Đạo Dừa - huyền thoại và sự thật:

Kỳ cuối: Khép lại “một thời vang bóng”

Thứ Tư, 13/05/2015 09:51  | 

|

(CATP) Chọn mảnh đất tứ linh đóng đô với mộng ước “xưng bá” toàn cõi, do “thiên cơ” chưa hợp lẽ đời và lòng người nên cuối cùng “giáo chủ” Đạo Dừa đành về với đất trong chiếc quan tài bằng kính chôn theo tư thế đứng, khép lại “một thời vang bóng” với những dấu tích còn ghi.

Kỳ 5: Ám ảnh “đạo bất tạo con”

Kỳ 4: Xuất chiêu bằng tiền... âm phủ!

Kỳ 3: Đủ kiểu khuếch trương thân thế

Kỳ 2: Nặn ra Đạo Dừa

Kỳ 1: Hành trình tầm sư học đạo của cậu ấm nức tiếng ăn chơi

KHỔ HẠNH KIỂU “GIÁO CHỦ” ĐẠO DỪA

Ngay lúc vừa vào Trại cải tạo Kênh Năm, Nguyễn Thành Nam khăng khăng: “Tôi đã tu tập khổ hạnh hơn 30 năm qua nên xin được sinh hoạt theo thói quen cũ”.

Ở vùng đất Nam bộ trù phú, những loại trái cây đối tượng cần chẳng khan hiếm nên yêu cầu của Hai Nam được Ban lãnh đạo (BLĐ) trại chấp thuận và đáp ứng đầy đủ. Song thực tế hoàn toàn trái ngược, chỉ sau hai ngày sinh hoạt theo chế độ trên, ông này khẩn thiết xin ăn cơm và chuyển về ở gần bể chứa để tiện cho việc tắm rửa (!).

Bên cạnh đó, Hai Nam còn gửi thư cho bà Diệu Ứng dặn dò lúc nào đến thăm nhớ mua nhu yếu phẩm và thực phẩm các loại. Nhiều bức thư ông bảo thân nhân tiếp tế với nội dung khôi hài: “Nhớ gởi đồ kho để ăn cơm, cà ri, bánh mì..., có xôi chè cũng đem theo luôn chứ đừng để cậu Hai thèm nha em cháu”.

Xét thấy Hai Nam tuổi cao sức yếu nên BLĐ trại chiếu cố và tạo mọi điều kiện để sớm tiến bộ nhằm đoàn tụ gia đình. Nhưng phớt lờ chính sách khoan hồng, đối tượng tỏ ra ngang bướng, thường xuyên gây rối, quậy phá, coi thường giám thị trại bằng những phát ngôn phách lối.

Lợi dụng lúc người nhà đến thăm nuôi, Hai Nam xin tiền các đệ tử ruột để yêu cầu BLĐ trại đáp ứng những điều không tưởng như cho được thuê người lao động vào trại phục vụ ông này, được đem các tiện nghi sinh hoạt cá nhân vào để hưởng thụ, ngoài ra còn viết đơn đề nghị lãnh đạo trại cho xây dựng “ngôi nhà hạnh phúc” kèm theo hai thiếu nữ đồng trinh hầu hạ.

Những ý nghĩ bệnh hoạn luôn đeo đẳng khiến sức khỏe Hai Nam ngày càng suy giảm. Đến năm 1985, phạm nhân này được tha khi tỏ thái độ ăn năn, hứa sẽ không tái phạm và cam kết chấp hành quy định của pháp luật để sống tốt quãng đời còn lại.

Thế nhưng với một người luôn tham vọng “ăn trên ngồi trước” trong sự nhàn hạ nên sau khi ra trại, Hai Nam tiếp tục làm chuyện trái với luân thường đạo lý như đã đề cập.

BẢN TÍNH KHÓ DỜI

Ngày 6-3-1990, Nguyễn Thành Nam bất ngờ rời khỏi địa phương cùng một số tay chân thân tín đến TPHCM gây ra nhiều vụ gây rối an ninh trật tự. Bị Công an TPHCM trục xuất khỏi địa phận, Công an tỉnh Bến Tre đưa về lại địa phương nhưng đối tượng không chấp hành mà đến cư trú bất hợp pháp ở TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Tại đây, Hai Nam tụ tập hàng chục người cả nam lẫn nữ phục vụ cho mình, từ cổng đến cầu thang lúc nào cũng có khoảng 20 vệ sĩ lực lưỡng trang bị hung khí bảo vệ. Đế vương hơn khi chỗ ông Nam ngồi lúc nào cũng có hai thiếu nữ hầu quạt, sau 15 phút thay hai cô khác và đổi cả màu của chiếc quạt.

Manh động hơn, lúc này Hai Nam công khai đối đầu, tuyên bố bất hợp tác với Công an tỉnh Bến Tre đồng thời bố trí nhiều người giám sát, canh chừng từ Bến phà Rạch Miễu đến nơi ông này tá túc để chủ động đối phó với lực lượng chức năng.

Thời gian ở đây, Hai Nam tiếp tục tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, bôi nhọ chế độ...

Trước các hành vi quá khích, xem thường pháp luật của đối tượng và đàn em, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bến Tre quyết định khởi tố vụ án và bị can đối với Nguyễn Thành Nam cùng số đối tượng chủ chốt.

Chiều 12-5-1990, khi Công an tỉnh Bến Tre phối hợp Công an Tiền Giang thực hiện lệnh bắt, Hai Nam cho đồng bọn chống trả bằng mọi giá, buộc cơ quan điều tra phải huy động lực lượng hỗ trợ.

Một số đệ tử trung thành của Hai Nam tỏ ra quá khích, có hành vi chống đối, xô đẩy làm đối tượng này ngã chấn thương đầu, được đưa đi bệnh viện cấp cứu.

Đến khi chuyển về Trại tạm giam Công an tỉnh Bến Tre thì ông này từ chối không cho nhân viên y tế chăm sóc và cự tuyệt thuốc men dẫn đến kiệt sức, từ giã cõi đời vào chiều 13-5-1990, thọ 81 tuổi, thi thể được đưa về quê an táng.

Ngôi mộ độc đáo của ông Nam

THÚ TỘI

Được sự đồng thuận của Hai Nam lúc còn sống, ngày 19-10-1977 Huỳnh Ngọc Ẩn và Huỳnh Thị Ứng cùng 49 người liên quan đến Đạo Dừa cũ đồng đứng đơn gửi Bí thư Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre, Ban hành chính tỉnh xin hiến toàn bộ cơ sở vật chất chùa Nam Quốc Phật và giao khu vực Đạo Dừa quản lý ở Cồn Phụng cho chính quyền địa phương, sau đó ra nhận lỗi trước nhân dân.

Ông H. - người em cùng cha khác mẹ với Hai Nam, cũng là đệ tử của Đạo Dừa - từng thú nhận tội lỗi của mình với bà con và chính quyền huyện Châu Thành sáng 1-10-1988: “Ngoài đạo bất tạo con, việc phát các loại băng ghi âm mang nội dung không lành mạnh, không được chính quyền địa phương chấp nhận là hành vi vi phạm pháp luật. Một số phát ngôn của anh Nam đã làm giảm uy tín của Nhà nước, mong được chính quyền và bà con tha thứ...”.

Những kẻ liên quan đến cái chết của Hai Nam, 5 tháng sau được đưa ra trước vành móng ngựa. Kết thúc vụ án cũng khép lại cuộc đời có một không hai trên dải đất cù lao được mệnh danh là quê hương xứ dừa.

VỀ NƠI LƯU DẤU MỘT THỜI

Cách đây hơn 3 năm, khi du khách còn có dịp đi trên phà Rạch Miễu (cũ) nối Tiền Giang - Bến Tre bằng Quốc lộ 60, lúc ngang qua cồn ông Đạo Dừa, hầu hết đều hướng tầm mắt về “thánh địa” một thời của Hai Nam vang danh khắp Nam kỳ lục tỉnh, nay trở thành Khu du lịch Cồn Phụng cũng nức tiếng không kém.

