mô hình trên đã tác động tích cực đến các mặt đời sống xã hội, nhận thức của cán bộ, công chức các ngành, các cấp và người dân về công tác tái hòa nhập cộng đồng được nâng lên rõ rệt. Sự kỳ thị, phân biệt đối xử với những người có quá khứ lầm lỗi cơ bản không còn. Bản thân và gia đình người chấp hành xong án phạt tù ngày càng tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và sự giúp đỡ của chính quyền địa phương. Quỹ Phát triển tái hòa nhập cộng đồng đã hỗ trợ, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, trực tiếp tác động để kéo giảm tình hình tội phạm. Từ đó tạo sự gắn kết giữa chính quyền với những người có quá khứ lầm lỗi.
Điển hình là trường hợp của anh Phạm Hồng T. (SN 1996, ngụ xã Mỹ Ngãi, TP.Cao Lãnh) bị bạn bè lôi kéo, tụ tập sử dụng trái phép chất ma túy. Do không xin được tiền của gia đình để "bay lắc", anh đã nghe theo lời rủ rê của các đối tượng rồi sa vào mua bán trái phép chất ma túy, bị cơ quan chức năng bắt giữ và lãnh mức án 7 năm tù. Chấp hành xong án phạt, anh T. cùng vợ con về sống chung với cha mẹ, nhưng không có vốn liếng làm ăn. Sau đó, anh T. và vợ xin vào khu công nghiệp làm công nhân may giày dép. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hàng hóa xuất khẩu gặp khó khăn nên công ty cắt giảm lao động, vợ chồng anh T. rơi vào cảnh thất nghiệp. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, anh T. được vay 50 triệu đồng từ Quỹ Phát triển tái hòa nhập cộng đồng để xây chuồng trại, nuôi 17 con heo thịt. "Đàn heo vừa xuất bán đem lại thu nhập 70 triệu đồng. Số tiền có được một phần tôi sẽ trả quỹ, phần còn lại tái đầu tư cho lứa heo tới", anh T. chia sẻ.
Được trao cơ hội giống như anh T. nên kinh tế gia đình của anh Nguyễn Văn Th. (ngụ xã Tân Phú Trung, H.Châu Thành, Đồng Tháp) cũng dần ổn định. Trước đó, khi còn là sinh viên năm cuối, trong một lần điều khiển phương tiện giao thông, anh Th. đã gây tai nạn chết người. Trong thời gian chấp hành án 3 năm tù, được cán bộ quản giáo quan tâm động viên, anh Th. chấp hành tốt các quy định của trại giam và được tha tù trước thời hạn 12 tháng. Trở về địa phương, với kiến thức chuyên ngành thú y cùng số vốn 30 triệu đồng vay từ Quỹ Phát triển tái hòa nhập cộng đồng, anh Th. đầu tư nuôi gà, cuộc sống dần thay đổi từ đó. Hiện gia đình anh có đàn gà thả vườn hơn 2.000 con và chăn nuôi thêm heo. Sản xuất giỏi, vững chuyên môn, anh Th. được nhận vào làm nhân viên thú y của xã, dùng kiến thức của mình giúp ích cho bà con nông dân.
Lãnh đạo Công an tỉnh Đồng Tháp cho biết, để bảo đảm nguồn quỹ được bảo tồn và phát triển, giúp người phạm lỗi tái hòa nhập cộng đồng một cách bền vững, lực lượng Công an tỉnh và Công an cấp xã thường xuyên đến thăm, động viên, khích lệ các gương điển hình tiên tiến trong công tác tái hòa nhập cộng đồng, những người chấp hành xong án phạt tù về cư trú trên địa bàn tiến bộ, tiêu biểu trong phát triển kinh tế, chấp hành chính sách pháp luật, nhiều người trở thành những tuyên truyền viên tích cực. Kết quả này đã góp phần kéo giảm tỉ lệ tái vi phạm pháp luật đối với người chấp hành xong án phạt tù từ 19% (giai đoạn năm 2002 - 2012) hiện còn 1,6% (42 đối tượng).
