Miền Tây: Thấp thỏm nỗi lo sạt lở ven sông, rạch

Thứ Tư, 02/11/2022 08:04

|

(CATP) Trước những đợt triều cường dâng cao bất thường mới đây, người dân ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thấp thỏm lo âu trước tình trạng sạt lở ngày càng gia tăng. Nhiều người dân chỉ sau một đêm, khi thức dậy thì hoảng hốt thấy con đường trước nhà mình đã bị nước cuốn trôi.

Lãnh đạo UBND TP.Cần Thơ kiểm tra tuyến đường bị sạt lở

ĐOẠN ĐƯỜNG “BIẾN MẤT” TRONG ĐÊM

Sáng 27-10-2022, người dân phát hiện đoạn sạt lở tại khu vực bờ kè sông Bến Tre (P7TP.Bến Tre, tỉnh Bến Tre). Bờ kè này nằm dọc đường Hùng Vương, dài hơn 3km, được đưa vào sử dụng cách đây hơn 20 năm. Một số đoạn đã bị hư hỏng, lún cục bộ. Trong năm 2020 và 2021, Phòng Quản lý đô thị TP.Bến Tre tiến hành sửa chữa một số vị trí của bờ kè sông Bến Tre do sụt lún. Trước đó, đoạn bờ kè sông Bến Tre ngang Công viên Mỹ Hóa dài khoảng 20m bị lún, sạt xuống sông. Gần khu vực này còn xuất hiện vết nứt dài khoảng 15m, nếu không xử lý kịp thời sẽ tiếp tục xảy ra sạt lở, có thể gây thiệt hại lớn.

Nhiều nhà dân ven sông Trà Nóc (quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ) bị sạt lở đe dọa

Theo các cơ quan chức năng, nguyên nhân sạt lở do thân kè chịu tác động của dòng chảy sông Bến Tre, đặc biệt là vào mùa mưa lũ, nước từ thượng nguồn tràn về khiến chân kè bị hư hỏng. Sau đợt triều cường dâng cao vừa qua, Phòng Quản lý đô thị TP.Bến Tre sẽ xác định, đánh dấu các vị trí hư hỏng cục bộ và giao Công ty cổ phần Công trình đô thị Bến Tre sửa chữa.

Tuyến sông Ba Rày chảy qua H.Cai Lậy và TX.Cai Lậy nối vùng Đồng Tháp Mười phía Bắc với sông Tiền phía Nam hiện cũng là một trong những “điểm nóng” về sạt lở tại tỉnh Tiền Giang. Trong những ngày qua, mưa lũ và triều cường dâng cao khiến bờ Đông sông Ba Rày (xã Hội Xuân, H.Cai Lậy) lại bị sạt lở nghiêm trọng. Tối 07-10, đoạn bờ sông dài gần 50m bất ngờ sạt xuống sông, kéo theo một căn nhà ven sông bị chìm. Đoạn Huyện lộ 54B qua khu vực này bị cắt đứt hoàn toàn.

DI DỜI DÂN KHỎI KHU VỰC NGUY HIỂM

Tại tỉnh Trà Vinh, triều cường dâng cao, dòng chảy mạnh kết hợp với mưa lớn kéo dài, thường xuyên đã làm sạt lở, dòng xoáy ăn sâu vào chân đê bao một số khu vực ở H.Cầu Kè từ 2 - 5m. Ngày 11-10, UBND tỉnh Trà Vinh tiếp tục công bố tình huống khẩn cấp sự cố sạt lở các đoạnđê bao ven sông Hậu(các xã Ninh Thới, Hòa Tân của H.Cầu Kè), với tổng chiều dài là 312m. Sáng 10-10, triều cường dâng cao, làm vỡ 7 đoạn đê ven sông Hậu, nước tràn vào gây ngập hơn 37 héc-ta vườn cây ăn trái của 69 hộ dân.

