(CAO) Dư luận đang hết sức bàng hoàng trước vụ nhà hàng nổi của Công ty ăn uống Vĩnh Tiến (tại vịnh Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) chở 300 du khách, trong đó có trẻ em bị sập khiến 2 người chết, xảy ra lúc 10 giờ 45 sáng 23-7.
Nguyên nhân vụ tai nạn theo Đại tá Nguyễn Quang Huỳnh, Phó chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Ninh Thuận cho biết trong họp báo là do chiếc tàu chở khoảng 20 du khách khi cập sát nhà hàng thì không may va đập vào mạn phải bè. Lúc này, 300 du khách đang ăn uống, vui chơi hoảng loạn chạy về mạn trái khiến bè bị nghiêng, rồi sập.
Làng bè xã Long Sơn
Hời hợt với áo phao
Một ngày sau khi xảy ra vụ việc đáng tiếc, PV Báo Điện tử Công an TP.HCM có chuyến đi thực tế đến khu vực Làng bè xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), một địa điểm du lịch sinh thái, ẩm thực khá nổi tiếng với mô hình nuôi cá bè, bè hào, nhà hàng ẩm thực nổi trên mặt nước…
Được sự hướng dẫn của người dân, PV tìm đến bến đò Bến Đá để lên ghe, cùng hàng chục du khách khác ra khu ẩm thực nổi Đ.N, cách bờ khoảng 3 phút đi ghe. Mặc dù trên ghe được trang bị rất nhiều áo phao, nhưng hầu như không một ai để tâm. Tài công là nhân viên của bè nổi Đ.N cũng không đả động gì đến việc mặc áo hay nhắc nhở hành khách mang vật dụng nổi, đảm bảo an toàn.
Đây là một địa điểm du lịch sinh thái, ẩm thực khá nổi tiếng với mô hình nuôi cá bè, bè hào, nhà hàng ẩm thực nổi trên mặt nước…
Vượt quãng đường gần 500m, chiếc ghe đưa hàng chục du khách đến bè hàu Đ.N đúng vào giờ ăn trưa, cộng với thời điểm cuối tuần nên nơi đây không còn một chỗ trống. Theo ghi nhận của PV, có khoảng hơn 500 người có mặt trên bè nổi này cùng một thời điểm. Mặc dù bè được thiết kế, liên kết với nhau khá chắc chắn nhưng không thể tránh khỏi những đợt rung lắc mạnh bởi hàng trăm du khách đang ăn uống, vui đùa phía trên.
Trên bè, áo phao ít được chú trọng mà thay vào đó là những chiếc phao cứu sinh tròn, được bố trí dọc lối đi ở giữa. Tuy nhiên, các vị trí ngoài rìa bè nổi, việc trang bị phao tỏ ra hời hợt. Gần khu vực bếp có 2 chồng phao cứu sinh, nhưng lại được buộc chặt vào nhau... Nếu so với số lượng khách đến đây thì tất cả số phao cứu sinh hiện hữu chẳng thấm vào đâu.
Không ai mặc áo phao trên ghe trung chuyển của bè Đ.N
Du khách chủ quan
Bước xuống ghe trung chuyển của nhà bè Đ.N, anh T.M.H (28 tuổi, quê TP.HCM) cho biết: “Vụ việc xảy ra tại Vĩnh Hy tôi có nghe nói, nhưng tại khu vực bè hào Đ.N chúng tôi đi, tôi vẫn cảm thấy sự an toàn vì áo phao được trang bị trên tàu và trong chỗ ăn uống”.
Chị N.V.N (33 tuổi, quê TP.HCM) đi cùng chồng và 2 con nhỏ cũng có cùng suy nghĩ trên: “Tôi đi trên ghe thì không nghe ai nhắc việc mặc áo phao, kể cả tài công. Nhưng đến hiện tại thì tôi cảm thấy bè này tương đối an toàn với tôi và gia đình. Hơn nữa, khoảng cách ra bè tương đối gần, tôi cũng biết bơi nên không quá lo lắng”.
Áo phao treo sát trần nhà
Rời khỏi bè hàu Đ.N về lại bến đò, PV tiếp tục lên ghe trung chuyển khác đến khu ẩm thực nổi L.S. Tài công vẫn chỉ đếm số lượng hành khách và nổ máy di chuyển, chứ không hề có hành động phát áo phao hoặc nhắc nhở hành khách về sự an toàn.
Nhận định về các thiết bị an toàn trên ghe, anh N.M.Q (34 tuổi, quê Lâm Đồng) tỏ ra bức xúc: “Khi lên tàu chúng tôi thấy có bảng ghi 'Vì sự an toàn xin quý khách mặc áo phao’, nhưng không ai đoái hoài tới. Tôi đi cả gia đình, có con nhỏ nên cảm thấy việc để bảng cảnh báo bằng tiếng Anh, tiếng Việt và áo phao trên tàu là chỉ để đối phó với cơ quan chức năng chứ thực sự chưa hữu ích”, anh Q. bức xúc.
Vấn đề an toàn hời hợt
Tại khuôn viên của bè L.S, áo phao được treo trên phần lưới, để sát trần nhà. Có vẻ như bè L.S không thật sự chú trọng đến các dụng cụ nổi, nhưng bù lại, bè nổi này trang bị rất nhiều bình chữa cháy cầm tay, được bố trí theo các trụ trong khu ẩm thực, tạo cho du khách cảm giác yên tâm.
Vụ việc xảy ra tại nhà hàng nổi của Công ty ăn uống Vĩnh Tiến gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức độ an toàn của các dịch vụ ẩm thực, nhà hàng nổi. Thế nhưng, cả chủ cơ sở kinh doanh và người dân đều hời hợt với vấn đề này.