Sân bay Tân Sơn Nhất bát nháo từ lâu
Sau đại dịch Covid-19, du lịch trong nước đang phục hồi nhanh, đặc biệt là du lịch hè 2022 bùng nổ, ngay trong thời gian này vẫn còn trong cao điểm. Sự bùng nổ du lịch, làm cho sân bay Tân Sơn Nhất vốn đã quá tải, càng quá tải hơn về hạ tầng cơ sở, đặc biệt xảy ra tình trạng rất bát nháo ở khu vực đón khách khi xuống sân bay.
Theo thống kê của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), trong cao điểm hè năm nay, mỗi ngày sân bay Tân Sơn Nhất phục vụ từ 60.000 - 110.000 lượt hành khách (chủ yếu ga quốc nội). Trong những ngày cao điểm dịp lễ 30-4, lượng hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất lên tới 105.000 lượt, đạt con số kỷ lục, vượt cả dịp Tết Nguyên đán 2022, chỉ thấp hơn dịp lễ 30-4-2021 với hơn 108.000 khách.
Sự quá tải này dẫn đến việc hành khách bị hành khi xuống sân bay, rất khó tìm chuyến xe cho mình để rời sân bay. Tình hình trật tự, an toàn giao thông trong khu vực sân bay không đảm bảo, hành khách bị chặt chém giá taxi, taxi dù, xe công nghệ loạn giá…. Ai có mặt tại nhà ga quốc nội của sân bay Tân Sơn Nhất lúc cao điểm đều thấy cảnh bát nháo như cái chợ ở sân bay quốc tế này.
Thực tế, tình trạng bát nháo này không phải bây giờ mới xảy ra. Từ Tết Nguyên đán vừa qua, khi tình hình dịch Covid-19 tạm yên, các chuyến bay quốc nội hoạt động bình thường trở lại, tình trạng này đã xảy ra, khiến rất nhiều hành khách lên tiếng phản ứng, buộc các cơ quan chức năng vào cuộc, trong đó có Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM.
Ngày 3-3-2022, Sở GTVT TPHCM đã có báo cáo gửi UBND TP và Bộ GTVT về công tác triển khai phối hợp tăng cường kiểm tra, xử lý các nội dung được cơ quan báo chí phản ánh tại sân bay Tân Sơn Nhất. Theo báo cáo, qua công tác phối hợp liên ngành và thanh tra độc lập, Thanh tra Sở GTVT đã xử lý 68 trường hợp vi phạm trên các tuyến đường xung quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Sở GTVT đã đề nghị các đơn vị liên quan tăng cường giám sát quản lý để chấn chỉnh kịp thời các vấn đề báo chí phản ánh. Sở GTVT đã yêu cầu Trung tâm quản lý giao thông công cộng chủ động phối hợp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất bố trí vị trí xe buýt vào đón khách để "giảm tải" cho ga quốc nội. Sau khi khảo sát thực tế, các bên thống nhất bố trí 2 điểm dừng đón khách tại làn A từ cột A1 đến cột A4 để hành khách dễ đón được xe…
Tuy nhiên, cho đến cao điểm mùa du lịch hè 2022, tình trạng bát nháo tại sân bay Tân Sơn Nhất vẫn không có biến chuyển, thậm chí ngày càng nghiêm trọng hơn, lộn xộn hơn, khiến hành khách than trời.
Cảnh quá tải, bát nháo thường thấy ở sân bay Tân Sơn Nhất thời gian gần đây - Ảnh: Quang Định - TTO
Nhiều bất cập tồn tại dai dẳng
Một lần nữa Sở GTVT TPHCM lại vào cuộc. Trong báo cáo mới đây gửi UBND TP về tình hình tổ chức giao thông vận tải tại sân bay Tân Sơn Nhất, Sở GTVT TP đã chỉ ra hàng loạt bất cập cần khắc phục để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông tại đây.
Theo báo cáo, với lượng khách đông như vậy, sân bay Tân Sơn Nhất hiện chỉ tổ chức một cổng vào cho hành khách đến/đi. Tình trạng này làm hành khách, các phương tiện giao thông, cả phương tiện quá cảnh, tập trung trên đường Trường Sơn, gây ùn tắc giao thông thường xuyên. Các tuyến đường khu vực xung quanh sân bay chưa được đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch. Trong khi đó lưu lượng phương tiện qua đây rất lớn, tình hình giao thông khu vực diễn biến khá phức tạp, dễ xảy ra ùn tắc giao thông khi có sự cố, hoặc các dịp lễ, Tết.
