(CAO) Những ngày cận Tết, hàng chục nghệ nhân tại làng gốm Thanh Hà, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam tất bật nặn tượng linh vật trâu đất để kịp phục vụ nhu cầu của thị trường dịp Tết Tân Sửu 2021.
Ngay từ tháng Chạp, các nghệ nhân tại làng gốm hơn 500 tuổi ở phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam đã hối hả chuẩn bị đất sét, lò nung để nhào nặn linh vật trâu đất cung ứng ra thị trường Tết Nguyên đán 2021.
Trâu đất được nặn tỉ mỉ, chuẩn bị đem nung thành phẩm.
Chị Võ Tấn Kim Chi (trú phường Thanh Hà) cho biết, dịp cuối năm là cơ hội để làng nghề có thể bán các sản phẩm từ gốm, nhất là các bức tượng về linh vật Tết…
“Mỗi năm, các nghệ nhân tại làng gốm Thanh Hà lại nặn tượng linh vật Tết để trưng bày ở làng gốm và bán ra thị trường. Năm nay, chúng tôi chế tác ra nhiều tượng con trâu với các kiểu dáng mới lạ để bán cho khách du lịch và phục vụ người dân”, chị Chi chia sẻ.
Linh vật trâu bày bán dịp Tết Nguyên đán.
Theo nhiều người dân phường Thanh Hà, để có được những chú trâu đất sét đầy sống động, từ rằm tháng 8, các nghệ nhân đã phải tranh thủ đào loại đất sét nằm sâu 2-3m được phù sa bồi đắp trên sông Thu Bồn. Sau đó đem phơi khô rồi cho vào cối giã thành bột mịn để ra đất nặn màu xám nhạt. Đất sét sau khi làm sạch sẽ được nhào nặn để tạo hình các linh vật theo ý muốn. Mọi công đoạn làm nên tượng trâu đều hoàn toàn thủ công. Tùy theo kích thước và hoa văn trang trí mà các nghệ nhân mất khoảng 1 giờ đến 1 ngày để có thể tạo nên một tượng trâu đất.
Khách hàng ứng ý một tượng trâu làm bằng gốm.
Sau khi nặn thành hình, trâu đất sẽ được mang phơi nắng và để khô tự nhiên trong vòng 3 ngày đến 1 tuần. Công đoạn cuối cùng là đánh bóng, quét men gốm. Điều đặc biệt là gốm Thanh Hà có nhiều sắc độ màu khác nhau như vàng đỏ, đỏ gạch, nâu, hồng, đen... mà không cần đến bất kỳ hóa chất nào, chỉ dựa vào kinh nghiệm của người làm gốm khi pha trộn đất và sử dụng nhiệt độ.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Xê cho biết, Tết năm nay đã tạo hình hàng chục linh vật con trâu cỡ lớn (30x60cm) với đầy đủ tư thế: đứng, nằm, gặm cỏ, chiến đấu, theo đơn đặt hàng trong và ngoài tỉnh. Mỗi cặp tượng có giá khoảng 2 đến 3 triệu đồng.
Linh vật trâu đất được làm thủ công rất đẹp.
Theo nghệ nhân Xê, ông chọn làm trâu đất vì vừa mang ý nghĩa con giáp biểu tượng năm Tân Sửu vừa mang nét làng quê dân dã, truyền thống. Cặp trâu sừng sững ngoảnh mặt nhìn nhau tạo sinh khí, sức sống mới, hi vọng trong năm mới, sức kéo của các chú trâu đất sẽ thúc đẩy kinh tế địa phương đi lên, mang nhiều may mắn đến với người dân, đất nước.
“Làm gốm trâu rất kì công, riêng công đoạn nặn, vuốt đã mất vài ngày, khó nhất là làm sừng trâu, phải tỉ mỉ uốn cong và ướm sừng vào phần đầu sao cho đẹp. Năm nay, vì Covid-19 nên tôi cũng không dám làm nhiều, chứ mọi năm, tầm này việc bận không ngơi tay”, ông Xê nói.
Nhiều tượng trâu được nặn bằng đất rất đẹp.
Ngoài ra, các nghệ nhân còn sáng tạo ra mâm trâu đất với 20 bức tượng trâu có kích thước nhỏ, xinh xắn, nằm lọt trong lòng bàn tay. Trâu đất còn được kết nối với các con giáp khác để tạo thành những chiếc chuông gió rất bắt mắt để trang trí nhà cửa...