Miền Tây sau hai tuần sáp nhập các đơn vị hành chính

Thứ Ba, 15/07/2025 09:59

|

(CATP) Hai tuần sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính và triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, các tỉnh miền Tây đã ghi nhận sự ổn định và hiệu quả bước đầu trong tổ chức bộ máy. Chính quyền mới không chỉ vận hành thông suốt mà còn mang lại sự đoàn kết, minh bạch, đồng hành, đồng thuận, tạo được sự kỳ vọng lớn lao trong lòng người dân. Một mô hình hiện đại, gần dân, sát dân đang dần hình thành rõ nét ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng.

Vận hành thông suốt

Tại phường Tân Châu (tỉnh An Giang) không khí làm việc tại trung tâm hành chính công luôn sôi nổi ngay từ sáng sớm. Người dân đến làm giấy tờ, thủ tục được cán bộ tiếp nhận tận tình, không còn phải qua nhiều khâu trung gian như trước.

Anh Nguyễn Văn Khang, ngụ khóm Long Thị D chia sẻ: "Tôi thấy rất rõ sự thay đổi. Trước đây muốn làm thủ tục gì phải chạy tới xã, rồi lại qua huyện, nhưng giờ sáp nhập rồi, một đầu mối giải quyết luôn. Cán bộ hướng dẫn kỹ càng, thủ tục cũng đơn giản hơn".

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Tiến Hải cùng đoàn công tác kiểm tra hoạt động tại Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Tân Châu

Sau khi sáp nhập, bộ máy chính quyền tại nhiều tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, TP.Cần Thơ, Trà Vinh, Vĩnh Long đã nhanh chóng ổn định. Việc phân công nhiệm vụ, bố trí cán bộ, cơ sở vật chất được thực hiện bài bản, chặt chẽ. Đặc biệt, mô hình hai cấp (tỉnh và xã) đã giúp tinh giản tầng nấc trung gian, tăng tính chủ động cho chính quyền cơ sở.

Tư duy hành chính cũ, nơi cán bộ là "người ban phát" đang dần được thay thế bằng tinh thần phục vụ, phụng sự, đồng hành, đồng thuận. Điều này được chính Bí thư Tỉnh ủy An Giang - ông Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng (diễn ra ngày 03/7/2025 vừa qua).

"Chúng ta phải chuyển từ nền hành chính quản lý sang nền hành chính phục vụ. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức không chỉ làm tốt phần việc của mình mà còn phải biết lắng nghe, gần dân, sát dân, bám cơ sở. Mô hình mới không được phép chậm trễ, không để người dân phải phiền lòng vì cách làm cũ”.

Người dân đến trung tâm hành chính công được cán bộ hướng dẫn thực hiện thủ tục hành chính nhanh, gọn, lẹ và cảm thấy rất hài lòng

Từ chỉ đạo này, các xã đã triển khai những giải pháp cụ thể như tổ chức giao ban hàng tuần để kiểm điểm tiến độ, rà soát lại toàn bộ quy trình hành chính, lập nhóm trực hỗ trợ người dân ở các xã vùng sâu trong giai đoạn chuyển tiếp.

Tại xã Tân An (tỉnh An Giang), địa bàn vùng biên giới vừa được sáp nhập, Bí thư Đảng ủy xã La Hồng Phong cho biết: "Chúng tôi xác định, muốn chính quyền địa phương 2 cấp vận hành tốt thì Đảng phải nắm chắc địa bàn, sâu sát Nhân dân trong từng ấp, từng hộ dân. Ngay sau sáp nhập, xã đã kiện toàn tổ chức, thành lập các tổ công tác phụ trách từng cụm dân cư để giải quyết từng nhóm vấn đề, không để người dân gặp vướng mắc mà không biết hỏi ai".

Cũng theo ông Phong, điểm đặc biệt sau sáp nhập là sự phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể rất linh hoạt. "Trước kia, có những việc phải lên thị xã mới giải quyết, giờ xã đã đủ thẩm quyền giải quyết trực tiếp, giảm rất nhiều thời gian cho dân và cho chính mình" - Ông Phong, khẳng định.

Lực lượng Công an xã và cán bộ địa phương hướng dẫn Nhân dân làm thủ tục trên môi trường mạng

Thực tế sau 2 tuần sáp nhập đơn vị hành chính tại các tỉnh miền Tây cho thấy, phần lớn người dân tỏ ra đồng tình, ủng hộ chủ trương này, bà con vô cùng phấn khởi, kỳ vọng với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Bà Nguyễn Thị Hạnh (hộ kinh doanh tại xã Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) cho biết: "Trước đây mỗi lần xin giấy phép kinh doanh là phải lên huyện, giờ xã giải quyết được luôn, đỡ tốn công, đỡ tốn tiền. Nhà nước làm vậy là hợp lý, tiết kiệm ngân sách mà dân lại hưởng lợi".

"Việc sáp nhập đã tạo ra các tuyến du lịch nội tỉnh đa dạng hơn, kết nối các điểm tham quan, du lịch khác nhau. Du khách có thể khám phá nhiều điểm đến hơn trong cùng một tuyến, từ rừng ngập mặn, chợ nổi, làng nghề đến biển đảo, núi non. Việc hình thành các "siêu" tỉnh, thành tạo điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch và phát triển du lịch, thu hút đầu tư và khách du lịch đến với các địa phương" - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, ông Trần Văn Lâu, chia sẻ.

