Mồ côi tội lắm con ơi!

Thứ Ba, 03/11/2020 20:48  | Hoàng Quân

|

(CAO) Bố mất. Mẹ tử vong. 2 em nhỏ qua đời. Hai em nữa bị thương nặng đang nằm bệnh viện. Tình cảnh tang tóc, éo le như thế, cô học sinh lớp 6 mới 11 tuổi làm sao gánh chịu nổi!

Bé gái 11 tuổi đeo 4 khăn tang và 2 em ruột bị thương

Cháu Đinh Thị Kim Hằng (11 tuổi, ngụ nóc Ông Sinh, thôn 1, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) – học sinh lớp 6 Trường THCS Trà Vân nằm thiếp đi trên chiếc chiếu ở góc căn nhà lánh nạn. Vụ lở núi, lũ quét vào đêm 28-20 làm hàng chục ngôi nhà ở nóc Ông Sinh bị sập, bị cuốn trôi. Có 3 gia đình với 8 người tử vong. Cháu Hằng mất bố, mẹ và 2 em ruột (1 em học mẫu giáo và em út 8 tháng tuổi) cũng qua đời.

Đại diện Báo Công an TPHCM trao quà hỗ trợ đến em Đinh Thị Kim Hằng (áo đỏ, 11 tuổi, ngụ thôn 1, nóc Ông Sinh, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, Quảng Nam).

Thi thể bố mẹ Hằng, 2 em ruột và 4 người nữa được tìm thấy trên các đống đổ nát. Hằng và 2 em còn lại thoát nạn, bị thương. Hằng bị thương nhẹ nhất nên còn ở lại. Em trai Đinh Hoàng Thái (6 tuổi) và em trai Đinh Vũ Thượng Thiên (2 tuổi) được đưa đi bệnh viện cấp cứu, điều trị. Cháu Thái bị gãy chân… Cháu Thiên đã ổn định sức khỏe và đang được giáo viên, y tế xã Trà Vân nuôi dưỡng.

Nóc Ông Sinh có 55 hộ dân với hơn 200 người đồng bào dân tộc Ca Dong, ngoài 8 người chết còn có 12 người bị thương. Sau sự cố tang thương đó, những người còn sống của 3 gia đình có 8 người chết không còn chỗ ở, được chính quyền và nhân dân bố trí ở các nhà dân trong làng.

Những ngày qua, Hằng và bà nội Hồ Thị Hiền (63 tuổi) nương tựa nhau sống qua ngày trong nỗi đau khổ, mất mát quá lớn. Tương lai của Hằng sẽ mịt mù khi không còn bố mẹ và 2 em, 2 em khác bị thương tật và còn quá nhỏ bé; bà nội cũng đã già yếu.

Cô giáo Nguyễn Hải Yến chăm sóc cháu Đinh Hoàng Thái (6 tuổi, em trai cháu Đinh Thị Kim Hằng) bị gãy chân.

Cô học trò ngất gục bên 2 nấm mộ

Nghe tin dữ về vụ sạt lở, lũ quét ở thôn 1 (nóc Ông Đề, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My), các giáo viên Trường THPT Nam Trà My cắt rừng gần 20 cây số, đưa cô học trò Đinh Thị Điệp về lại nhà. Đến nơi, thầy cô và em Điệp không còn tin vào mắt mình khi cả làng với 15 hộ dân đã không còn căn nhà nào!

Tang tóc đến rợn người khi 8 người chết và 14 người vẫn mất tích. Cả thôn đổ sập, vùi lấp, bị lũ cuốn ra sông, suối, không còn tài sản gì. Dân làng chỉ cho Điệp tìm đến 2 vạt đất là 2 nấm mộ mới đắp là nơi an táng bố và mẹ Điệp. Cô gái gục ngã trước 2 nấm mộ. Thi thể bố mẹ của em và 6 người dân khác được tìm thấy và an táng. 14 người khác vẫn mất tích cho đến ngày 3-11 đã 7 ngày và các lực lượng chức năng vẫn nỗ lực tìm kiếm.

Điệp, 2 người anh và 1 người em không được nhìn thấy mặt bố mẹ lần cuối cùng. Nghe dân làng bảo, bố mẹ em và 6 người khác được tìm thấy thi thể trong tình trạng không còn nguyên vẹn dưới những đống đổ nát. Hương khói xong cho bố mẹ, Điệp được các thầy cô giáo vượt rừng đưa trở lại trường để đảm bảo an toàn ở hiện trường khu vực sạt lở, lũ quét và nhường chỗ cho công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn 14 người còn mất tích.

Em Hồ Văn Hải (lớp 10, Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My) cũng ngụ nóc Ông Đề. Đang ở trường, nghe tin dữ, hôm sau Hải được thầy giáo dẫn về đến nhà thì làng thì người thân không còn. Bố mẹ, hai đứa em trai, dì ruột đã chết, mất tích; mới tìm thấy thi thể của bố… Giờ đây, Hải không biết nương tựa, bấu víu vào đâu khi người thân đã không còn.

Người dân ở nóc Ông Sinh (xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) đau thương, tang tóc.

Em Lê Thanh Tú (học sinh Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My) cũng đang đau đớn khi chưa tìm được thi thể bố là Lê Hoàng Việt – Bí thư Đảng ủy xã Trà Leng. Những ngày qua, Tú và mẹ cùng người thân ở tại các kều bạt, lán trại dựng tạm quanh núi để dõi theo tìm kiếm tung tích bố và 13 người mất tích, trong sự đau đớn, tuyệt vọng.

Các thầy cô của các trường đã đưa các em học sinh trên về khu bán trú của trường để chăm sóc, nuôi dưỡng; chăm sóc người thân của các em học sinh khác bị thương đang nằm viện… Trước mắt, các trường học có thể chăm sóc, nuôi dưỡng các em học sinh mất đi toàn bộ người thân. Chính quyền, ngành Giáo dục, nhà trường tại địa phương cũng đã có những, hỗ trợ, áp dụng các chính sách đối với các em học sinh.

Huyện vùng cao Nam Trà My nói chung và các trường vốn đã khó khăn, thiếu thốn nên khó đảm đương cuộc sống dài lâu và tương lai các em. Vì vậy, rất cần sự chung tay của chính quyền, các nhà hảo tâm để giúp các em vơi phần nào nỗi đau thương, mất mát quá nhiều người thân; ổn định lại tinh thần và để các em có thêm chỗ dựa để sống, tiếp tục học tập…

Đại diện Kênh VTV8 - Đài truyền hình Việt Nam động viên, trao quà hỗ trợ cháu Đinh Thị Kim Hằng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang