Nhiều mô hình hay của các hội phụ nữ cần được nhân rộng

Thứ Hai, 08/03/2021 09:19

|

(CATP) Thông qua nhiều cách làm sáng tạo, Hội liên hiệp phụ nữ các địa phương đã giúp chị em vươn lên thoát nghèo, đồng thời phối hợp thực hiện các mô hình bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Phụ nữ huyện Bảo Thắng, Lào Cai phát động dùng giỏ nhựa đi chợ thay túi nylon

Nhằm góp phần giảm rác thải nhựa đồng thời vận dụng thực hiện Đề án "Giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa" trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025, Hội phụ nữ huyện Bảo Thắng phát động phong trào dùng giỏ nhựa đi chợ mỗi ngày thay cho túi nylon (ảnh).

Việc làm thiết thực trên của các cấp hội phụ nữ địa phương đã giúp thay đổi thói quen sử dụng túi nylon khó tiêu hủy trong môi trường, được chị em hưởng ứng rất đông và nhiều chi hội thôn áp dụng. Để gây dựng phong trào, hơn 1.000 chiếc giỏ nhựa đã được các ban chấp hành hội vận động các đơn vị đồng thời trích kinh phí mua tặng chị em để áp dụng thí điểm và nhân rộng mô hình ở 14/14 xã thuộc huyện.

Thời gian tới, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện sẽ đẩy mạnh phong trào trên tinh thần đổi mới, sáng tạo, linh hoạt cho phù hợp một cách thiết thực hơn, tiến tới sử dụng giỏ đi chợ đan bằng cói. Thông qua đó, phong trào sẽ tác động, lan tỏa trực tiếp đến những người thân trong gia đình, qua đó chung tay bảo vệ môi trường bằng những hành động thiết thực.

Tại Lào Cai, hội phụ nữ các địa phương cũng phát động nhiều cách làm hay, sáng tạo như: thành lập tổ thu gom phế liệu, phân loại rác thải..., qua đó góp phần xây dựng nông thôn mới, vì một xã hội an toàn, văn minh, hiện đại...

Kon Tum: Mô hình trồng cây dược liệu giúp phụ nữ Xê Đăng thoát nghèo

Tại tỉnh Kon Tum, ở các xã: Tê Xăng, Măng Ri, Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông), Mường Hoong, Ngọc Linh (huyện Đăk Glei), Măng Bút, thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông), thời gian gần đây bà con đồng bào dân tộc Xê Đăng đã tích cực trồng cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong số này, tại huyện vùng cao Tu Mơ Rông, hiện các loại cây ngắn ngày cho thu nhập thấp đang dần được chuyển sang trồng các loại sâm dây (hồng đẳng sâm), đương quy, sa nhân tím, sâm Ngọc Linh xen dưới tán rừng..., giúp chị em vươn lên thoát nghèo, phương thức canh tác mới trên đã và đang được Hợp tác xã cộng đồng phụ nữ Đăk Viên, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông thực hiện.

Được biết ngoài hỗ trợ về cây giống, phân bón, các thành viên hợp tác xã còn được dự một số lớp tập huấn kỹ thuật về cây trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, nhân giống và hỗ trợ bao tiêu sản phẩm, giúp đời sống của từng hội viên nâng lên rõ rệt.

Nhiều chị em sau khi bán số sâm dây thu hoạch được lại tiếp tục mua bò và trồng thêm sâm Ngọc Linh, cứ thế xoay vòng vốn. Nhờ vào cây dược liệu, đời sống đồng bào Xê Đăng (khoảng hơn 1.400 nhân khẩu) ở vùng cao thuộc xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông trước kia hầu như phụ thuộc vào việc phát nương làm rẫy, trồng các loại cây ngắn ngày cho hiệu quả kinh tế thấp, giờ được chính quyền địa phương và các cấp hội hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, trong đó có Chương trình hỗ trợ "Phụ nữ biên cương" của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Kon Tum phối hợp với Tổ chức quốc tế CARE tại Việt Nam thực hiện, nên đã dần vươn lên thoát nghèo.

Theo chính quyền địa phương huyện Kon Plông, việc phát triển cây dược liệu đã mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho người dân địa phương, nhất là giai đoạn sau 2020 theo định hướng phát triển nông nghiệp dạng này.

Đồng bào dân tộc Mông vùng cao Sơn La vươn lên từ đồi đất quê nhà

Nằm ở vùng cao, điều kiện kinh tế khó khăn nhưng quyết không cam chịu đói nghèo, phụ nữ dân tộc Mông ở Pá Lông (huyện Thuận Châu, Sơn La) đã nỗ lực vươn lên tìm hướng phát triển kinh tế gia đình hiệu quả từ mô hình thả gà đen, nuôi lợn đồng thời đào ao thả cá trên chính vườn đồi nhà mình. Sau khi được Nhà nước hỗ trợ vốn vay, giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật từ cán bộ khuyến nông... đã cho nguồn thu đều đặn từ trứng và thịt, bình quân nhiều hộ xuất bán 1 năm 2 lần gồm cả lợn thịt lẫn con giống, thêm nguồn thu từ gà và trứng, cá trong ao... lên đến cả trăm triệu đồng.

Với tinh thần hỗ trợ nhau cùng vượt khó, nhiều chị em sáng tạo bằng cách vài hội viên góp vốn hỗ trợ giống, vật nuôi cho 1 hội viên nuôi luân phiên để giúp nhau phát triển kinh tế.

Pá Lông có 100% hộ đồng bào Mông sinh sống, đến nay dù không còn hộ đói nhưng tỷ lệ hộ nghèo ở xã vẫn chưa giảm nhiều. Chính vì thế, mô hình phù hợp với địa thế vùng cao này cần được nhân rộng để giúp phát triển kinh tế hộ gia đình.

Bình luận (0)

Lên đầu trang