(CAO) Thầy và trò luyện ngày, luyện đêm, có khi chỉ 1 thầy kèm 1 hoặc 2 trò nhằm đạt kết quả tốt nhất để đạt thành tích cao, danh hiệu quý cho bản thân, gia đình, nhà trường, quê hương, đất nước
(CAO) 16 năm trước, sau khi huy động nhiều mối quan hệ tôi xin được cho con vào học ngôi trường khá nổi tiếng ở trung tâm Thành phố. Nhập học được ít hôm, cháu về báo tin là cô giáo chủ nhiệm cũng là giáo viên dạy Toán nói với lớp con là: môn Toán năm nay rất khó, giờ trên lớp không đủ để rèn luyện, các con phải học thêm.
Dạy thêm, học thêm… vì thành tích
Năm 1974, lần đầu tiên Việt Nam (miền Bắc) có đội tuyển học sinh giỏi Toán dự kỳ thi Toán quốc tế (Olympic Toán quốc tế - IMO) tại Erfurt Cộng hòa Dân chủ Đức và đạt thành tích xuất sắc khi 5 học sinh dự thi thì 4 học sinh giành được huy chương, trong đó có 1 huy chương vàng. Kể từ đó đến nay, hơn 40 năm với 38 lần tham dự đoàn Việt Nam luôn nằm trong top ten bảng xếp hạng. Không chỉ riêng môn Toán, mà các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, học sinh Việt Nam cũng giành được nhiều huy chương. Năm 2013, Việt Nam lần thứ 2 tham gia kỳ khảo sát PISA của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế dành cho tuổi 15, đánh giá học sinh về năng lực Toán học, Khoa học, Đọc hiểu…và học sinh Việt Nam có thứ hạng cao hơn Anh, Mỹ. |
Những kết quả đó cho thấy thành tích cao trong các kỳ thi của học sinh Việt Nam, chứ không phản ánh được sự phát triển của giáo dục Việt Nam. Bởi kết quả cuối cùng của giáo dục không phải là các kỳ thi mà là con người biểu hiện ở đạo đức – phẩm chất, trí tuệ - bản lĩnh, thể chất – thể lực …
Dạy thêm, học thêm ở tất cả các cấp học, các loại trường lớp đều tạo nên cái ĐƯỢC đó là kết quả, thành tích cao trong các kỳ thi.
Học sinh vui, thầy cô vui vì học sinh lên lớp 100%, thậm chí cả lớp, cả trường đều đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. Lãnh đạo ngành và lãnh đạo các địa phương cũng nở mày nở mặt trong các bản báo cáo thành tích về giáo dục. Phụ huynh cũng tự hào khi nói về con em mình.
Thầy và trò luyện ngày, luyện đêm, có khi chỉ 1 thầy kèm 1 hoặc 2 trò nhằm đạt kết quả tốt nhất để đạt thành tích cao, danh hiệu quý cho bản thân, gia đình, nhà trường, quê hương, đất nước. Cho đến kỳ thi đại học, hầu hết học sinh và phụ huynh Việt Nam coi là kỳ thi quan trọng nhất nên dồn hết sức cho kỳ thi này.
Giáo dục Việt Nam từ lâu mắc “bệnh thành tích”. Thành tích đó có được chủ yếu do luyện đề nhiều lần chứ không phải thành tích có được nhờ quá trình “học tập, khám phá, sáng tạo” (lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng).
Mặc dù số lượng sinh viên có bằng đại học rất nhiều nhưng các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là nước ngoài tuyển được không nhiều và hầu hết phải đào tạo lại. Cử nhân và cả thạc sĩ thất nghiệp lên con số hàng vạn.
Theo bản tin cập nhật thị trường số 9 do Bộ LĐTB&XH vừa công bố, trong quý 1/2016, cả nước có 1.072,3 nghìn người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 20,7 nghìn người so với quý 4/2015 và giảm 87,5 nghìn người so với cùng kỳ năm 2015. |
Giáo dục “trăn trở” tìm đường đổi mới
Thu nhập của giáo viên so với nhiều ngành nghề khác vẫn thấp mặc dù đã có phụ cấp ưu đãi đứng lớp từ 25% đến 35% (tùy từng cấp). Từ những năm 90 đến nay, nhờ phong trào dạy thêm nở rộ, giáo viên có thêm thu nhập ngoài lương chính ở trường. Dạy thêm giúp giáo viên đứng được với nghề, không bỏ nghề, không phải ra đường buôn bán hoặc cày cuốc…Có một số giáo viên phổ thông dạy luyện thi đời sống khá giả, thuộc tầng lớp trung lưu của xã hội.
Cho đến nay, việc dạy thêm, học thêm đã tràn lan ở mọi cấp học. Trẻ chưa vào lớp Một cũng đã phải đi học thêm. Nhiều trường hợp học thêm tự nguyện nhưng phần lớn là ép buộc.
Giáo dục và đạo đức xuống cấp rõ rệt. “Chất lượng người” (chữ của TS. Lương Hoài Nam) Việt Nam đang ở mức báo động.
Giáo dục đang “vặn mình” trăn trở để thay đổi.