Nơi đây vẫn còn lưu dấu những thắng tích như thuyền Bát Nhã, Bát quái đài, núi Thất Sơn, biểu tượng cầu Hiền Lương - sông Bến Hải... mà một thời Hai Nam tổ chức đò máy đưa đón khách thập phương đến tham quan.

Trước đầu cồn, Hai Nam cho dựng thêm sân “cầu nguyện” lộ thiên, lót ván, cùng lúc có thể chứa cả ngàn người. Phía ngoài, cách đó chừng 100 thước, ông Đạo Dừa tọa trên thuyền Bát nhã, ở phần mũi treo chiếc chuông lớn gọi là Đại hồng chung, giao cho 4 ông Đạo thay nhau gióng lên những tiếng ngân nga hành lễ.

Trước năm 1963 khi Hai Nam chưa về cát cứ, nơi đây vắng vẻ, ít thấy bóng người; nhưng kể từ lúc “giáo chủ” về xây Nam Quốc Phật... thì mỗi ngày cồn Phụng đón đến hàng trăm lượt khách. Kẻ đem gạo, người mang nước tương, trái cây đến cúng dường, nhất là vào những ngày rằm, ba mươi hoặc mùng một, người thăm viếng nhiều vô kể.

Hai Nam về cồn Phụng chừng hai năm đã thu phục gần cả chục ngàn đệ tử, nhưng hiện gần như chẳng còn ai và lớp hậu duệ cũng không ai theo Đạo Dừa.

Riêng cựu ứng viên phó tổng thống Việt Nam Cộng hòa Diệu Ứng đã mất ngày 28 Tết Nhâm Thìn 2012 tại xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, Bến Tre, thọ 80 tuổi. Cũng tại đây, khu mộ phần của gia tộc Hai Nam nằm trong vườn dừa có diện tích 2.000m², trong đó chỉ duy nhất ngôi mộ chôn đứng xung quanh ốp kiếng là nơi yên nghỉ của ông Đạo Dừa.

Khu đất hiện được hai người em cùng cha khác mẹ với ông này gìn giữ. Ông Lê Minh Trí, Phó giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Bến Tre, cho biết các công ty du lịch trong tỉnh đang có kế hoạch tổ chức tour đến khu mộ phần gia tộc độc đáo này cho khách tham quan.

Khu du lịch Cồn Phụng và những kiến trúc kỳ quặc của Hai Nam

Ngày nay du khách có dịp đến cồn Phụng, đứng trên gác chuông nhìn ra sông Cửu Long thấy thấp thoáng 4 cồn nổi nằm cách nhau chừng 2.000m, có tên Long, Lân, Qui, Phụng. Theo các nhà nghiên cứu, 4 cồn này được gọi là tứ linh, xuất hiện ở điểm cuối trên Cửu Long - dòng sông phát nguyên từ Tây Tạng chảy qua dãy Hy Mã Lạp Sơn, một nhánh rẽ ngang rồi bỏ ngọn về Việt Nam, miệng hướng ra biển Đông.

Trong đó, phần ở Cửu Long có khả năng kết tụ nguyên khí nên xuất hiện hình ảnh tứ linh. Từ đây có rất nhiều giả thiết đặt ra cho con sông này: hễ một dòng sông có phát nguyên từ vùng đất hiển linh, núi cao ngàn năm không người ở, rừng rậm ngàn năm không bóng người lui tới, sóng lượn nghênh ngang ngàn thu không cạn thì con sông ấy chắc chắn sẽ kết tụ long huyệt, rất hiển linh và cao siêu về mặt tinh thần...

Chẳng biết có phải thấy trước “thiên cơ” này chăng mà Hai Nam đã dời Bát quái đài bên bờ Ba Lai về đây xây “thánh địa” Đạo Dừa ngay trên đầu cồn Phụng, để rồi qua bao biến thiên thời cuộc, những dấu tích xưa vẫn hiển hiện như chứng nhân của “một thời vang bóng”...

Huỳnh Thanh Tuấn - Cao Nguyên

Bình luận (0)

Lên đầu trang