(CATP) Nhằm bảo đảm cung cấp nước sạch, bảo vệ môi trường, đồng thời phòng ngừa, ứng phó để giảm nhẹ thiên tai…, UBND TPHCM đã ban hành quyết định phê duyệt "Phương án phát triển thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Trong đó, đặc biệt chú trọng đến chương trình phát triển nông nghiệp đô thị và bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ dân sinh.
Nỗ lực bảo đảm nguồn nước
Tính đến thời điểm này, ngành thủy lợi TPHCM đã và đang xây dựng khoảng 45 hệ thống công trình thủy lợi (chưa kể có khoảng 600 hạng mục công trình bờ bao phòng, chống triều cường kết hợp giao thông nông thôn đã được TPHCM đầu tư các năm qua), với khoảng 2.000km đê bao, bờ bao lớn, nhỏ ven các sông, kênh, rạch, kèm theo hơn 900 công trình phụ trợ như cống, đập, trạm bơm...
Các công trình, hệ thống công trình thủy lợi đã và đang xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ tưới tiêu, xổ phèn, ngăn mặn cho khoảng 55.000 héc-ta đất sản xuất nông nghiệp, ngăn lũ, ngăn triều, chống ngập úng cho khoảng 70.000 héc-ta, đầu tư tập trung chủ yếu tại các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Cần Giờ và các quận vùng ven. Trong đó, có các hệ thống thủy lợi lớn như: kênh Đông Củ Chi, Hóc Môn - Bắc Bình Chánh, Bến Mương - Láng The, bờ hữu ven sông Sài Gòn từ cầu Bến Súc đến sông Vàm Thuật, hệ thống tiêu thoát nước, cải thiện môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên... Bên cạnh phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối và phòng, chống cháy rừng, các công trình trên còn bảo đảm cung cấp nước thô 450.000m3/ngày đêm cho nhà máy nước sinh hoạt, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và dân sinh.
Theo UBND TPHCM, phần lớn các công trình đã đầu tư có tác động tốt, phục vụ hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện phát triển các mặt của nông thôn ngoại thành, góp phần tạo nên cơ sở hạ tầng xây dựng nông thôn như: giao thông nội đồng, cải thiện môi trường, môi sinh, giảm nhẹ thiên tai, cấp nước sinh hoạt cho vùng sâu ngoại thành. UBND TPHCM phê duyệt "Phương án phát triển thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" nhằm tiếp tục đồng bộ, phù hợp với Chiến lược thủy lợi Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Đông Nam Bộ giai đoạn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050 thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo đảm an ninh nguồn nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...
Hệ thống bể lọc tại Nhà máy nước Thủ Đức, nơi cung cấp nước sạch cho người dân TPHCM
Không để thiếu nước phục vụ dân sinh
Được biết, quy hoạch thủy lợi TPHCM đã đạt được mục tiêu năm 2020 là cấp nước tưới cho 15.580 héc-ta cây hàng năm, 8.650 héc-ta cây lâu năm, 1.000 héc-ta sản xuất muối và 7.773 héc-ta nuôi thủy sản; tiêu nước cho 63.623 héc-ta; cấp nước trực tiếp phục vụ dân sinh từ kênh Đông là 450.000m3/ngày đêm. TPHCM đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là bảo đảm cung cấp nước tưới cho 22.944 héc-ta diện tích đất sản xuất nông nghiệp, tiêu thoát nước cho diện tích hơn 70.000 héc-ta. Ngoài nhiệm vụ cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp, công trình thủy lợi còn đảm nhận nhiệm vụ cung cấp nước cho sinh hoạt của TPHCM từ nguồn nước hồ Dầu Tiếng, thông qua hệ thống công trình thủy lợi kênh Đông Củ Chi đến năm 2045 là 1.000.000m3/ngày đêm, phục vụ người dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Nước là nguồn tài nguyên quan trọng đối với con người
Tính đến năm 2022, TPHCM đã nâng cấp Hệ thống công trình thủy lợi kênh Đông Củ Chi đáp ứng mục tiêu cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp; 488 công trình thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới... Hiện thành phố đang tiếp tục triển khai thực hiện đầu tư các dự án, công trình còn lại, gồm: Nâng cấp hệ thống thủy lợi Hóc Môn - Bắc Bình Chánh; các công trình thuộc Tiểu vùng 1 (H.Củ Chi), Tiểu vùng 2 (H.Hóc Môn và Bắc Bình Chánh), Tiểu vùng 3 (Nam Bình Chánh và H.Nhà Bè); các dự án kênh Trung Ương, rạch Cầu Sa, nâng cấp hệ thống Bến Mương - Láng The, nạo vét kênh Địa Phận...
Những năm gần đây, tình hình thiên tai ở nước ta nói chung và TPHCM nói riêng đang diễn biến ngày càng phức tạp, bất thường (gồm bão, áp thấp nhiệt đới; sạt lở, sụt lún đất; nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn...). Tình hình đô thị hóa tại các vùng ven diễn ra rất nhanh, hình thành các khu công nghiệp, khu đô thị tập trung..., tác động không nhỏ đến sự vận hành các công trình thủy lợi. Định hướng phát triển nông nghiệp đô thị TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng chú trọng đến công tác bảo đảm nước sạch cho nhu cầu sinh hoạt của người dân và sản xuất, kinh doanh.
UBND TPHCM đã giao các đơn vị chức năng tập trung phương án phát triển thủy lợi Tiểu vùng 1 (H.Củ Chi), hệ thống kênh Đông, các hệ thống thủy lợi ven sông Sài Gòn, phương án phát triển thủy lợi Tiểu vùng 2 (Q12, các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè), Tiểu vùng 3 (H.Cần Giờ)... nhằm phục vụ việc cấp nước, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng, chống ngập úng cũng như chủ động nguồn cấp nước cho nhân dân vào các tháng mùa khô như hiện nay.