Không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển cocain sang nước thứ ba

Thứ Ba, 12/09/2023 11:29  | Trà My

|

(CATP) Cục CSĐTTP về ma túy - Bộ Công an cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng quá cảnh Việt Nam có hành vi vận chuyển trái phép cocain.

Nhiều thủ đoạn đối phó tinh vi

Ngày 01/6/2023, Cục CSĐTTP về ma túy - Bộ Công an phối hợp các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, Tổng cục Hải quan, Công an TP.Hà Nội phát hiện, bắt giữ một đối tượng người nước ngoài vận chuyển trái phép chất ma túy từ Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất) qua Cảng hàng không Sân bay quốc tế Nội Bài để đến nước thứ ba. Khoảng 13 giờ 30 cùng ngày, tổ công tác phát hiện đối tượng nữ mang theo hành lý ký gửi, có nhiều dấu hiệu nghi vấn nên tiến hành kiểm tra. Đối tượng là Kalimbasa Fatumah (SN 1965, quốc tịch Uganda). Trong valy hành lý của đối tượng, cơ quan chức năng tạm giữ 13 gói nylon chứa chất bột màu trắng (là cocain, tổng trọng lượng là 4.296 gram) được cán mỏng giấu trong 12 dép da, 1 gói nylon cán mỏng giấu tại thành valy. Tại cơ quan công an, Kalimbasa Fatumah khai vận chuyển thuê số ma túy trên cho một người đàn ông Guinea, dự kiến mang sang Thủ đô Viêng Chăn (Lào). Khi sang đến nơi, Kalimbasa Fatumah sẽ gọi điện thông báo để người thuê trực tiếp bay sang nhận ma túy và trả tiền công.

Trước đó, ngày 19/02/2023, tại sân bay quốc tế Nội Bài, Cục CSĐTTP về ma túy - Bộ Công an phối hợp lực lượng chức năng bắt quả tang Semega Bangally (SN 1987, quốc tịch Gambia) vận chuyển 6kg cocain trên chuyến bay từ Dubai đến Nội Bài. Số ma túy trên đựng trong 35 gói nylon, bên ngoài được gói bằng giấy màu đen, cất giấu vào 11 áo vải và đáy valy.

Đối tượng Kalimbasa Fatumah cùng 4.296 gram cocain bị bắt giữ

Tương tự, ngày 30/01/2023, tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Cục CSĐTTP về ma túy - Bộ Công an phối hợp Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) và lực lượng Công an, Hải quan sân bay bắt quả tang Autchara Pimpawa (SN 1974, quốc tịch Thái Lan) giấu 2,92kg cocain trong hành lý ký gửi. Qua đấu tranh, Autchara Pimpawa khai đã nhận số ma túy trên từ một đối tượng ở Ethiopia, di chuyển qua sân bay Doha (Qatar), nhập cảnh vào Việt Nam trước khi tiếp tục xuất cảnh sang Lào. Thủ đoạn của đối tượng là giấu 8 bịch cocain trong 4 cuốn truyện bỏ vào hành lý ký gửi.

Liên tiếp những vụ vận chuyển trái phép cocain trên tuyến hàng không bị phát hiện, bắt giữ thời gian gần đây cho thấy xu hướng tội phạm lợi dụng quá cảnh Việt Nam để vận chuyển trái phép cocain sang nước thứ ba là rất đáng lo ngại. Điểm chung là các chuyến bay đều xuất phát từ Châu Phi, quá cảnh một số quốc gia ở Trung Đông trước khi tới Việt Nam. Thông tin khai thác từ các đối tượng cho thấy, Việt Nam chỉ là địa bàn quá cảnh, trước khi ma túy được vận chuyển đi các nước khác trong khu vực. Mục đích của các đối tượng là tạo đường đi lòng vòng qua nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, nhằm đối phó với hoạt động điều tra, theo dõi, bắt giữ các cơ quan chức năng. Được biết, cocain là chất ma túy dạng kích thích mạnh, được sản xuất chủ yếu ở Nam Mỹ, giá rất cao.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm - Liên hợp quốc (UNODC), tại khu vực Đông Nam Á, đã ghi nhận thông tin các đối tượng sử dụng địa bàn Malaysia, Thái Lan để phân phối cocain vào khu vực và Châu Đại Dương. Trong khi đó, ở khu vực Châu Á, Hồng Kông, Trung Quốc được xác định là điểm đến quan trọng trong tuyến vận chuyển cocain. Đáng chú ý, Việt Nam nằm ở vị trí trung tâm khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, có tuyến đường biển, đường hàng không thuận lợi để các đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia lợi dụng trung chuyển ma túy tới Úc và các nước trong khu vực có nhiều người sử dụng cocain (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...), vì vậy tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.

Số cocain cất giấu tinh vi trong bịch nylon dát mỏng giấu dưới đáy valy

Chủ động phòng ngừa, đấu tranh

Để không bị động, bất ngờ trước những diễn biến mới của tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép cocain vào Việt Nam hoặc quá cảnh Việt Nam sang nước thứ ba, theo Cục CSĐTTP về ma túy - Bộ Công an, các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ Công an, Tổng cục Hải quan, Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng, nhất là tại các địa phương có cảng biển, cảng hàng không quốc tế cần chủ động nắm chắc tình hình, triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh.

Các lực lượng Công an, Hải quan cần đẩy mạnh hợp tác với lực lượng Cảnh sát hình sự quốc tế, tổ chức Hải quan thế giới và cảnh sát, hải quan các nước là điểm xuất phát, quá cảnh của các tuyến cocain, để chủ động trao đổi thông tin, nắm chắc tình hình; xác định những tuyến, đối tượng trọng điểm để tổ chức đấu tranh, bắt giữ các đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia. Trên cơ sở thông tin, kết quả đấu tranh, dự báo tình hình, cần đề xuất lãnh đạo Bộ Công an và các bộ, ngành chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương, các lực lượng chức năng chủ động triển khai những giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, với chủ trương phòng, chống ma túy "từ sớm, từ xa". Đặc biệt là việc sớm thực hiện công tác tuyên truyền về phòng, chống tình trạng sử dụng trái phép cocain, để loại ma túy này không có cơ hội xâm nhập vào trong nước, gây nhiều hậu quả đối với xã hội. Bởi vì cocain là loại ma túy có độc tính cao, rất nguy hiểm đối với sức khỏe người sử dụng. Chưa kể nhiều hệ lụy khôn lường khác bắt nguồn từ các đối tượng sử dụng trái phép cocain gây ra.

Bình luận (0)

Lên đầu trang