Ở xã Hòa Tân, triều cường gây ngập cục bộ một số điểm, ảnh hưởng 24 héc-ta đất vườn của 35 hộ dân. Nhiều nơi trên địa bàn xã, triều cường lên cao gần bằng mặt đê. Nếu các đoạn sạt lở này không được khắc phục kịp thời trước các đợt triều cường dâng cao và mưa, bão vào cuối năm 2022, nguy cơ vỡ đê bao là rất cao, đe dọa đến tính mạng người dân, gây thiệt hại về nhà ở, cơ sở hạ tầng, 429 héc-ta vườn cây ăn trái của 537 hộ dân trong khu vực. Cạnh đó, UBND tỉnhTrà Vinhđã công bố tình huống khẩn cấp sự cố sạt lở các đoạn đê bao sông Tân Dinh và sông Bông Bót (xã Tam Ngãi, H.Cầu Kè) với tổng chiều dài là 170m.

Nền đường trượt xuống sông chỉ sau một đêm 6

Nhiều vụ sạt lở bờ sông cũng xảy ra ở tỉnh Đồng Tháp. Mới đây, khu vực bờ sông Tiền đoạn qua xã Tân Quới (H.Thanh Bình) bị sạt lở khoảng 30m, ăn sâu vào đất liền 22m, gây thiệt hại 2 ngôi nhà. Lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã tổ chức di dời khẩn cấp 17 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Cách đó không xa, khu vực nhà của anh Đinh Tấn Phước (ngụ xã Tân Quới) xảy ra vụ sạt lở khác, ăn sâu vào đất liền khoảng 20m. Ông Nguyễn Văn Minh (Phó Chủ tịch UBND xã Tân Quới) cho biết, toàn xã có chiều dài vành đai đứng trước nguy cơ sạt lở hơn 9km, với 351 hộ dân đang sinh sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, khoảng cách nhà tiếp giáp bờ sông từ 7 - 60m.

NỖ LỰC PHÒNG, CHỐNG SẠT LỞ

Báo cáo của tỉnh An Giang, 9 tháng đầu năm năm 2022, số vụ sạt lở lẫn mức độ thiệt hại do sạt lở gây ra tại địa phương tuy giảm so với cùng kỳ năm 2021, nhưng lại gia tăng về quy mô, tần suất. Tỉnhnày xảy ra 30 điểm sạt lở, sụt lún, rạn nứt đất bờ sông, kênh, rạch ở các huyện, thị xã: An Phú, Tri Tôn, Châu Phú, Chợ Mới, Phú Tân, Tân Châu, Thoại Sơn, với tổng chiều dài là hơn 1.500m. Sạt lở làm ảnh hưởng đến 17 căn nhà của người dân các huyện An Phú, Châu Phú, Chợ Mới; trong đó có 3 căn phải di dời khẩn cấp. Ước tính thiệt hại do sạt lở là gần 1,4 tỷ đồng. Đặc biệt, địa bàn H.Châu Phú có nhiều đoạn sạt lở nhất (14 đoạn), ảnh hưởng giao thông nông thôn và nguy cơ ảnh hưởng đến QL91. Từ ngày 28 đến 30-9-2022, tỉnh An Giang xảy ra 10 đoạn rạn nứt, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch ở các huyện An Phú, Chợ Mới, Tri Tôn, với tổng chiều dài là 288m.

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cho biết, hàng năm, Sở đều tiến hành đo đạc, quan trắc cảnh báo sạt lở bờ sông 2 đợt vào mùa khô và mùa mưa. Kết quả quan trắc cho thấy, toàn tỉnh hiện có 56 đoạn bờ sông cảnh báo nguy cơ sạt lở từ mức độ bình thường đến đặc biệt nguy hiểm, với tổng chiều dài hơn 181.000m. Trong đó, 14 đoạn ở mức độ bình thường, 37 đoạn ở mức độ nguy hiểm, 5 đoạn ở mức độ đặc biệt nguy hiểm.