Cũng theo báo cáo này, tại ga quốc nội hiện bố trí bốn làn đưa đón khách. Làn A dành riêng đưa khách đi; làn B và C dành riêng xe cá nhân, cơ quan và đơn vị không kinh doanh vận tải đón khách, kết hợp bố trí chỗ đậu xe buýt; làn D và D1 trong tòa nhà TCP dành riêng xe kinh doanh vận tải đón khách. Đặc biệt không có bãi đỗ xe dành cho xe buýt, taxi, nên việc chờ taxi rất mất thời gian. Việc tổ chức xe buýt vào đón trả khách tại ga quốc nội còn nhiều hạn chế, chưa cải thiện, nên tình trạng giao thông trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất phức tạp, chưa đáp ứng nhu cầu hành khách vào các giờ cao điểm.
Báo cáo của Sở GTVT TP chỉ ra hàng loạt bất cập về hoạt động đón khách tại ga quốc nội. Đó là khâu tổ chức các làn đón trả khách chưa phù hợp, chưa tạo điều kiện cho xe taxi, xe hợp đồng ứng dụng công nghệ và xe buýt được đón trả khách tại vị trí thuận lợi. Trong khi đó, xe taxi, xe hợp đồng công nghệ đón khách tại làn D bên trong tòa nhà TCP dẫn đến tập trung đông khách gây mất trật tự nhưng chưa được cơ quan quản lý tòa nhà phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng xử lý quyết liệt. Đáng lưu ý, lực lượng Thanh tra Sở GTVT không có thẩm quyền kiểm tra và xử lý khu vực này.
Cũng theo báo cáo, có tình trạng thiếu xe taxi, xe hợp đồng công nghệ trong thời gian cao điểm. Nguyên nhân là sau đại dịch Covid-19, tài xế taxi thiếu nghiêm trọng. Theo báo cáo của các đơn vị vận tải, xe taxi đang hoạt động do TPHCM quản lý hiện chỉ đạt khoảng 4.500 xe so với 8.500 xe thời điểm trước đại dịch; xe hợp đồng công nghệ dưới 9 chỗ hiện chỉ đạt khoảng 23.000 xe so với khoảng 45.000 xe thời điểm trước dịch bệnh.
Qua đó, ở GTVT có văn bản khẩn kiến nghị với UBND TPHCM về các nội dung cần thực hiện gấp trong thời gian tới. Sở kiến nghị phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát thực tế, nghiên cứu đề xuất phương án tổ chức tuyến xe buýt trung chuyển khách nhằm giảm tải, giải tỏa hành khách tập trung đông tại sân bay.
Đồng thời Sở đã điều chỉnh điểm đón khách của xe buýt tại vị trí phù hợp để hành khách dễ dàng tiếp cận kể từ ngày 1-8. Tăng tần suất hoạt động của tuyến xe buýt số 152 lên 120 chuyến/ngày (so với trước đó là 76 chuyến/ngày) từ ngày 5-8. Ngoài ra khôi phục tuyến xe buýt số 109 (sân bay Tân Sơn Nhất - Bến Thành) đã dừng thời gian qua do dịch Covid-19.
Đặc biệt, Sở GTVT nhấn mạnh, nếu tình hình lộn xộn ở sân bay Tân Sơn Nhất không được cải thiện, Sở GTVT kiến nghị UBND TP báo cáo Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét thống nhất phương án quản lý đối với sân bay cho phù hợp với đặc thù TPHCM.
Thực tế hiện tại, Sở GTVT địa phương chỉ được quản lý phía ngoài, còn bên trong thì đơn vị quản lý cảng hàng không chịu trách nhiệm, nên việc phối hợp là rất khó khăn. Các chuyên gia cho rằng, sân bay Tân Sơn Nhất nằm trên địa bàn TPHCM, do đó TP phải được giao trách nhiệm quản lý để chủ động xử lý các công việc như điều tiết, phần luồng, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, chứ không phải chỉ thuộc quyền của đơn vị quản lý sân bay như hiện nay.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ GTVT cần phải phải chủ trì xây dựng quy chế quản lý nhà nước giữa cảng hàng không và địa phương. Quy chế này cũng có thể áp dụng cho các sân bay lớn khác trên cả nước.
Cần triển khai nhanh các giải pháp hữu dụng
Theo ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TPHCM, lý do sân bay tắc nghẽn do thiếu xe là không thuyết phục, bởi TP không thiếu xe buýt và các loại xe công cộng khác. Ông cho rằng việc thiếu xe là do cách tổ chức của sân bay không đạt yêu cầu nên dẫn đến tình trạng tắc nghẽn.
Khác hẳn với sân bay quốc tế Nội Bài, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất chỉ có 2 tuyến xe buýt hoạt động, nhưng hành khách kiếm xe buýt để đi rất khó, thậm chí bảng chỉ dẫn vị trí đón xe buýt cũng rất khó nhìn thấy.
Ông Tính đề nghị cần mở làn đường riêng cho xe buýt đi sân bay. Còn phía bên trong sân bay phải sắp xếp chỗ đậu, đỗ tiện lợi nhất cho khách; cần có bãi xe buýt để hành khách xuống máy bay có thể dễ dàng đi xe buýt.
Nhiều chuyên gia cho rằng, khi được bố trí thuận tiện thì việc mở tuyến xe buýt đi sân bay hay tuyến xe buýt chạy vòng vào sân bay, xe buýt trung chuyển là không khó. Xe buýt cần được ưu tiên và nhất thiết phải có một làn riêng để khách dễ tiếp cận.
Tuy nhiên trên thực tế, việc bố trí luồng, bãi cho xe buýt rất khó khăn và phụ thuộc sự bố trí của đơn vị quản lý sân bay. Điều này lại cần quy chế phối hợp giữa đơn vị quản lý sân bay và địa phương (TPHCM).
Nếu tạo điều kiện thuận lợi cho xe buýt hoat động, sẽ không khó để thu hút các đơn vị vận tải vào cuộc. Mới đây nhất, hãng xe Phương Trang, xác nhận đơn vị này đã gửi hồ sơ đến Sở GTVT TPHCM dự thầu tuyến xe buýt hoạt động ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Một vấn đề khác rất quan trọng là mở “nút thắt” cho giao thông đi/đến sân bay Tân Sơn Nhất, bằng cách mở thêm một cổng thứ 2 để ra vào sân bay, khi hiện nay chỉ có 1 cổng duy nhất.
Đây không phải là vấn đề mới. Từ đầu năm 2017, lãnh đạo UBND quận Gò Vấp đã đề xuất phương án mở cổng thứ 2 ra vào sân ở khu vực phía Bắc của sân bay, nằm trên địa bàn quận. Làm ga trung chuyển và bến bãi phục vụ giao thông tại vị trí bên trong tường rào sân bay hiện hữu, tiếp giáp khu vực đường Thống Nhất - Quang Trung. Việc mở cổng thứ 2 sẽ giải được bài toán ùn tắc giao thông, tránh tình trạng tất cả các nơi đổ dồn về một cổng duy nhất như hiện nay, gây ùn tắc, kẹt xe nghiêm trọng trên đường Trường Sơn. Cùng lúc đó, UBND quận Tân Bình cũng đề xuất mở thêm cổng từ sân bay ra hướng đường Cộng Hòa.
Tuy nhiên, tất cả những đề xuất đó cho đến nay vẫn còn nằm trên giấy, vì việc mở thêm cổng ra vào sân bay lại thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT.
Trách nhiệm cao nhất thuộc về Bộ GTVT nhưng Bộ này vẫn chưa có biện pháp triệt để giải quyết vấn đề triệt để. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia đề nghị, cần để TPHCM cùng quản lý các vấn đề bên ngoài sân bay. Điều này TP có thể làm được nếu áp dụng cơ chế đặc thù.
Nếu Bộ GTVT không quyết liệt, không có biện pháp mạnh mẽ, kết hợp không chặt chẽ với TPHCM; nếu lãnh đạo Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất không có biện pháp hữu hiệu giải quyết các vấn đề bát nháo tại sân bay này, chắc chắn Tết Nguyên đán sắp tới, tình trạng này sẽ xảy ra và càng nghiêm trọng hơn.