Miền Trung gồng mình đối phó với bão lũ

Thứ Hai, 12/09/2016 20:25  | Xuân Hoài

|

(CAO) Do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới và sẽ mạnh lên thành bão, trong ngày 12-9 tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung, tình hình mưa hết sức phức tạp.

Nhiều tuyến đường, nhiều khu vực tại Đà Nẵng và một số địa phương bị ngập cục bộ do mưa xối xả. Tàu thuyền cũng đang tìm cách neo đậu, tránh trú nơi an toàn.

Tại Đà Nẵng, ngay từ trưa, mưa tầm tã khiến nhiều tuyến được ngập cục bộ, như tại đường Quang Trung, Nguyễn Văn Linh, Đống Đa - Lý Tự Trọng,… bị ngập cục bộ. Nhiều xe nước vào bị hư hỏng phải đẩy bộ.

Thành phố Đà Nẵng đã ra lệnh cấm tàu thuyền ra khơi, các tàu ở ngoài khơi liên lạc tìm cách tránh trú.

Mưa lớn gây ngập một số tuyến đường tại Đà Nẵng

Chiều 12-9, sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng đã có công điện chỉ đạo cho phép học sinh nghỉ học ngày 13-9, nếu tình hình diễn biến phức tạp thì thủ trưởng các đơn vị, các trường học theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cấp có thẩm quyền để tiếp tục cho học sinh nghỉ học.

Theo Chi cục phòng chống Thiên tai miền Trung - Tây nguyên dẫn nguồn từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn, áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão, lúc 4 giờ ngày 13-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,8 độ Vĩ Bắc; 110,1 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Nam - Bình Định khoảng 130km về phía Đông.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9-10. Dự báo trong 24 đến 36 giờ tới, bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão (bão số 4), khu vực giữa Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9-10; biển động rất mạnh.

Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận - Cà Mau có mưa dông và gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao từ 2-3m, biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

Từ 12-9 đến ngày 14-9, ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi xuất hiện một đợt mưa to đến rất to diện rộng. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2. Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên trong 2-3 ngày tới ở Nam Bộ, Tây Nguyên và các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.

Người dân gồng mình đẩy xe hàng trong mưa

Mực nước các sông chính ở Ninh Thuận có dao động, các sông suối vùng núi có khả năng xảy ra lũ quét và sạt lở đất. Mực nước các sông khu vực Tây Nguyên biến đổi chậm, sông Srêpôk tiếp tục dao động theo điều tiết hồ chứa.

Trực ban Miền Trung – Tây Nguyên đã chuyển Công điện chỉ đạo của Văn phòng TT BCĐ TW PCTT tới các tỉnh trong khu vực và đôn đốc trực ban các tỉnh cập nhật tình hình tàu thuyền hoạt động trên biển.

Ngày 12-9, Chi cục phòng, chống thiên tai Khu vực miền Trung – Tây Nguyên cho biết, đến sáng cùng ngày lực lượng Bộ đội Biên phòng các tỉnh miền Trung đã thông báo và hướng dẫn cho tổng số 7.092 tàu/45.853 lao động biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, trong đó: Khu vực từ Quảng Ngãi đến Đà Nẵng: 221 tàu/2.587 lao động; khu vực từ Phú Yên đến Kiên Giang: 1.924 tàu/14.547 lao động; khu vực quần đảo Hoàng Sa: 20 tàu/140 lao động; khu vực giữa Hoàng Sa – Trường Sa: 308 tàu/2.156 lao động; khu vực quần đảo Trường Sa: 287 tàu/2.050 lao động; neo đậu tại bến, hoạt động ven bờ đi về trong ngày: 4.332 tàu/24.373 lao động….

Ngày 12-9, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai – Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn vừa có Công điện số 21/CĐ-TW điện các bộ, ngành, địa phương đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh thành phố, các bộ, ngành theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền, thông báo cho các chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động các biện pháp phòng tránh.

Thường xuyên theo dõi diễn biến của áp thấp nhiệt đới trên các phương tiện thông tin; quản lý việc ra khơi của tàu thuyền, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Cùng ngày, Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tại đã có cuộc họp khẩn để triển khai ứng phó mưa bão.

Bình luận (0)

Lên đầu trang