Lãnh đạo TP.Cần Thơ thị sát khu vực nguy cơ sạt lở

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, tỉnh này hiện có 93 điểm sạt lở, với tổng chiều dài hơn 4.100m, cần gần69 tỷ đồngđể khắc phục khẩn cấp. Trong đó, có 52 điểm sạt lở lớn và nguy hiểm, nằm ngoài khả năng xử lý của cấp huyện. Các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đang trình UBND tỉnh xem xét, chi hơn51 tỷ đồngxử lý khẩn cấp các điểm sạt lở này. Đối với 41 điểm sạt lở vừa và nhỏ, các huyện, thị xã sử dụng nguồn dự phòng ngân sách cấp huyện để xử lý.

Trên địa bàn tỉnh Bến Tre hiện có 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển, với tổng chiều dài là 138km. Trong đó, sạt lở bờ sông có 104 điểm, với chiều dài là 118,2km, sạt lở bờ biển có 8 điểm, với chiều dài là 19,4km. Trung bình hằng năm, biển lấn sâu vào đất liền từ 10 - 15m, làm mất 120 héc-ta đất và 100 héc-ta rừng phòng hộ ven biển. Tại Đồng Tháp, từ đầu năm đến nay, tình trạng sạt lở trên sông Tiền, sông Hậu xảy ra tại 19 xã, phường, thị trấn của 4 huyện Thanh Bình, Hồng Ngự, Lấp Vò, Cao Lãnh và 2 thành phố Cao Lãnh, Hồng Ngự, với chiều dài hơn 26,7km, diện tích sạt lở gần 2 héc-ta. Ngoài ra, sạt lở còn xảy ra trên các sông, kênh, rạch nội đồng. Báo cáo của tỉnh Đồng Tháp, tổng chiều dài vành đai đứng trước nguy cơ sạt lở là hơn 132km, gần 6.000 hộ dân đang sinh sống trong vành đai có nguy cơ sạt lở.

UBND tỉnh Trà Vinh cho rằng, do tác động dòng chảy mạnh kết hợp với các đợt mưa lớn kéo dài và thường xuyên vừa qua đã làm sụp lún, sạt lở nghiêm trọng 4 đoạn đê bao ven sông Hậu, tại các xã Ninh Thới và Hòa Tân (H.Cầu Kè), với tổng chiều dài là 312m, sạt lở ăn sâu vào chân đê bao từ 3 - 5m. Khu vực này có nền đất yếu, phía ngoài sông không có đai rừng bảo vệ bờ nên tốc độ sạt lở rất nhanh và nguy hiểm. Tình trạng sạt lở đã và đang làm mất an toàn cho tuyến đê bao.

Hiện tại, tình hình sạt lở trên địa bàn TP.Cần Thơ cũng diễn ra rất nghiêm trọng. Từ đầu năm 2022 đến nay, thành phố này ghi nhận 9 điểm sạt lở bờ sông, gây thiệt hại hoàn toàn 5 căn nhà, còn 16 căn nhà bị sạt lở một phần. Tổng chiều dài ảnh hưởng của sạt lở là 268m, thiệt hại ước tính hơn 2,6 tỷ đồng. Ghi nhận tại Q.Bình Thủy, thời gian qua, nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, sụp lún, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Những khu vực sạt lở phức tạp nằm chủ yếu dọc các tuyến sông Trà Nóc, Bình Thủy và tuyến Rạch Cam - Ông Tường, thuộc các phường Trà Nóc, Long Hòa, Thới An Đông... Từ năm 2010 - 2021, thiệt hại do thiên tai gây ra đối với TP.Cần Thơ là khoảng 383 tỷ đồng.

Trước tình hình biến đổi khí hậu phức tạp, triều cường năm sau luôn cao hơn năm trước, nếu không có biện pháp phòng, chống sạt lở lâu dài thì người dân chưa thể thoát khỏi sự lo âu khi vào mùa mưa bão.

Bình luận (0)

Lên đầu trang