(CAO) Ngày 8-9, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017 với nhiều thay đổi quan trọng.
Cải tiến theo hướng có lợi cho học sinh
Sau nhiều năm cải tiến, có lúc loay hoay, đến nay dù muộn nhưng tôi cũng thở phào vì Bộ Giáo dục và Đào tạo (gọi tắt là Bộ) đã đi đúng đường, con đường mà các nền giáo dục phát triển như Anh, Mỹ, Singapore … đã đi trong nhiều chục năm qua.
Thứ nhất là giao việc chủ trì thi THPT cho Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương, có sự hỗ trợ và giám sát của các trường đại học. Kỳ thi THPT quốc gia sẽ gọn nhẹ hơn, giúp học sinh và phụ huynh không quá căng thẳng.
Thứ hai là các trường đại học, cao đẳng được tự chủ trong việc tuyển sinh, được lựa chọn phương án, cách thức phù hợp, và có thể thi tuyển nhiều đợt trong năm. Hai năm vừa qua, một số trường đã đi trước trong việc kết hợp nhiều phương thức thi tuyển và đã thành công. Thí sinh được phép đăng ký nhiều nguyện vọng xét tuyển vào ngành/trường ĐH, CĐ và được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Với quy định này, học sinh có nhiều quyền lựa chọn hơn và khả năng trúng tuyển đúng ngành mà mình đam mê và sở trường cao hơn. Theo đó, chọn ngành quan trọng hơn chọn trường, hạn chế việc sau khi ra trường làm không đúng ngành nghề đào tạo, gây lãng phí thời gian và tiền bạc của bản thân, gia đình và xã hội.
Thứ ba là, dù số bài thi vẫn còn khá nhiều (5 bài: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội) nhưng 4/5 bài là thi trắc nghiệm (chỉ còn Ngữ văn là tự luận), học sinh nắm vững kiến thức sẽ làm được bài. Như vậy, bài thi sẽ đánh giá đúng hơn năng lực, trình độ của thí sinh. Việc dạy – học sẽ thay đổi, học hiểu chứ không phải học thuộc.
Còn nhiều băn khoăn
Trong dự thảo phương án thi Trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017, Bộ kết hợp kiểm tra tất cả các môn Khoa học tự nhiên (trừ Toán học) gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học vào một bài chung và tất cả các môn Khoa học xã hội (trừ Ngữ văn) gồm: Lịch sử, Địa lí, , Giáo dục công dân vào một bài chung
Với phương án như vậy, học sinh và phụ huynh lo khối lượng kiến thức sẽ trải rộng, khó lòng nắm vững, nhất là môn Giáo dục công dân, chưa bao giờ có trong nội dung thi. Môn này lớp 12 lại rất khó “nhằn” vì toàn kiến thức pháp luật khô khan, khó nhớ.
Chúng ta biết giáo dục của chúng ta hiện nay là lạc hậu. Thay đổi là cần thiết và tất yếu. Chính vì thế, trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI Đảng và Chính phủ đã thông qua Đề án về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Nhưng trong 3 năm liền liên tục có điều chỉnh, thay đổi là không nên, gây xáo trộn và hoang mang, lo lắng cho học sinh, phụ huynh, giáo viên. Đặc biệt là việc gộp các môn vào trong bài thi chung Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội là vội vàng, khi mà sách giáo khoa chưa tích hợp.
Để giúp học sinh, phụ huynh yên tâm, kiến nghị Bộ làm việc với các trường đại học để sớm công bố phương án thi, xét tuyển.