Tuy nhiên, không phải ai cũng quen ngay với sự thay đổi. Một số người dân còn bỡ ngỡ khi địa danh, địa giới thay đổi. Chính quyền các cấp đã tích cực tuyên truyền, thông báo bằng nhiều hình thức, từ loa truyền thanh đến mạng xã hội, bản tin cộng đồng để người dân dễ tiếp cận, hiểu rõ và sớm thích ứng, thích nghi.

Đồng thuận, kỳ vọng

Không chỉ dừng ở cải cách hành chính, việc sáp nhập và tinh gọn bộ máy còn tạo nguồn lực, tinh thần mới để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và An Giang một trong những tỉnh đi đầu, ghi nhận nhiều chỉ số ấn tượng trong 6 tháng đầu năm 2025. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế đạt 8,12%, công nghiệp - xây dựng tăng 11,33%, dịch vụ tăng 10,8%, nông - lâm - thủy sản đạt mức tăng 3,42%, sản lượng lúa đạt 4,3 triệu tấn; thủy sản gần 780.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,1 tỷ USD, du lịch tăng mạnh với hơn 14,2 triệu lượt khách, doanh thu trên 37.200 tỷ đồng.

Cộng đồng doanh nghiệp ở Miền Tây rất phấn khởi vì thị trường tiêu thụ sản phẩm được mở rộng

Theo ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, việc sắp xếp bộ máy tinh gọn giúp tiết kiệm nguồn lực đáng kể, từ đó ưu tiên đầu tư cho hạ tầng, y tế, giáo dục, du lịch... Giải ngân đầu tư công trong nửa đầu năm đã đạt gần 5.534 tỷ đồng, tăng hơn 500 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái, tạo lực đẩy cho hàng loạt dự án trọng điểm chuẩn bị cho APEC 2027.

Để mô hình chính quyền địa phương 2 cấp phát huy tối đa hiệu quả, các địa phương miền Tây cần tập trung thực hiện đồng bộ bốn nhóm giải pháp chiến lược gồm: Cải cách thủ tục hành chính, hướng đến phục vụ, tăng cường đối thoại, lắng nghe dân, nâng cao năng lực điều hành và phân quyền, bảo đảm nguồn lực và hạ tầng thiết yếu...

Cụ thể, trên lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, các địa phương cần tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục còn rườm rà. Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đồng thời nâng cao chất lượng cán bộ, tăng cường kỹ năng giao tiếp. Công khai quy trình, thời gian, lệ phí rõ ràng.

"Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, các địa phương trong tỉnh cần tăng cường đối thoại, lắng nghe ý kiến nhân dân. Nỗ lực tiếp xúc cử tri theo định kỳ, tổ chức đối thoại tại cơ sở. Phát triển các kênh tiếp nhận phản ánh (Zalo, Facebook), đồng thời chú trọng giải quyết dứt điểm các kiến nghị, có thông báo kết quả minh bạch, lấy ý kiến nhân dân khi xây dựng các chủ trương lớn" - Bí thư Tỉnh ủy An Giang - ông Nguyễn Tiến Hải, nhấn mạnh.

Giao thông liên vùng được kết nối thông suốt giúp các tỉnh đẩy mạnh phát triển du lịch, thương mại

Tiếp tục nâng cao năng lực điều hành của chính quyền, rà soát cơ chế phân cấp rõ ràng, tránh chồng chéo, đồng thời trong quy hoạch phải có tầm nhìn, gắn với đặc thù vùng sông nước, biên giới, tăng cường phối hợp liên ngành, liên tỉnh trong phát triển bền vững, đào tạo đội ngũ lãnh đạo chủ chốt có năng lực, bản lĩnh, dám nghĩ dám làm. Đây là những việc cần làm ngay trong giai đoạn hiện nay ở ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung để đưa đất nước, dân tộc vươn mình, bước vào kỷ nguyên mới.

Sau hai tuần triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, các tỉnh miền Tây đã có sự chuyển động mạnh mẽ, quyết liệt và hiệu quả. Chính quyền mới không chỉ vận hành thông suốt mà còn mang lại sự đoàn kết, minh bạch, đồng hành, đồng thuận, tạo được sự kỳ vọng lớn lao trong lòng người dân.

Từ thay đổi bộ máy đến chuyển biến trong tư duy phục vụ, từ sự đồng thuận của dân đến sự chủ động của Đảng, chính quyền, tất cả đang hội tụ để xây dựng một nền hành chính tinh gọn, hiện đại, minh bạch, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và gần dân hơn bao giờ hết.

Hiện các tỉnh miền Tây đã có những thay đổi đáng kể, đặc biệt là về cơ cấu hành chính và diện mạo du lịch. Số lượng tỉnh, thành giảm, hình thành các "siêu" tỉnh, thành, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh An Giang sau sáp nhập trở thành địa phương có diện tích lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời là vựa lúa lớn nhất của vùng.

Thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đã giúp giảm số lượng đơn vị hành chính đáng kể, thay vì 13 tỉnh, thành như trước, miền Tây hiện nay chỉ còn 6 đơn vị hành chính cấp tỉnh, bao gồm: Tây Ninh, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cà Mau và TP.Cần Thơ. Việc sáp nhập này đã hình thành các "siêu" tỉnh, thành với diện tích và quy mô dân số lớn hơn, giúp tinh giản bộ máy hành chính và giảm chi phí hoạt động.

Bình luận (0)

Lên đầu trang