TP.Hồ Chí Minh: Mở hướng phát triển kinh tế ban đêm ở quận trung tâm

Thứ Năm, 11/01/2024 20:12  | Trung Hiếu

|

(CATP) Được biết, Q1 đang xây dựng đề án thí điểm xây dựng "3 trục động lực" và đề xuất "5 mô hình thí điểm" để thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm (KTBĐ). Vấn đề này vừa được Sở Công thương TPHCM ban hành văn bản gởi trình UBND TPHCM xem xét.

Đề án "Định hướng phát triển KTBĐ trên địa bàn Q1 sẽ bao gồm "3 trục động lực". Cụ thể là Trục Văn hóa, thương mại - Tinh hoa Sài Gòn với trục đường chính là Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi, mở rộng về đường Hàm Nghi và kéo dài ra Công Xã Paris (từ đường Lê Duẩn đến Nguyễn Du), Phạm Ngọc Thạch (từ vòng xoay Công trường Quốc tế đến nhà thờ Đức Bà).

Tại đây sẽ phát triển không gian biểu tượng, tập trung hoạt động văn hóa, nghệ thuật (VHNT), lễ hội đường phố, quảng bá, xúc tiến thương mại (XTTM), du lịch, dịch vụ, triển lãm sáng tạo, đổi mới, khoa học công nghệ..., đóng vai trò kiến tạo bản sắc và xây dựng hình ảnh quốc tế cho KTBĐ Q1 với mục tiêu thu hút khách du lịch quốc tế, cũng như người dân TPHCM tận hưởng tinh hoa đô thị của Q1 vào ban đêm.

Tiếp theo sẽ là Trục xanh - Thổi hồn đô thị với trục chính là Công viên 23/9, kéo dài ra hướng Lê Lai - Nguyễn Trãi thuộc P.Bến Thành (cụm đời sống đô thị) và hướng Bùi Viện - Trần Hưng Đạo thuộc P.Phạm Ngũ Lão (cụm cuộc sống đêm); bao gồm không gian kết nối cộng đồng, tập trung hoạt động VHNT, XTTM, du lịch, thể dục, thể thao, ẩm thực, khu vực hàng rong, trình diễn ánh sáng... gắn liền với đời sống, cảm xúc đô thị của TPHCM, giao lưu văn hóa vùng miền.

Cuối cùng là Trục ven mặt nước - Dòng chảy thời đại, gồm toàn bộ Công viên Bến Bạch Đằng (từ Cột cờ Thủ Ngữ đến cầu Ba Son), kết nối đến trục đường Thái Văn Lung - Nguyễn Siêu; tập trung phát triển không gian trên bến - dưới thuyền, hoạt động VHNT, lễ hội đường phố, quảng bá, XTTM, du lịch, dịch vụ... gắn liền với không gian và đời sống sông nước của TPHCM và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Trung tâm thành phố (Q1) về đêm luôn thu hút người dân và du khách

Bên cạnh 3 trục động lực, Q1 còn đề xuất triển khai thí điểm 5 mô hình phát triển KTBĐ, gồm: Mô hình 1 (Trục 1): Đường Lê Lợi - đại lộ mang tính biểu tượng, giao thoa các giá trị của TPHCM xưa và nay. Theo đó, Q1 đề xuất sử dụng lòng đường Lê Lợi, Đồng Khởi (phía trước Nhà hát Thành phố) tổ chức các sự kiện VHNT, lễ hội đường phố, quảng bá, XTTM, du lịch, dịch vụ, sáng tạo, đổi mới, khoa học công nghệ... quy mô lớn để quảng bá hình ảnh Việt Nam và TPHCM; mở rộng ra đường Hàm Nghi tổ chức Hội chợ nông sản quảng bá các sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao, OCOP...

Mô hình 2 (Trục 1): Đường Nguyễn Huệ - con đường nghệ thuật sẽ đề xuất xây dựng cộng đồng tự quản của các doanh nghiệp trên đường Nguyễn Huệ; qua đó kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tổ chức các sự kiện VHNT phục vụ người dân và du khách.

Mô hình 3 (Trục 1): Chợ Bến Thành - không gian ký ức, triển lãm văn hóa - lịch sử về đời sống Sài Gòn xưa. Tại đây sẽ chuyển đổi hoạt động của chợ Bến Thành theo hướng sử dụng các không gian bên trong và xung quanh khu vực chợ Bến Thành để tổ chức các hoạt động triển lãm, VHNT tái hiện lịch sử, đời sống Sài Gòn xưa; kết nối với tuyến đường Lê Lợi, kết hợp với mua sắm, ẩm thực trong chợ Bến Thành.

Mô hình 4 (Trục 2): Công viên 23/9 - không gian kết nối cộng đồng sẽ đề xuất khu vực dành cho sự kiện, lễ hội, các hoạt động VHNT, hoạt động thể dục, thể thao dành cho cộng đồng.

Mô hình 5 (Trục 3): Bến Bạch Đằng - phức hợp quảng bá văn hóa - du lịch và không gian kết nối cộng đồng sẽ phát triển Bến Bạch Đằng theo hướng phức hợp đa dụng - đa mục đích gồm trung chuyển, kết nối đường sông; thúc đẩy du lịch và trải nghiệm không gian lịch sử "trên bến - dưới thuyền"; không gian kết nối cộng đồng địa phương thông qua các hoạt động VHNT, du lịch, ẩm thực, thương mại đặc thù của TPHCM và các tỉnh, thành khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Sở Công thương TPHCM, đề án trên phù hợp định hướng phát triển KTBĐ của TPHCM, sẽ khai thác được tiềm năng, thế mạnh của Q1, tạo ra không gian vui chơi, giải trí, tham quan và mua sắm cho người dân trên địa bàn và du khách, tăng kết nối Q1 với các địa phương khác, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch và là cơ sở để lan tỏa các hoạt động kinh doanh, phát triển các dịch vụ khác, góp phần đẩy mạnh hoạt động du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của Q1 nói riêng và thành phố nói chung.

Bình luận (0)

Lên đầu trang