Anh Phạm Hồng T. (bìa trái) chăm sóc đàn heo từ nguồn vốn vay hỗ trợ
Câu lạc bộ "làm lại cuộc đời"
Nhằm tập hợp, thu hút người chấp hành xong án phạt tù, được đặc xá, các thanh thiếu niên có biểu hiện vi phạm pháp luật, Công an tỉnh Đồng Tháp xây dựng kế hoạch thành lập mô hình "Câu lạc bộ (CLB) Người hoàn lương". Đến nay, toàn tỉnh có 65 CLB với sự tham gia của 677 thành viên, được thành lập theo từng xã, phường, thị trấn.
Điển hình là CLB Người hoàn lương xã Tân Hội Trung (H.Cao Lãnh). CLB này được thành lập đầu tháng 4/2021 với 32 thành viên, trong đó Ban chủ nhiệm gồm 11 thành viên, luôn lấy các thành viên làm trung tâm để đề ra tiêu chí phù hợp nhằm giúp đỡ, cảm hóa người được đặc xá, người chấp hành xong án phạt tù, thanh thiếu niên có biểu hiện vi phạm pháp luật, đối tượng giáo dục tại địa phương, đối tượng chấp hành xong quyết định của cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng... CLB giúp họ nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để họ có công ăn việc làm ổn định, sống có ích cho xã hội và phòng, tránh nguy cơ tái phạm tội.
Lãnh đạo Công an xã Tân Hội Trung cho biết, CLB Người hoàn lương xã tổ chức họp thường xuyên. Các thành viên tâm sự về quá trình lầm lỗi cũng như ý chí muốn thay đổi, nhất là những người được vay nguồn vốn từ Quỹ Phát triển tái hòa nhập cộng đồng để chia sẻ kinh nghiệm cho các thành viên khác học hỏi, phấn đấu. CLB Người hoàn lương là ánh sáng mở lối cho những người lầm lỡ, là cầu nối để họ tìm lại chính mình có cơ hội vay vốn làm ăn, ổn định cuộc sống. Khi tham gia CLB, họ quyết tâm từ bỏ, phấn đấu sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Ban chủ nhiệm CLB đã dẫn dắt, giới thiệu hai thanh niên tham gia vào lực lượng dân quân tự vệ, giúp họ thấy được giá trị của bản thân, giá trị của tuổi trẻ là được làm điều có ích cho xã hội.
Ông Trương Vĩnh Thảo (ngụ ấp 1, xã Tân Hội Trung) từ khi tham gia CLB Người hoàn lương đã được xem xét, hỗ trợ vay vốn 30 triệu đồng để chăn nuôi. Dù phải sống cảnh "gà trống nuôi con" và chăm lo cho mẹ già, nhưng bằng nghị lực của mình, ông Thảo vừa chăn nuôi vừa đi làm thuê để cải thiện cuộc sống. "Gia đình đã bán được 3 lứa heo, dành dụm cũng có tích lũy nên cuộc sống dần ổn định. Tôi quyết tâm trả hết đợt vay này để Nhà nước tạo điều kiện cho vay thêm vốn mở rộng chăn nuôi".
Sau hơn 3 năm hoạt động, CLB Người hoàn lương xã Tân Hội Trung đã đề xuất cho hơn chục thành viên vay vốn sản xuất, kinh doanh với số tiền hơn 310 triệu đồng. Các trường hợp vay vốn đều chí thú làm ăn. "UBND xã Tân Hội Trung sẽ tăng cường giáo dục, đào tạo nghề, giới thiệu giải quyết việc làm cho các thành viên cũng như tiếp cận nguồn vốn để giúp họ làm ăn, ổn định cuộc sống", lãnh đạo UBND xã cho biết.
Thượng tá Huỳnh Văn Long cho biết, mỗi năm toàn tỉnh có khoảng 1.000 đối tượng được tha tù. Việc hỗ trợ vay vốn đối với người chấp hành xong án phạt tù có tác động tích cực nhằm từng bước loại bỏ tính tự ti, mặc cảm, kỳ thị, xa lánh đối với những người có quá khứ lầm lỗi. Ngoài ra, khi đối tượng tha tù được vay vốn cũng là điều kiện để lực lượng Công an, các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên thăm gặp, giáo dục, giúp đỡ, không để họ có nguy cơ, điều kiện tái vi phạm pháp luật. Chưa kể họ sẽ tác động rất lớn để những đối tượng tha tù khác tại địa bàn dân cư và cộng đồng xã hội hiểu đúng hơn về công tác tái hòa nhập cộng đồng.