(CAO) Nằm cách thành phố không xa, có một xóm mót củi vẫn còn tồn tại. Có người năm nay 70 tuổi vẫn còn miệt mài với nghề này, dù đã trải qua không ít thăng trầm, mưa nắng.
Nằm trong khuôn viên bãi rác Công ty công viên cây xanh TP.HCM thuộc ấp 3, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM.
Ở nơi đây gần như tách biệt với những ồn ào và náo nhiệt của chốn thành thị. Chúng tôi tìm đến xóm mót củi vào một ngày tháng 9, dù đang là mùa mưa nhưng cái nắng vẫn còn rất chói chang. Phần nào làm tăng thêm sự vất vả cho những người dân đang chăm chỉ làm việc tại đây.
Dù là ngày nắng, mưa hay kể cả ngày lễ thì công việc của những người dân ở nơi đây vẫn cứ tiếp diễn. Với họ thói quen này dường như đã ăn sâu vào tâm trí, không đi làm ngày nào thì trong người cũng thấy bứt rứt, khó chịu. Nhiều người đã gắn bó với công việc cả hàng chục năm, có người thì 7, 8 năm.
Trò chuyện với chúng tôi cụ bà Nguyễn Gai Rai năm nay đã bước sang tuổi 73 nhưng không ai nghĩ bà lại là người làm công việc này lâu đời và giỏi nhất ở xóm này.
Bà cho chúng tôi biết: “Tôi làm nghề này đã lâu lắm rồi, không kể nắng hay mưa tôi đều đi mót củi, chứ bây giờ mà không đi làm thì không có tiền, với lại giờ tuổi cũng cao rồi con cái thì có gia đình hết. Không thể sống chung với tụi nó được, đến đây mót củi gặp được nhiều người làm chung, nói chuyện vui.
Nhưng công việc này cũng bấp bênh lắm cháu, trời nắng thì mần việc nó dễ hơn, còn trời mưa thì phải đội áo mưa vào lùng bùng khó làm việc lắm. Mình phải trèo lên đống cành cây để lôi những nhánh củi ra, nhiều lúc té, tay chân trầy xước. Nhưng mà nghề nào cũng có cái khó của nó, đã chọn thì phải bám trụ với nghề”.
Clip hòa mình vào xóm mót củi còn sót lại ở Sài Gòn:
Cô Phan Thị Kim Nga 43 tuổi chia sẻ: “Bây giờ đâu còn bao nhiêu người sử dụng củi để nấu nên nghề mót củi cũng ít ai biết tới. Chỉ có những quán ăn nhỏ, các lò nướng bánh mì, nấu cháo cho heo, nấu bánh giò, bánh tét hay sấy hạt điều hoặc xay gỗ,... nên chúng tôi vẫn bám trụ.
Khi cần mua củi khách đến bãi để lựa chọn. Mỗi xe củi xếp đầy chiếc ba gác có giá 200.000 - 250.000 đồng, còn đầy xe máy cày thì 550.000 - 600.000 đồng/xe nhưng không phải ngày nào cũng có khách tới mua. Bữa nào bán được hàng thì người mót củi vui lắm.
“Có khi mần cả tháng dồn lại thành đống, những mối quen người ta tới chất lên rồi chở đi. Nhưng có khi lâu hơn mới có người tới mua. Nghề này bấp bênh lắm không nói trước được. Mà nghề thì không thể bỏ, một phần là do mình bám trụ với nó lâu rồi không dứt ra được!”.
Theo quan sát của chúng tôi thì sau khi xe chở cây xanh của công ty công viên cây xanh chở tới, thì người dân trong xóm bắt đầu phụ đưa những nhánh cây từ trên xe xuống, sau đó họ tiếng hành trải củi.
Các cành cây được người dân tuốt hết lá. Sau đó, dùng xe hoặc khiên bằng tay chất thành từng đống, tại khu đất này có tới 5 hộ mót củi.
Mỗi hộ được chất củi theo khu riêng của mình, củi được chất theo bó lớn nhỏ khác nhau, củi lớn thì chất riêng, củi nhỏ chất riêng. Khi khách hàng tới mua thì việc bán cũng dễ dàng hơn, khách hàng có thể lựa chọn theo ý muốn của mình.
Trong lúc cuộc sống hiện đại đang dần đổi mới, nhiều người không còn sử dụng củi để đốt. Và bếp ga, bếp điện dần thay thế cho bếp củi.
Nhưng những người dân trong xóm mót củi vẫn miệt mài với công việc này. Với họ việc mót củi không chỉ để bán mà còn là công việc giúp họ có thêm niềm vui, mỗi khi được đi làm cùng nhau.
Loạt ảnh xóm mót củi còn sót lại ở Sài Gòn: